Một số lưu ý khi sử dụng vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm
Việc lựa chọn vaxin, cách sử dụng vaxin cho gia súc, gia cầm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành Thú y và là biện pháp cơ bản quan trọng trong quy trình phòng bệnh cho vật nuôi. Tuy nhiên, trên thực tế ở một số nơi, đối với cán bộ thú y cơ sở và người chăn nuôi, vấn đề này chưa được thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật. Điều này gây ra những khó khăn trong phòng chống dịch bệnh, gây thiệt hại cho chăn nuôi. Bài viết này sẽ giới thiệu một số điểm cần chú ý khi lựa chọn, sử dụng vacxin nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Tiêm vacxin cho gà con
I/ Khái quát về vacxin
Vacxin là chế phẩm sinh học chứa các mầm bệnh đã bị làm yếu đi hoặc đã chết (không còn khả năng gây bệnh). Sau khi tiêm vào cơ thể, chế phẩm này kích thích cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu để chống lại bệnh (còn gọi là miễn dịch). Chính yếu tố này mà việc dùng vacxin đòi hỏi kỹ thuật trong cả bảo quản cũng như sử dụng.
Có 04 loại vacxin: vacxin nhược độc, vacxin chết, giải độc tố và vacxin tái tổ hợp nhưng thông thường chúng ta sử dụng 02 loại vacxin sau:
1.Vacxin nhược độc (vacxin sống)
Là chế phẩm sinh học từ vi khuẩn hoặc virut đã được làm yếu đi đến mức không gây nguy hiểm cho vật nuôi, nhưng có tác dụng gây miễn dịch tốt; hoặc từ những chủng vi sinh vật vốn có tính gây bệnh thấp đối với động vật được tuyển chọn từ tự nhiên.
2. Vacxin vô hoạt (vacxin chết)
Là chế phẩm sinh học từ vi khuẩn, virut mầm bệnh đã bị giết chết bằng các tác nhân vật lý như tia cực tím, các chất hóa học như axit phenic, formol, crystal violet… (Vacxin ung khí thán cũng như các vacxin tụ huyết trùng trâu bò, tụ huyết trùng lợn… thường dùng trước đây là những vacxin vô hoạt bằng formol pha chất bổ trợ là keo phèn).
Mỗi loại vacxin có những đặc thù riêng, hiệu quả và thời gian miễn dịch phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng vacxin. Nếu sử dụng đúng kỹ thuật thì sẽ đảm bảo thời gian miễn dịch kéo dài và an toàn, ngược lại chỉ một sơ xuất nhỏ sẽ làm mất một phần hoặc mất hoàn toàn khả năng tạo miễn dịch của vacxin.
II/ Nguyên tắc chung khi sử dụng vacxin
Vacxin chủ yếu dùng để phòng bệnh. Sau khi tiêm vacxin một thời gian nhất định động vật mới có miễn dịch, vì vậy để sử dụng vacxin mang lại hiệu quả cao, cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
1. Bảo quản, vận chuyển đúng kỹ thuật:
Đây là yếu tố đặt lên hàng đầu bởi vacxin luôn đòi hỏi phải bảo quản ở một điều kiện nghiêm ngặt, đặc biệt là các loại vacxin nhược độc.
Điều kiện thích hợp nhất đối với các loại vacxin Virut là ở nhiệt độ từ 2 – 8°C, các loại vacxin vi khuẩn từ 5 – 15oC và một điều quan trong nữa là các loại vacxin phải bảo quản trong điều kiện mát, tránh ánh nắng mặt trời. Cần chú ý đây là một điều kiện cực kỳ quan trọng vì trong thực tế, nhiều người đi mua vác xin dùng túi nilông (loại túi sáng màu) có đựng đá bên trong nhưng rất tiếc khi đi đường lại để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào túi đựng vacxin, như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu lực của vacxin.
Để bảo quản vacxin trong điều kiện tốt nhất khi vận chuyển phải đựng vào hộp xốp hoặc phích đá; nếu mua với số lượng ít, nơi mua gần thì bảo quản bằng túi nilông, tốt nhất là loại nilông tối màu có giấy bọc. Trong quá trình bảo quản, vận chuyển cần bao gói kỹ, tránh hiện tượng va đập và đặc biệt không cho ánh nắng trực tiếp chiếu vào để đảm bảo chất lượng và hiệu quả phòng bệnh của vacxin.
2. Sử dụng vacxin đúng kỹ thuật:
– Tiêm phòng hàng năm cho gia súc, gia cầm ở nơi có ổ dịch cũ, nơi có bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa trước mùa phát bệnh; Vacxin phòng bệnh nào thì chỉ phòng được bệnh đó, không phòng được bệnh khác;
– Không được tiêm vacxin cho động vật đang mắc bệnh, nghi mắc bệnh, động vật quá gầy yếu, quá non, con mẹ mới đẻ, động vật mới thiến chưa lành vết thương, những con có nhiều ký sinh trùng và động vật mang thai ở kỳ cuối;
– Dụng cụ tiêm phòng (bơm kim tiêm) phải đảm bảo tiệt trùng. Biện pháp tốt nhất là luộc sôi để nguội trước khi sử dụng;
– Không dùng cồn để sát trùng bơm kim tiêm khi tiêm vacxin;
– Dùng vacxin đủ liều, đúng đường tiêm, đúng vị trí, đủ độ sâu và đúng lịch theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất; vị trí tiêm phải được sát trùng; lắc kỹ lọ vacxin trước khi sử dụng; vacxin đã pha hoặc đã cắm kim tiêm, nên dùng càng sớm càng tốt, nếu thừa phải hủy, không được dùng cho ngày hôm sau; không vứt bừa bãi chai lọ, kim tiêm; sau khi sử dụng vác xin, cần theo dõi vật nuôi để kịp thời can thiệp các trường hợp phản ứng hoặc gia súc gia cầm có thể bị sốc phản vệ; khi đi mua vacxin nên mua ở những nơi có đủ điều kiện, được phép bán vacxin, tốt nhất mua tại các cửa hàng được Trạm Thú y huyện cấp phép để đảm bảo chất lượng và được tư vấn kỹ thuật về cách sử dụng các loại vacxin.
3. Một số bệnh cần chú ý tiêm phòng cho vật nuôi:
– Đàn lợn: Tiêm phòng vacxin Lở mồm long móng, Dịch tả, Tụ huyết trùng, tai xanh, sưng phù đầu, phó thương hàn,
– Đối với trâu bò: Tiêm phòng vacxin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng,
– Đối với chó, mèo: Tiêm phòng bệnh Dại.
– Đối với gà: Tiêm phòng vacxin Newcatle, Gumboro, vacxin Cúm, viêm khí quản truyền nhiễm;
– Đối với vịt: Tiêm phòng vacxin Dịch tả vịt, vacxin Cúm.
Người chăn nuôi nên liên hệ với kỹ thuật viên Thú y phường, xã hoặc liên hệ với Trạm Thú y tại địa phương để được hướng dẫn và tiêm phòng vaccine cho vật nuôi nhằm góp phần bảo vệ lợi ích cho chính mình và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Related news
Thâm canh rau màu vụ hè thu cần lưu ý gì? Là vụ trái của nhiều loại rau màu nên đòi hỏi người trồng cần phải lưu ý một số khâu kĩ thuật quan trọng như sau...
Từ mảnh đất hơn 4ha hoang hóa, sau hơn 10 năm cải tạo, đầu tư trồng cây ăn quả, đến nay gia đình ông Nguyễn Văn Thủy, thôn Hú, xã Hòa Tiến (Hưng Hà)
Bồn bồn vào vụ còn đem lại thu nhập cho lực lượng lao động làm nghề nhổ thuê. Cây sau khi làm sạch được thương lái trực tiếp đến mua và thường tiêu thụ hết