Một Số Lưu Ý Khi Chuẩn Bị Ao Nuôi Tôm Chân Trắng, Tôm Sú
Vụ nuôi tôm sú, tôm chân trắng năm 2010 đa số người dân đều có lãi do giá tôm thương phẩm ở mức cao. Đây là tín hiệu vui và là động lực giúp cho người nuôi tôm sẽ tích cực đầu tư, cải tạo ao đầm, chuẩn bị cho vụ nuôi năm 2011.
Theo khuyến cáo khung thời vụ nuôi tôm năm 2011 của Sở Nông nghiệp và PTNT, thời điểm thả giống đã bắt đầu. Theo nhận định của các chuyên gia thủy sản thì vụ nuôi năm nay sẽ gặp một số khó khăn.
Thứ nhất, do giá tôm thương phẩm ở cuối vụ nuôi năm 2010 khá hấp dẫn nên một số người dân thả nuôi trước lịch thời vụ trong khi điều kiện thời tiết, môi trường chưa phù hợp cho tôm nuôi.
Thứ hai, người dân chưa quan tâm đến chất lượng con giống, thường mua con giống trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng, không qua kiểm dịch.
Thứ ba, xây dựng hệ thống ao nuôi chưa đúng yêu cầu kỹ thuật đặc biệt là vùng mới chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm nằm ở khu vực trong đê bao ngăn mặn; hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu cấp và thoát nước.
Thứ tư, một số người nuôi còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác, ốc, còng, cá tạp…làm cho nước trong ao nghèo dinh dưỡng, tôm kéo đàn, chậm lớn. Thứ năm, mầm bệnh đốm trắng từ những ao nuôi nghịch vụ đang phát triển.
Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi năm 2011, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, người nuôi tôm cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau:
* Ao nuôi phải chắc chắn, không bị rò rỉ nước; phải có ao lắng để xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi, diện tích ao lắng chiếm khoảng 25 - 30% diện tích ao nuôi. Sên vét bùn đáy ao, độ sâu của ao phải đạt từ 1,2 - 1,5m.
* Bón vôi: sau khi thu hoạch xong tháo cạn nước, vét lớp bùn, bón vôi nông nghiệp 0,5 - 1 tấn/ha, phơi khô 5 - 7 ngày.
* Diệt tạp: Lấy nước vào ao khoảng 1 - 1,2 m qua lưới lọc. Sau đó để 2 - 3 cho các loại trứng cá nở hết rồi tiến hành diệt cá bằng saponine nồng dộ 15-20 g/m3 nước, tiếp tục ngâm ao thêm 4 ngày nữa.
* Khử trùng nguồn nước: trong nước ao thường có chứa nhiều loại virus, vi khuẩn, nguyên sinh động vật gây bệnh cho tôm nên trước khi thả giống cần tiến hành khử trùng nguồn nước bằng các loại thuốc như BKC, Iodine…
* Bón phân gây màu để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giống và sử dụng chế phẩm sinh học để khống chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, làm sạch đáy ao, hấp thu khí độc NH3, H2S đồng thời duy trì các yếu tố môi trường trong ao nuôi luôn ổn định.
* Để đảm bảo khi thả tôm giống không bị sốc và đạt tỷ lệ sống cao thì nên tạt sản phẩm Zucca – CA xuống ao trước; kiểm tra để điều chỉnh các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển: pH từ 7,5 - 8,5, độ kiềm lớn hơn 80 mg/l, độ trong từ 30 - 40 cm, nước có màu vàng xanh, ao không có khí độc. Sau đó mới tiến hành thả giống.
Nhìn chung, vụ nuôi tôm năm 2011 sẽ vẫn còn nhiều thách thức về giá cả thức ăn, thuốc thủy sản, chất lượng con giống, giá bán tôm thương phẩm, dịch bệnh, điều kiện môi trường …. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương ngay từ đầu vụ nuôi cũng như sự chuẩn bị chu đáo của người dân, hy vọng một vụ mùa tôm thắng lợi nữa lại đến.
Related news
Mô hình nuôi tôm an toàn sinh học ngày càng được áp dụng rộng rãi, nhằm giảm rủi ro do dịch bệnh gây nên. Sử dụng rơm ủ hỗn hợp men vi sinh và phân vô cơ là giải pháp mang lại hiệu quả cao, ít tốn chi phí.
Nuôi tôm càng xanh bậc thang là loại hình nuôi tôm từ giống lên thương phẩm phải qua 3 bậc (ao), bao gồm ao ương, ao nuôi chuyền và ao nuôi tôm đực. Đây là hình thức nuôi mới, có thể nuôi được nhiều đợt trong một vụ.
Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y một số tỉnh ĐBSCL cho thấy, tỷ lệ mẫu tôm bệnh dương tính đối với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV) trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng là khá cao, gây ra những thiệt hại đáng kể trên tôm nuôi. Do đó, chủ động phòng ngừa bệnh này là vô cùng cần thiết.
Thời gian gần đây người nuôi tôm thẻ chân trắng thường gặp tình trạng tôm bị “bệnh đốm đen”, tỷ lệ chết có thể lên đến 80 – 90% nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời. Một số trường hợp phát hiện bệnh trễ thì hầu như mọi biện pháp chữa trị đều không mang lại kết quả tốt và phải tiến hành thu hoạch.
Cá lăng chấm là loài cá sông có giá trị kinh tế cao, ngoài kỹ thuật nuôi trong lồng bè và ao nước tĩnh thì nuôi cá trong ao nước chảy cũng là một phương thức nuôi hiệu quả.