Một số lưu ý gieo trồng giống lúa Thiên ưu 8 vụ xuân
Giống Thiên ưu 8 có thời gian sinh trưởng phù hợp cơ cấu cho những vùng sản xuất cây vụ Đông.
Nguồn gốc
Thiên ưu 8 là giống lúa thuần chất lượng, tiềm năng năng suất cao do Cty CP Giống cây trồng Trung ương chọn tạo. Đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức.
Đặc tính giống
- Là giống cảm ôn, gieo cấy được cả hai vụ.
- Chiều cao cây 100 - 110cm, phiến lá phẳng đứng, gọn khóm, màu xanh đậm, đẻ nhánh trung bình.
- Thời gian sinh trưởng: Khu vực đồng bằng sông Hồng và trung du Bắc Bộ: vụ Xuân 125 - 130 ngày; vụ Mùa 100 - 105 ngày (nếu gieo sạ thời gian sinh trưởng rút ngắn 3 - 5 ngày). Khu vực Bắc Trung bộ thời gian rút ngắn 3 - 5 ngày so với khu vực đồng bằng sông Hồng. Khu vực Nam Trung bộ vụ Đông Xuân 105 - 110 ngày, vụ Hè Thu 95 - 100 ngày.
- Năng suất trung bình 70 - 75 tạ/ha, thâm canh đạt 85 - 90 tạ/ha. Hạt thon, dài, mỏ cong, màu vàng sáng, khối lượng 1.000 hạt 20 - 21 gram, hạt gạo trong, cơm trắng, bóng, mềm, vị đậm.
- Chống đổ khá, chống chịu trung bình với một số loại bệnh hại chính (đạo ôn, khô vằn, bạc lá…), phạm vi thích ứng rộng.
Tình hình sản xuất ở một số địa phương
Hiện nay đang là thời điểm làm mạ, xuống giống của các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa… Tại Thanh Hóa và Nghệ An, Thiên ưu 8 đã được đưa vào cơ cấu giống chủ lực của tỉnh. Ngay trong vụ Xuân 2017, do công tác dự báo và phòng chống kịp nên năng suất bình quân của Thiên ưu 8 tại Thanh Hóa đạt từ 7,2 - 7,5 tấn/ha. Ở những huyện sản xuất trọng điểm như Yên Định, Vĩnh Lộc, Nông Cống, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Quảng Xương… tập trung tại các vùng quy hoạch lúa thâm canh, năng suất, chất lượng cao.
Giống Thiên ưu 8 có thời gian sinh trưởng phù hợp cơ cấu cho những vùng sản xuất cây vụ Đông.
Một số lưu ý phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa Xuân
Vệ sinh đồng ruộng, các tàn dư lúa chét, cỏ dại của vụ trước. Gieo cấy ở mật độ vừa phải.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết trên các chương trình dự báo thời tiết của đài báo, thăm đồng thường xuyên tạo thế chủ động phòng trừ đạo ôn hiệu quả.
Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali. Không bón quá nhiều phân đạm, nhất là thời kỳ cuối đẻ nhánh, trước và sau trổ (có nơi nông dân còn gọi là bón đón đòng), đặc biệt bỏ hẳn việc bón đạm để nuôi hạt.
Bà con cần kiểm tra ruộng lúa thường xuyên để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trị bệnh nhất là trước khi lúa trỗ từ 7 - 10 ngày bằng thuốc đặc hiệu. Nếu thấy ruộng bị bệnh, mà thời tiết đang phù hợp cho bệnh (trời lạnh, đêm và sáng sớm có nhiều sương mù, hoặc trời có mưa nhỏ xen kẽ, ban ngày trời âm u, ít nắng...) thì phải ngưng bón đạm, không để ruộng bị khô nước và tiến hành phun thuốc phòng bệnh kịp thời.
Sử dụng thuốc hóa học đặc hiệu để phun phòng trừ bệnh đạo ôn, phun phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ 5 - 7 ngày và phun lần 2 sau khi lúa trổ 10 ngày những ruộng bị nặng tiếp tục phun lại lần 3. Dùng bình phun có bec tia nhỏ để phun, lượng nước thuốc phải đủ theo hướng dẫn (bà con lưu ý trước khi phun xem kỹ hướng dẫn trên bao bì thuốc của nhà sản xuất). Sau khi phun thuốc gặp mưa to cần phải phun lại.
Thực hiện phòng trừ bệnh lùn sọc đen trong vụ Xuân 2018 với các biện pháp chủ yếu sau:
+ Vệ sinh đồng ruộng bằng cách dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, tàn dư từ cây ngô...
+ Thực hiện gieo mạ tập trung để quản lý rầy đầu vụ. Che phủ ni lông cho 100% diện tích mạ để chống rét, chống rầy lưng trắng gây bệnh lùn sọc đen.
+ Tiến hành xử lý hạt giống 100% diện tích lúa Xuân (cả lúa gieo thẳng và lúa cấy) bằng thuốc hóa học hoặc sinh học để tăng sức đề kháng cho cây mạ đối với rầy.
+ Phun thuốc phòng trừ rầy để tiễn mạ cho 100% diện tích mạ trước khi cấy 2 - 3 ngày.
+ Theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy giai đoạn lúa từ cấy đến làm đòng (giai đoạn mẫn cảm với virus lùn sọc đen); khi phát hiện có triệu chứng bệnh lùn sọc đen thì phải nhổ bỏ, tiêu hủy cây lúa bị bệnh, cấy dặm cây khỏe và phun thuốc trừ rầy trên ruộng bị bệnh và khu vực xung quanh.
Đẩy mạnh thực hiện và mở rộng các tiến bộ kỹ thuật trong công tác khuyến nông bảo vệ thực vật như: Quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI); chương trình ba giảm ba tăng (ICM); chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM; các mô hình quản lý bền vững sâu bệnh hại cây trồng nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.
Related news
Quá trình bồi tụ trên nền biển dòng phù sa hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, địa hình khá bằng phẳng, phù hợp phát triển cây lương thực và các loại cây rau
Nếu thời điểm bón phân thúc lúa đẻ nhánh có nhiều trận mưa rào thì cần giảm lượng đạm để cân đối dinh dưỡng cho lúa.