Home / Gia súc-Gia cầm / Nuôi lợn (Heo)

Một số lưu ý chăm sóc khi heo nái đẻ

Một số lưu ý chăm sóc khi heo nái đẻ
Author: Võ Văn Thạnh
Publish date: Friday. March 30th, 2018

Trong chăn nuôi heo nái, việc đảm bảo số lượng heo sơ sinh và sức khỏe của nái là khâu rất quan trọng vì nó quyết định rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Để giảm thiểu rủi ro trước, trong và sau khi heo nái đẻ, người chăn nuôi cần lưu ý một số yêu cầu sau:  

Một là, trước khi sinh 1 tuần cần vệ sinh và sát trùng chuồng rồi đưa heo nái vào; chuẩn bị nơi úm, đèn úm cho heo con. Về dụng cụ, cần có vải mùng hay vải sạch, sản phẩm bột lăn, kéo hoặc dao lam để cắt rốn, chỉ buộc rốn, cồn iod để sát trùng rốn, bông gòn, găng tay; kiềm bấm răng và đuôi heo; ống và kim tiêm; các loại thuốc trợ sức như B12, C, Camphora, glucose; thuốc kháng sinh, thuốc giục đẻ oxytocin, vaselin hoặc dầu thực vật. Lưu ý các vật dụng cần phải được sát trùng thật kỹ.

Thứ hai là, người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi, hỗ trợ quá trình đẻ của heo nái. Nên xoa bóp nhẹ bầu vú để kích thích cho heo nái đẻ nhanh hơn. Thông thường khi heo nái sắp đẻ đi lại nhiều, bồn chồn, đi phân lọn nhỏ, tiểu liên tục, ủi máng, ít ăn, thường chỉ uống nước; lúc này không nên cho nái ăn quá no. Cần quan sát, theo dõi hiện tượng vỡ ối, khoảng 30 - 60 phút sau khi vỡ ối heo nái sẽ đi phân xu lẫn trong nước ối, đây cũng là lúc nái bắt đầu đẻ; khi nái bắt đầu đẻ, cần mở đèn để làm ấm toàn bộ không khí nơi úm; cần thực hiện thao tác đở đẻ nhẹ nhàng, không ồn ào làm ảnh hưởng đến quá trình đẻ. 

Thứ ba là, trung bình 15 - 30 phút thì heo nái đẻ một heo con. Nếu quá 45 phút mà nái chưa đẻ con tiếp theo thì cần dùng tay thăm dò qua âm đạo để can thiệp bắt heo con ra. Nên hạn chế can thiệp và chỉ can thiệp (bằng tay, thuốc kích thích đẻ) khi heo nái có biểu hiện rặn yếu hay không rặn. Thuốc giục thường dùng là oxytocin, chỉ được sử dụng tối đa 30 đơn vị cho một lần tiêm bắp và 60 phút sau có thể tiêm nhắc lại nếu cần thiết và chỉ sử dụng khi bào thai xuống gần tới cổ tử cung nhưng nái không rặn đẻ. Nế sử dụng thuốc giục quá sớm và quá liều dễ làm cho các bào thai còn lại bị đứt cuống rốn, heo con dễ bị chết ngộp khi còn trong bụng mẹ. Kinh nghiệm cho thấy, có thể dùng tay kích thích nhẹ ở vùng xương thiêng của nái sẽ làm tăng phản xạ rặn đẻ.

Thứ tư là, cần cho heo con bú sớm sữa đầu, khi nái đẻ được từ 1 - 2 con heo đầu tiên cần cho heo con bú ngay nhằm kích thích nái đẻ. Cần cho heo con bú nhiều lần trong những ngày đầu vì lúc này sữa chứa nhiều dinh dưỡng và kháng thể giúp heo con có sức đề kháng tốt. Cần sắp xếp những heo con có trọng lượng nhỏ cho bú ở những vú phía trước ngực.

Thứ năm là, chú ý đếm lá nhau, để tránh hiện tượng sót nhau (số lá nhau bằng số heo con được sinh ra, chỉ trừ trường hợp heo đẻ bọc chung một nhau). Nếu trên 6 giờ sau khi đẻ con cuối cùng mà số nhau không đủ với số con thì có hiện tượng sót nhau và cần can thiệp kịp thời để không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ heo mẹ.

Thứ sáu là, sau khi heo nái sinh được 5-6 con, cần dùng thuốc trợ sức kết hợp với dung dịch đường glucose, lactate ringer tiêm vào tĩnh mạch tai vì lúc này heo nái bắt đầu thấm mệt. Những ngày đầu sau sinh, không nên tắm cho nái vì dễ gây cảm lạnh, có thể dùng khăn nhúng nước lau mình cho nái. Sau khoảng 1 tuần có thể tắm cho nái như bình thường. Sau khi heo nái đẻ xong phải dọn vệ sinh sạch sẽ chuồng, cơ thể heo mẹ, lau sạch bầu vú heo mẹ trước khi cho heo con bú. Lúc này nên dùng thuốc kháng sinh chích bắp cho nái để ngừa hội chứng viêm vú, viêm âm đạo, viên tử cung (M.M.A), nên dùng các loại kháng sinh có thời gian tác dụng dài như Terramycine LA, Chlamoxyl… và sau 2 - 3 ngày tiêm nhắc lại. Cần kiểm tra thân nhiệt heo nái hàng ngày, nếu trên 39oC là hiện tượng nái bị sốt có thể liên quan với các triệu chứng của viêm vú, viêm tử cung, sót nhau hay nhiễm trùng. Nếu nái bị viêm âm đạo, viêm tử cung thì dùng kháng sinh bơm vào âm hộ với liều 2 gram Ampi + 30 cc nước sinh lý, bơm 3 lần trong ngày và liên tục 3 ngày


Related news

Kỹ thuật nuôi lợn Móng Cái mang lại hiệu quả kinh tế cao Kỹ thuật nuôi lợn Móng Cái mang lại hiệu quả kinh tế cao

Kỹ thuật nuôi lợn Móng Cái đơn giản hơn so với những giống lợn khác vì giống này ưu điểm về tính thích nghi, khả năng tăng trưởng, khả năng sinh sản và nuôi con

Tuesday. February 6th, 2018
Hiệu quả từ mô hình nuôi heo rừng lai Hiệu quả từ mô hình nuôi heo rừng lai

Việc thuần hóa heo rừng, lai tạo với heo bản địa đang được nhiều trang trại và các cơ sở chăn nuôi ứng dụng và ông Nguyễn Hữu Thuận là một điển hình

Friday. March 2nd, 2018
Sử dụng men tiêu hóa trong chăn nuôi heo Sử dụng men tiêu hóa trong chăn nuôi heo

Trong chăn nuôi heo lâu nay, bà con chăn nuôi đã sử dụng khá phổ biến các loại chế phẩm thường được gọi là "men tiêu hóa" nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn

Friday. March 30th, 2018