Một số giống cỏ cho chăn nuôi bò
Để nhà nông chọn được giống cỏ trồng thích hợp với điều kiện đất đai cụ thể cho chăn nuôi bò, chúng tôi xin giới thiệu một số giống có năng suất, chất lượng đã gieo trồng hiệu quả tại một số địa phương trong nước.
Ruộng cỏ voi
1. Cỏ VA06
Là giống lai tạo giữa cỏ voi và cỏ đuôi sói ở châu Phi. Thích hợp trồng trên các vùng đất khô, ít ngập úng. Dạng cây thân thảo mọc thẳng như cây mía và phát triển theo bụi. Chiều cao cây trung bình 4 - 5m. Khả năng chống chịu rất khỏe, thích ứng rộng, trồng được trên nhiều loại đất, tỷ lệ cây sống sau trồng đạt trên 95%. Cỏ đẻ nhánh khỏe, trung bình 1 năm 1 cây đẻ được 25 - 30 nhánh, chăm sóc tốt có thể đẻ được 40 - 50 nhánh.
VA06 là giống cho năng suất, chất lượng cao nhất trong các giống cỏ đang trồng cho chăn nuôi ở nước ta hiện nay. Trung bình 1 năm có thể thu hoạch được 400 - 500 tấn. Thâm canh có thể đạt 800 - 900 tấn.
Cỏ VA06 có hàm lượng dinh dưỡng cao, nên ngoài trồng cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt, còn có thể dùng cho nuôi cá trắm cỏ, ngan, vịt, thỏ. Cỏ thu hoạch dùng cho bò ăn tươi là chính, có thể ủ chua hoặc làm bột cỏ cho nuôi bò sữa, bò thịt, dê, thỏ.
Thu hoạch cỏ lứa đầu sau trồng 55 - 60 ngày, các lứa sau 40 - 45 ngày cắt 1 lứa (khi cỏ cao 0,8 - 1m thì tiến hành thu hoạch). Cắt cỏ sát mặt đất cách gốc 3 - 5cm. Khi cắt không để gốc quá cao, ảnh hưởng xấu đến khả năng tái sinh của bụi cỏ. Không thu hoạch cỏ vào ngày thời tiết có mưa để tránh sâu bệnh gây hại.
Nhân giống bằng tách chồi hoặc cắt mắt từ các cây cỏ sinh trưởng khỏe. Trồng 1 lần thu hoạch 6 - 7 năm mới phải trồng lại.
2. Cỏ voi
Nguồn gốc giống ở Nam Phi. Giống trồng ưa ẩm, chịu được đất chua hoặc hơi kiềm, nhưng không chịu được phèn mặn và ngập úng. Cây thuộc họ hòa thảo, cao trung bình 4 - 6m. Thân đứng, nhiều đốt, các đốt gần gốc thường ra rễ, có thân ngầm phát triển trong đất. Lá dải mỏng, chóp lá nhọn nhẵn, bẹ lá dẹt ngắn và mềm. Hoa hình chùy màu vàng nhạt. Rễ phát triển khỏe, có thể ăn sâu tới 2m.
Năng suất trung bình đạt 200 - 300 tấn/ha/năm, chăm sóc tốt có thể đạt tới 400 - 500 tấn/ha/năm. Cỏ voi trồng trên đất thịt nhẹ sẽ cho năng suất cao hơn. Khi bị khô hạn cỏ voi sinh trưởng chậm, cây cằn cỗi, năng suất giảm.
Thu hoạch: Mỗi năm có thể cắt 7 - 8 lứa. Trồng mới cỏ bằng các đoạn hom thân lấy từ những bụi cỏ voi khỏe. Trồng 1 lần thu hoạch 4 - 5 năm mới phải trồng lại.
3. Cỏ sả
Nguồn gốc giống từ châu Phi. Giống sinh trưởng tốt tại các vùng đất màu mỡ, thoát nước tốt, có thể chịu che khuất được 30% ánh sáng. Khả năng chịu hạn trung bình. Chịu được úng cục bộ trong thời gian ngắn. Không phù hợp trồng ở các vùng có mùa khô kéo dài trên 5 tháng. Bị che khuất 50% ánh sáng năng suất cỏ sẽ giảm 1/2.
Cây thuộc dạng thân thảo đứng, mềm, phát triển thành bụi, gốc có màu tím. Năng suất trung bình đạt 250 - 300 tấn/năm, chăm sóc tốt có thể đạt 400 - 450 tấn/năm. Thu hoạch lứa đầu sau trồng 60 ngày, các lứa tiếp sau thu cách nhau 30 - 35 ngày. Sản phẩm chủ yếu dùng cho bò ăn tươi, có thể ủ chua hoặc phơi khô. Trồng mới giống bằng hạt hoặc bằng đoạn hom thân. Trồng 1 lần thu hoạch 5 - 6 năm thì trồng lại.
4. Cỏ lông Para (cỏ lông tây)
Là loại cỏ lưu niên trồng phổ biến ở các vùng đất không thoát nước và đất thường xuyên ngập úng. Chịu được khí hậu nóng ẩm. Không chịu được đất khô hạn. Giống thuộc dạng thân bò hoặc thân nghiêng, phát triển thành thảm cỏ cao tới 1m. Cành cứng, to, rỗng, đốt dài 10 - 15cm.
Năng suất trung bình đạt 70 - 80 tấn/ha/năm, chăm sóc tốt đạt 90 - 100 tấn/năm. Thu hoạch lứa đầu sau trồng 45 - 60 ngày, các lứa tiếp theo cách nhau 30 - 35 ngày. Cắt cách mặt đất 5 - 10cm. Cỏ trồng 1 lần có thể cho thu hoạch 4 - 5 năm. Lấy giống trồng mới từ các cành cỏ sả sinh trưởng tốt.
Related news
Tôi tới dự hội thảo của Bộ NN-PTNT về tình hình sản xuất, tiêu thụ thịt lợn thời gian qua và một số biện pháp phát triển chăn nuôi
“Cơn lốc” hàng Thái tràn về Việt Nam không chỉ dừng lại ở các mặt hàng tiêu dùng mà còn lấn sân sang lĩnh vực nông sản - ngành hàng mà Việt Nam đang có thế mạnh
Sự sụt giảm của diện tích đồng cỏ, bãi chăn tự nhiên khiến người nông dân mất nhiều thời gian và công sức hơn để chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc