Một số biện pháp quản lý nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão
Để chủ động ứng phó với bão, lũ lụt và đảm bảo an toàn cho người nuôi trồng thủy sản và đàn tôm cá trong mùa mưa bão sắp tới, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị; Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An, Công ty CP giống nuôi trồng thủy sản Nghệ An, Công ty CP NTTS Trịnh Môn; UBND các phường, xã có diện tích nuôi trồng thủy sản, hợp tác xã và tổ cộng đồng, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1.Đối với các cơ sở nuôi trồng, sản xuất giống thủy sản:
* Ao nuôi cá bố mẹ, ương giống và ao nuôi thương phẩm
Kiểm tra và tu bổ lại bờ ao chắc chắn đảm bảo giữ được nước. Cần phát quang những cành, cây xung quanh bờ, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi.
Tại cống xả tràn đặt lưới chắn hình chữ V để tăng diện tích thoát nước nhằm tránh cá thoát ra ngoài khi có lũ lụt lớn xảy ra.
Tháo bớt nước trong ao, chuẩn bị đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng để gia cố sửa chữa hệ thống bờ, cống, có lưới chắn phòng tràn bờ gây thất thoát thủy sản nuôi khi mưa to gió lớn.
Khi mưa lũ xẩy ra: phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như: bón vôi (1 - 3 kg/100m2) để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước, hoặc có thể thay nước khi cần thiết. Rải vôi xung quanh bờ ao phòng nước trôi phèn xuống làm biến động PH ao nuôi.
Bổ sung vitamin C vào thức ăn để giúp cá, tôm tăng sức đề kháng.
Những ao nuôi đạt cỡ thương phẩm nên thu hoạch để hạn chế thiệt hại.
Đối với ao nuôi tôm:
Tăng thời gian chạy quạt nước để tránh thiếu oxy và hiện tượng phân tầng nước trong ao nuôi.
Chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất.
* Ruộng nuôi cá - lúa:
Gia cố bờ ruộng chắc chắn và đắp bờ cao hơn mực nước 0,5 m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi phải bố trí nhiều cống thoát nước.
Phải căng lưới bao xung quanh bờ ruộng và thường xuyên kiểm tra để khắc phục trường hợp lưới rách hoặc nước chảy làm trống dưới chân lưới sẽ thất thất thoát
Thường xuyên kiểm tra lưới, hệ thống cống, bờ và đắp lại những nơi xung yếu chống tránh tình trạng vỡ bờ. Dọn sạch đăng cống, mương rãnh để nước thoát nhanh.
Chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết.
* Nuôi cá lồng trên sông, hồ nước lớn.
Kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng lồng. Trong trường hợp lồng không thể di chuyển cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió.
Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá.
Chuẩn bị thuyền máy, phao cứu sinh hỗ trợ khi cần thiết.
* Đối với người nuôi trồng thủy sản.
Tuyệt đối không ở lại chòi canh, lồng bè nuôi khi có mưa bão lớn đổ vào nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người nuôi thủy sản.
Có kế hoạch sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn…
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết: mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó nhằm bảo vệ thuỷ sản nuôi một cách có hiệu quả.
2. UBND các huyện, thành, thị:
Đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế, UBND các phường, xã, HTX, tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng chống trong mùa mưa bão; theo dõi nắm bắt tình hình khi mưa bão xẩy ra, thống kê tổng hợp tình hình, báo cáo về Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản để tổng hợp và tham mưu hỗ trợ khắc phục kịp thời cho các cơ sở, hộ dân nuôi thủy sản.
Tags: nuoi trong thuy san, nuoi thuy san mua mua bao, nuoi tom