Một số bệnh thường gặp trên heo
Hỏi: Nguyên nhân vì sao mà heo nái đẻ con nhưng không cho con bú? (Hứa Văn Chiến, Phú Giáo, Bình Dương)
Trả lời:
Việc nái không cho con bú có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như nái không có sữa, viêm vú, nái xấu tính, nái tơ không quen nuôi con, hăng con, bị kích thích thần kinh.
a) Nái không có sữa, tức sữa nên dùng Oxytocin liều 2 ml/con để kích thích nái phún sữa. Dùng khăn nhúng nước ấm lau toàn bộ vú sẽ kích thích tạo sữa nhiều hơn kết hợp với massage vú. Sau khi có sữa nên nặn sữa vào bông trắng để thử sữa:
- Sữa tốt có màu trắng, không lợn cợn, không có máu, có thể cho heo con vào bú.
- Sữa xấu có màu, có lợn cợn, nên vắt ra chén rồi đổ bỏ. Tiếp tục massage và thử sữa cho đến khi có sữa tốt.
b) Nái viêm vú điều trị như trên kết hợp tiêm thêm thuốc kháng sinh:
- Ceptifi 1 ml/15 kg, ngày 1 lần, 3 - 4 ngày.
- Preso 1 ml/20 kg, ngày 1 lần, 3 - 4 ngày.
- Nếu vú sưng cứng tiêm Alphachymotrypsine cặp 5.000 UI, 1 cặp/nái, 1 lần/ngày, 2 - 3 ngày liên tục.
c) Nái tơ, nái xấu tính thì tập cho nái quen với việc cho con bú bằng cách cho từng heo con vào bú, chú ý nên đánh dấu để không bỏ sót heo con không được tập bú (vì sau 24 giờ không được bú sẽ cứng hàm). Có thể dùng dây buộc mõm heo nái mẹ treo lên trần nhà rồi xoa bóp vú cho sữa xuống để heo con vào bú. Nếu không hết cắn con phải tiêm thuốc an thần Prozil 1 ml/40 kg thể trọng, nái ngủ 5 - 6 giờ, lúc đó tranh thủ cho heo bú 3 - 4 cữ. Khi thức dậy nái giảm tức sữa sẽ có thể cho bú bình thường. Nếu chưa bớt hăng có thể tiêm thuốc ngủ 1 - 2 lần nữa. Sau đó bình thường là tốt. Trường hợp không bình thường sau này có thể loại nái.
Hỏi:
Heo con mới đẻ được 3 ngày, đi phân vàng, sau đi phân trắng. Nguyên nhân là gì?
(Cầm Thị Mùi, huyện Ea Súp, tỉnh Ðăk Lăk; Ðiện thoại: 0166 492 4839)
Trả lời:
Heo có thể bị tiêu chảy do nhiễm E. coli. Heo có thể bị nhiễm vi khuẩn do khâu chăm sóc đầu đời không tốt gây viêm nhiễm (cắt răng, cắt rốn, cắt đuôi), do heo không được ủ ấm tốt, do điều kiện vệ sinh kém...
Heo con tiêu chảy quan trọng nhất là bù nước để heo không bị mất nước dẫn tới kiệt sức và chết:
- Cho uống dung dịch Vime Electrolyte: 1 g/2 lít nước uống
- Truyền dưới da hoặc xoang bụng dung dịch sinh lý mặn 0,9%, trung bình 10 - 20 ml/kg thể trọng chia 2 lần ngày.
- Làm chậm nhu động ruột để giảm tiêu chảy: Atropin liều 1 ml/5 kg thể trọng; Vime-Calamin 1 ml/5 kg thể trọng.
- Ngăn mất nước, hấp thu chất độc bằng Anti-Scour liều 1 - 2 ml/kg, liều đầu tiên gấp đôi, ngày 2 lần trong 3 - 5 ngày
- Dùng kháng sinh như Ceptifi liều 1 ml/10 - 15 kg thể trọng/ngày trong 3 - 5 ngày hay Vime-Apracin liều 1 ml/10 kg thể trọng/ngày trong 3 - 5 ngày hoặc Vime SOC 1 ml/5 kg thể trọng, ngày/lần, 3 - 5 ngày để trị vi khuẩn E.coli.
Hỏi:
1. Heo nái mang bầu cho ăn no quá có ảnh hưởng gì không?
2. Trước khi đẻ cho ăn có ảnh hưởng không?
(Nông Văn Năm, thôn 21, xã Ea Rock, huyện Ea Súp, tỉnh Ðăk Lăk; Ðiện thoại: 0168 6615 206)
Trả lời:
1. Heo nái mang bầu không nên cho ăn quá no vì sẽ gây chèn ép thai, chậm tiêu, dễ bị ói cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe nái và thai.
2. Thường thì gần tới ngày sinh nái sẽ ăn ít lại, vào ngày cắn ổ nên cho nái nhịn ăn nhưng cho uống nước đầy đủ để nái dễ đẻ. Một số theo dõi cho thấy khi nái ăn no lúc sắp đẻ có thể gây
- Khó tiêu hóa gây đau bụng, có thể gây tiêu chảy khi đẻ hoặc sau đó ói, mất nhiệt (hạ nhiệt thân thể) có thể gây ảnh hưởng đến sữa gây sữa xấu, heo con có thể tiêu chảy.
- Không ăn sau đẻ có thể gây ức chế tiêu hóa.
- Hệ tiêu hóa làm việc yếu nên phân tồn tại lâu trong cơ thể gây bón, có thể sốt, nên ít sữa.
Hỏi:
Heo nái đẻ 30 phút được 2 - 3 con, 1 - 2 tiếng sau đẻ tiếp. Vậy tại sao? Cách điều trị?
(Vi Ngọc Mắn. ÐT: 01689173371
Ðịa chỉ: huyện Ea Súp, tỉnh Ðăk Lăk)
Trả lời:
Có thể do lượng hormon Oxytocin phân tiết không điều, lá nhau khác ở xa trên tử cung hoặc tử cung còn lại, con to/nhỏ không đều, nái mới mang thai lần đầu, nái ít con quá, nhiều con quá hoặc đẻ nhiều lứa…
- Nếu nái đẻ chậm, cho heo con vào bú để kích thích tiết Oxytocin giúp nái rặn đẻ tốt hơn, hoặc có thể dùng Oxytocin chích 3 - 4ml/lần cho nái cũng có hiệu quả tương tự, có thể lập lại sau 2 giờ và lập từ 2 - 3 liều. Tiêm thêm Vime-Canlamin 15 - 20ml/nái và Vime C 1000 15 - 20ml/nái để trợ lực, giúp nái rặn dài hơi hơn.
- Nếu sau đó nái đẻ quá chậm hoặc ngủ luôn, tiêm Cloprostenol 2 ml/nái giúp nở tử cung, tháo sạch lòng tử cung để tống thai hoặc nhau.
Sau khi đẻ xong có thể tiêm thêm 1 liều Oxytocin để kích thích ra nhao, phún sữa, co bóp giúp tử cung mau hồi phục, nhanh tắt mạch tử cung.
Khi nái đẻ xong cũng có thể cho nái ăn rau bồ ngót để ra nhau, bổ máu.
Related news
Bệnh gạo lợn do sán dây Taenia spp. gây ra ở lợn, được tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) xếp hạng nguy hiểm nhất
Bệnh ấu trùng sán lợn xuất hiện trong cơ thể người khi ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền
Hiệu quả bổ sung Axit Chlorogenic đối với hiệu suất tăng trưởng, khả năng chống ôxy hóa, tiêu hóa chất dinh dưỡng, tỷ lệ tiêu chảy… trên heo con sau cai sữa.