Một Số Bệnh Thường Gặp Ở Tôm Cá
Bài viết dưới đây giới thiệu một số bệnh thường gặp ở một số loài nuôi thủy sản.
1. Bệnh xuất huyết
- Tác nhân gây bệnh: Cầu khuẩn Streptococcus sp. (Gram dương).
- Dấu hiệu bệnh lý: cá bơi lờ đờ, bỏ ăn, xuất huyết các nơi như hậu môn, gốc vây, mắt, mang, nội tạng, cơ. Thận, gan, lá lách mềm nhũng. Cá bệnh nặng bơi quay tròn không định hướng, mắt đục và lồi ra, bụng trương to.
2. Bệnh viêm đường ruột
- Tác nhân gây bệnh: các loài vi khuẩn Aeromonas hydrophila, A. caveiae, A. sorbria. Vi khuẩn khu trú bình thường trong nước, đặc biệt khi trong nước có nhiều chất hữu cơ. Nó cũng có thể không gây bệnh khi khu trú trong ruột cá.
- Dấu hiệu bệnh lý: Cá nhiễm bệnh thường có biểu hiện bụng trướng to, xoang bụng chứa nhiều dịch, loét trên da và các vết thương trên cơ, hoặc xuất huyết, hoại tử đuôi, tuột vảy, mắt lồi. Xuất huyết cơ quan nội tạng, tim, thận nhũng.
- Đối tượng nhiễm bệnh:
Bệnh thường gặp trên các loài cá nuôi nước ngọt như: cá tra, basa, trê, bống tượng, tai tương, chép, rô phi…
3. Bệnh đốm đỏ do Pseudomonas
- Tác nhân gây bệnh: do vi khuẩn Pseudomonas fluorescens, P. anguilliseptica, P. chlororaphis.
- Dấu hiệu bệnh lý: xuất huyết từng đốm đỏ trên da, quanh miệng, mặt bụng, tuột nhớt,
- Đối tượng nhiễm bệnh: Bệnh thường gặp trên các loài cá nuôi nước ngọt như: cá tra, basa, trê, bống tượng, tai tương…
4. Bệnh nhiễm khuẩn do Edwarsiella tarda
- Tác nhân gây bệnh: vi khuẩn Edwarsiella tarda .
- Dấu hiệu bệnh lý: xuất hiện những vết thương nhỏ đường kính 3-5 mm trên da (mặt lưng của cá), sẽ phát triển thành những khối u rỗng bên trong da gây hoại tử nơi các vết thương. Cá bệnh mất chức năng vận động do vây đuôi bị tưa rách
- Đối tượng nhiễm bệnh: Bệnh thường gặp khi môi trường nước xấu, mật độ cao trên các loài cá nuôi nước ngọt như: cá tra, basa, trê, bống tượng, tai tượng, chép…
5. Bệnh do nấm
- Đặc điểm chung của Nấm:
- Nấm mốc có cấu tạo hình sợi phân nhánh, mỗi sợi gọi là khuẩn ty.
- Nấm không có diệp lục, sống nhờ vào khả năng hấp thụ các chất hữu cơ có sẵn qua bề mặt khuẩn ty.
- Một số nấm bậc thấp khuẩn ty không có vách ngăn.
5.1. Bệnh nấm ở mang cá
- Tác nhân gây bệnh:
+ Branchiomyces sanguinis
- sợi nấm thô 20-25 µm, ít phân nhánh khi ăn sâu vào các mô huyết quản
- bào tử tương đối lớn 8 µm
- loài này thường ký sinh ở cá Trắm cỏ.
+ Banchiomyces demigrans
- Sợi nấm mảnh 6,6-21,6 µm phân nhánh nhiều, các nhánh men theo các mao huyết quản của tơ mang phát triển khắp tơ mang.
- bào tử tương đối nhỏ: 6,6 µm
- loài này thường ký sinh ở cá trắm đen, cá mè, cá trôi.
- Dấu hiệu bệnh lý:
- Mang cá chuyển màu hồng nhạt do mất chức năng hô hấp, nhiều sợi nấm phát triển luồn sâu vào các mao huyết quản, phá hoại tổ chức mang.
Phân bố và lan truyền bệnh
- Bệnh xuất hiện các giai đoạn cá bột, cá giống, cá thịt các loài cá trắm cỏ, cá trắm đen, mè hoa, mè trắng, cá trôi, cá diếc.
- Bệnh xuất hiện ở các ao nước bẩn.
- Mùa phát bệnh: mùa thu ở miền Bắc, mùa mưa ở miền Nam.
5.2. Bệnh Nấm thủy mi
Tác nhân gây bệnh do các loài nấm thuộc họ Saprolegniaceae:
- Leptolegnia sp.
- Aphanomyces sp.
- Saprolegnia sp.
- Achlya sp.
Dấu hiệu bệnh lý
- Trên da cá xuất hiện nhũng vùng trắng xám, có những sợi nấm nhỏ nhìn trong nước giống như sợi bông.
- Trứng cá bị bệnh có màu trắng đục, xung quanh có nhiều sợi nấm phát triển.
Phân bố và lan truyền bệnh
- Các giai đoạn phát triển của các loài cá nước ngọt, baba, ếch,… đều có thể nhiễm nấm.
- Bệnh xuất hiện nhiều ở những nơi ao tù nước đọng, nhiều mùn bã hữu cơ, ao nuôi với mật độ dày.
- Nhiệt độ nước 18-250C nấm phát triển tốt.
Chẩn đoán bệnh
- Nhìn bằng mắt thường có thể thấy các sơi nấm và soi dưới kính hiển vi để xem hình dáng các kiểu bào tử.
- Nuôi cấy phân lập trên các môi trường Sabouraud Agar hoặc Potato dextrose Agar có bổ sung kháng sinh.
6. Bệnh Nấm thủy mi ở nước mặn: thường gặp ở tôm
Tác nhân gây bệnh
- Lagenidium
- Sirolpidium Phát hiện trên tôm ấu trùng
- Haliphthoros Sinh sản vô tính bằng bào tử kín
- Atkinsiella
- Fusarium: thường phát hiện trên tôm giống và tôm trưởng thành
Dấu hiệu bệnh lý
- Tôm ấu trùng nhiễm nấm thường nhạt màu, bỏ ăn đột ngột, giai đoạn Zoea có hiện tượng tôm đứt phần đuôi, chết rãi rác hoặc chết hàng loạt, soi dưới kính hiển vi thấy rõ nấm phát triển bao phủ khắp cơ thể ấu trùng tôm hoặc các phần phụ, có thể không thấy các bào tử.
- Tôm thịt: trên mang, các phần phụ có đốm đen, tôm chết rãi rác. Dấu hiệu bệnh gần giống với bệnh đen mang hoặc bệnh ăn mòn vỏ kitin do vi khuẩn.
7. Bệnh ký sinh trùng
7.1. Bệnh trùng bánh xe:
- Tác nhân gây bệnh: trùng bánh xe: Trichodina spp.
- Dấu hiệu bệnh lý:
. Khi cá mới mắc bệnh, mình cá có lớp nhớt màu trắng hơi đục, mang cá đầy nhớt .
. Cá bệnh thường nổi đầu và tập trung nơi có nước chảy.
. Cá thích cọ mình vào thành bè, cảm giác ngứa ngáy.
. Đôi khi nhô đầu lên mặt nước và lắc mạnh đầu.
. Cá bệnh nặng trông lờ đờ, đảo lộn vài vòng, chìm xuống đáy rồi chết.
- Phân bố bệnh:
Bệnh thường xuất hiện trên nhiều loài cá: cá Trê, Tra, Lóc bông, Chép, Mè vinh, …Trùng bánh xe ký sinh chủ yếu trên da, mang, các gốc vi, …Bệnh thường xuất hiện ở những những nơi ương nuôi với mật độ dày và môi trường nuôi quá bẩn.
7.2. Bệnh trùng quả dưa (Ichthyophthiosis):
- Dấu hiệu bệnh lý:
+ Trùng quả dưa ký sinh trên da, mang và vây của cá, trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, đường kính lớn nhất bằng 0,5-1mm, có thể thấy được bằng mắt thường. Da và mang cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt.
+ Cá bệnh nổi đầu từng đàn trên mặt nước, bơi lờ đờ do trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở.
- Phân bố bệnh:
Bệnh thường gặp trên các loài cá tra nuôi, trê vàng, trê phi, rô phi, trắm cỏ, mè hoa, … bệnh trùng quả dưa thường gây chết cá hàng loạt.
7.3. Bệnh do giun sán:
Bệnh do sán lá đơn chủ ký sinh:
- Tác nhân gây bệnh:
Chủ yếu do 2 giống: Dactylogyrus (sán lá 16 móc) và Gyrodactylus (sán lá 18 móc).
- Dấu hiệu bệnh lý:
Sán lá đơn chủ ký sinh ở da, mang.
Cá bị sán lá đơn chủ ký sinh thường nổi đầu và tập trung nơi có nước dòng chảy. Khi cá bị sán lá đơn chủ ký sinh nhiều mang bị viêm và tiết nhiều nhớt, tia mang rời ra, cá không hô hấp được và chết.
- Phân bố bệnh:
Ký sinh trên nhiều loài cá nước ngọt ở nhiều lứa tuổi nhưng tác hại nghiêm trọng nhất đối với cá hương và cá giống.
7.4. Bệnh rận ca
- Tác nhân gây bệnh: rận cá Argulus.
- Dấu hiệu bệnh lý: rận cá ký sinh ở vây, mang, da làm cho viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, ký sinh trùng khác xâm nhập. Cá bị rận ký sinh có cảm giác ngứa ngáy, vận động mạnh trên mặt nước, cường độ bắt mồi giảm.
- Phòng trị: phun xuống ao KMnO4 nồng độ 3-5 ppm, hoặc Chlorin 1 ppm, hoặc formalin 20-25 ppm.
7.5. Bệnh trùng mỏ neo
- Tác nhân gây bệnh: trùng mỏ neo Lernaea, có dạng hình mỏ neo, cơ thể dài 8-16 mm đầu có móc cứng giống như mỏ neo cắm sâu vào thân cá.
- Dấu hiệu bệnh lý: cá nhiễm bệnh, gầy yếu, nơi trùng mỏ neo bám bị viêm và xuất huyết tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng khác phát triển.
8. Một vài bệnh ở cá tra và basa
8.1. Bệnh đốm trắng trên gan thận:
- Tác nhân gây bệnh: do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri
- Triệu chứng: cá chết hàng loạt, có nhiều đốm trắng trên gan, thận, lách, ruột không có thức ăn. Bệnh thường xuất hiện vào mùa nước đổ đối với cá < 500g, ít xuất hiện ở cá lớn. Đối với cá giống sau khi thả vào bè 7-10 ngày thì bệnh xuất hiện chết hàng loạt.
8.2. Bệnh phù đầu:
- Tác nhân gây bệnh: do sự thay đổi môi trường tạo điều kiện cho vi khuẩn Aeromonas sorbria tấn công.
- Triệu chứng: phù đầu, phù mắt, sưng nắp mang. Bệnh thường xuất hiện vào mùa nước kiệt từ tháng 12 đến tháng 7.
8.3. Bệnh xuất huyết:
- Tác nhân gây bệnh: do vi khuẩn Aeromonas hydrophila tấn công.
- Triệu chứng: xuất huyết da, nội tạng và vây. Hoại tử cơ. Cá bỏ ăn chậm lớn.
*** BỆNH DINH DƯỠNG Ở CÁ VÀ TÔM
Sự đề kháng hay mẫn cảm của cá đối với bệnh còn tùy thuộc vào khẩu phần dinh dưỡng của nó. Chính vì thế các thành phần dinh dường trong khẩu phần thức ăn nhất thiết phải đầy đủ về số lượng và chất lượng. Nếu thừa hay thiếu hoặc không cân bằng trong khẩu phần thức ăn sẽ đưa đến rối loạn về chức năng sinh lý của các mô hoặc cơ quan và sẽ thể hiện bằng các dấu hiệu bệnh lý.
1. Bệnh dinh dưỡng ở tôm.
Hai bệnh do dinh dưỡng được biết đến ở tôm là bệnh do thiếu Vitamin C và hội chứng mềm vỏ kéo dài.
• Bệnh thiếu Vitamin C.
Bệnh thiếu Vitamin C hay còn gọi là bệnh chết đen đươc tìm thấy trên tôm he ở giai đoạn giống hoặc giai đoạn đầu tôm thương phẩm.
- Nguyên nhân:
Bệnh xuất hiện do thiếu Vitamin C hoặc hàm lượng Vitamin C thấp dưới ngưỡng, khi nuôi mật độ dày trong bể nhưng nguồn Vitamin C không đủ bổ sung từ tảo hoặc từ các nguồn khác trong hệ thống nuôi, nếu thức ăn thiếu thành phần Vitamin C kéo dài tôm sẽ chết từ 1-5% mỗi ngày. Bệnh có thể bùng nổ từ các stress.
Nhiễm khuẩn huyết thường đi kèm với bệnh thiếu Vitamin C, do đó Vitamin C được xem như là một nguyên tắc để ngăn ngừa nhiễm bệnh.
- Biểu hiện bệnh lý.
Đàn tôm nuôi thiếu Vitamin C tăng trưởng kém và sẽ có triệu chứng biến đen bên dưới lớp vỏ kitin và tổn thương. Dấu hiệu để chẩn đoán bệnh là các vết đen bên dưới lớp kitin nhưng không có vết loét.
Phương pháp mô học cũng được dùng để chẩn đoán bệnh này.
Bệnh thường xuất hiện trong các ao nuôi tôm thâm canh do dùng thức ăn viên tổng hợp tồn trử lâu nên hàm lượng Vitamin C trong thức ăn đã bị phân hủy.
• Hội chứng mềm vỏ kéo dài:
Hội chứng mềm vỏ thường xảy ra trong các ao nuôi tôm thịt, tôm mềm vỏ thường yếu và bị các sinh vật bám bẩn. Hiện tượng mềm vỏ liên quan đến một số yếu tố môi trường như: pH đất cao, hàm lượng phosphat và chất hữu cơ trong nước thấp, gan tụy teo nhỏ trong hội chứng mềm vỏ cũng có thể do thành phần dinh dưỡng trong thức ăn cung cấp không đủ. Giải quyết các hiện tượng trên có thể khắc phục hội chứng mềm vỏ.
• Bệnh tôm biến màu xanh dương.
Bệnh này có thể do trong khẩu phần thức ăn thiếu Carotenoid (Asthaxanthin) hoặc một vài tác nhân trong môi trường.
• Hội chứng cong thân.
Môi trường và các nhân tố dinh dưỡng như: thiếu sự cân bằng giữa tỉ lệ Ca và Mg hoặc thiếu Vitamin B.
2. Bệnh suy dinh dưỡng ở cá.
• Bệnh sự thiếu protein và Amino acid.
Chẩn đoán bệnh này cực kỳ khó vì không có những đậc trưng riêng, dễ nhầm lẫn với các bệnh do tác nhân hữu sinh. Có lẽ dấu hiệu để nhận biết khẩu phần ăn thiếu protein là sự giảm hay ngừng tăng trưởng.
Cách khắc phục bổ sung amino acid vào khẩu phần thức ăn hoặc thiết kế lại thành phần dinh dưỡng cho phù hợp.
• Bệnh liên quan đến khẩu phần carbohydrat.
Gia tăng lượng carbohydrat trong khẩu phần ăn, gan phải gia tăng sự chuyển hóa từ glucoz qua glycogen, hậu quả là gan sưng to, cá bơi lội gần mặt nước, màu da sẩm lại và cá ngừng bắt mồi, dễ chết.
• Bệnh thiếu muối khoáng trong khẩu phần.
Các muối khoáng: Calcium, Potassium và Magnesium trong cấu tạo xương và liên quan đến sự biến dưỡng trong cơ thể cá, nếu tỷ lệ giữa các thành phần này không cân bằng hoặc thiếu sẽ đưa đến việc cá thể bị dị dạng
Related news
Cá chình có giá trị kinh tế cao, có lúc giá thương phẩm lên đến 240.000 đ/kg, thích hợp với nhiều mô hình nuôi. Nhiều tỉnh miền Trung đang phát triển hình thức nuôi trong bể xây bằng gạch hoặc xi măng cho năng suất cao.
Qua 5 tháng nuôi, chỉ vài tháng đầu chình có chết một ít do chưa thích nghi, từ tháng thứ 3 trở đi rất ổn định, lớn bình thường chưa thấy bệnh tật gì.
Có lẽ đến nay các loại cá nước ngọt ở ĐBSCL về giá trị kinh tế chưa có loại nào qua mặt nổi cá chình. Hiện nay, 1 kg cá chình trị giá tương đương 3 giạ lúa. Loài cá này đang được xếp vào hàng cá dành cho đại gia. Chính giá trị kinh tế cao của nó nên đã có nông dân mạnh dạn đầu tư nuôi cá chình trong ao.
Hiện nay một số nước trên thế giới có hàng trăm ngàn loại cá chình, tên tiếng Anh của chúng là "eel", còn tên khoa học tùy theo giống và loài.
1. Cá chình Anguilla anguilla (Linnaeus,1758) -Họ: Anguillidae (cá chình nước ngọt). -Bộ: Anguillìormes (cá chình và cá chình Moray).