Home / Tin tức / Tin thủy sản

Mở rộng mô hình nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La

Mở rộng mô hình nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La
Author: Ngọc Thuấn
Publish date: Thursday. April 7th, 2016

Bằng việc áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu kiểm soát nuôi trồng thủy sản khép kín và xây dựng chiến lược phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp, tạo vùng nguyên liệu, từng bước mở rộng quy mô, liên kết sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp giống, thu mua và chế biến sản phẩm, đến nay Công ty đã nuôi thành công và chuẩn bị được khai thác trứng cá tầm để xuất khẩu.

Sau hơn 3 năm xây dựng mô hình, đầu năm 2016, Công ty đã di chuyển toàn bộ lồng nuôi cá tầm ra khỏi khu vực bảo đảm an toàn cho nhà máy thủy điện Sơn La đến bản Cang Mường, xã Mường Trai (Mường La).

Đây là khu vực không nằm trong dòng chảy chính của sông Đà, điều kiện giao thông thuận lợi, tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện đúng quy trình nuôi, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo lãnh đạo Công ty, với quan điểm và chiến lược phát triển là phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng mối liên kết cùng bà con nông dân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói chung và từng bước mở rộng mô hình nuôi cá tầm nói riêng.

Đồng thời, Công ty cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, không sử dụng hóa chất trong danh mục bị cấm trong quy trình nuôi, chế biến, phòng chống dịch bệnh. Sản phẩm chiến lược của Công ty là sản xuất trứng cá tầm xuất khẩu và các sản phẩm chế biến từ thịt cá tầm phục vụ thị trường trong nước.

Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, Công ty đã đầu tư 30 lồng, tổng diện tích trên 3.700m2, với hơn 20.000 con giống cá tầm Nga và Beluga có trọng lượng từ 1 đến 30kg/con, trong đó gần 50 con đã chuẩn bị được khai thác trứng, sản lượng ước đạt 13kg trứng/con, giá xuất khẩu hiện nay khoảng 4.000 USD/kg. Ngoài ra, Công ty còn nhập khẩu và đang thực hiện ương 70.000 con giống để cung cấp cho các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, nuôi cá tầm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao, phải cho cá ăn đúng giờ, hằng ngày đo nhiệt độ nước, độ trong, độ PH, hằng tháng phải cân tính tăng trọng và lọc cá theo trọng lượng để thả vào cùng lồng nuôi. Qua quá trình thử nghiệm cho thấy, nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La rất có triển vọng, hiện Công ty đã xây dựng khu vực trại giống ở hạ lưu đập thủy điện Sơn La, dự kiến cuối năm nay sẽ triển khai sản xuất để từng bước chủ động nguồn con giống tại chỗ. Trong năm nay, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 3.000m2 nữa và phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng mô hình liên kết với HTX sản xuất và dịch vụ thương mại nông nghiệp Mường La để chuyển giao kỹ thuật và mở rộng quy mô sản xuất.

Trao đổi với đồng chí Nguyễn Thành Công, Bí thư Huyện ủy Mường La được biết: lòng hồ thủy điện Sơn La có tiềm năng lớn, có thể nuôi thủy sản được trên 5% diện tích mặt nước.

Đặc biệt, điều kiện khí hậu tại một số vùng rất phù hợp để nuôi cá tầm, huyện đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, cũng như bảo đảm an ninh trật tự và môi trường, tạo điều kiện cho Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam - Sơn La mở rộng quy mô sản xuất theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh và gắn với việc phát triển du lịch lòng hồ của địa phương.

Trước mắt, trong năm 2016, huyện sẽ chỉ đạo thực hiện liên kết giữa Công ty với HTX sản xuất và dịch vụ thương mại nông nghiệp Mường La triển khai mô hình nuôi cá tầm với quy mô khoảng 10 lồng, diện tích 360m2, sau thời gian 2 năm sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và mở rộng ra các HTX thủy sản khác.

Việc Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam - Sơn La nuôi thành công cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La đã mở ra một hướng đi mới trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh, khai thác tối đa lợi thế, giải quyết việc làm cho nhân dân sống trong vùng hồ thủy điện Sơn La, tạo ra nguồn sản phẩm phục vụ xuất khẩu, góp phần mang lại nguồn thu cho ngân sách.


Related news

Độc, lạ dịch vụ đo độ mặn của nước bằng... tin nhắn Độc, lạ dịch vụ đo độ mặn của nước bằng... tin nhắn

Để người dân chủ động trong sản xuất trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt, tỉnh Hậu Giang vừa triển khai dịch vụ gửi tin nhắn qua điện thoại thông báo nồng độ mặn.

Wednesday. April 6th, 2016
Bến Tre hạn chế thả giống tôm biển nuôi do ảnh hưởng thời tiết và dịch bệnh Bến Tre hạn chế thả giống tôm biển nuôi do ảnh hưởng thời tiết và dịch bệnh

Kết quả khảo sát tình hình dịch bệnh tôm nuôi ở các xã nuôi tôm biển tập trung trên địa bàn huyện: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú (Bến Tre) của Chi cục Thủy sản cho thấy một số xã có diện tích tôm nuôi thiệt hại rất cao, trên 40%.

Thursday. April 7th, 2016
Cá tra tăng hơn 2.000 đồng/kg, nhưng người nuôi vẫn chưa có lời Cá tra tăng hơn 2.000 đồng/kg, nhưng người nuôi vẫn chưa có lời

Theo một số bà con nuôi cá tra trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hiện cá tra được thu mua tại ao với giá 21.000 đồng/kg, tăng hơn 2.000 đồng/kg so với đầu tháng trước.

Thursday. April 7th, 2016