Mở Rộng Chuỗi Liên Kết Chăn Nuôi Đẩy Lùi Tình Trạng Tư Thương Ép Giá
Hiện nay, người chăn nuôi tuy sản xuất ra sản phẩm nhưng chưa có hợp đồng với các công ty, nhà cung cấp để tiêu thụ mà chủ yếu thông qua khâu trung gian nên thường bị ép giá. Để từng bước khắc phục tình trạng trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đang xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng của các công ty...
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, trong năm 2013 trung tâm đã triển khai 8 chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, gồm: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, vịt cỏ Vân Đình, trứng vịt Liên Châu, vịt Đại Xuyên, gà mía Sơn Tây, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, thịt bò Hà Nội. Hiện các sản phẩm này đều tiêu thụ thông qua các chuỗi cửa hàng.
Điển hình như chuỗi cửa hàng bán thịt lợn hữu cơ Bảo Châu nằm trong hệ thống chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ được tổ chức bởi trang trại Bảo Châu Farm. Sản phẩm thịt lợn của nhà sản xuất này đã được chứng nhận Oganic, sản phẩm an toàn và đang được tiêu thụ tại 6 cửa hàng, với sản lượng trung bình từ 150 đến 200kg/ngày.
Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch 3F do Công ty cổ phần Thực phẩm sạch 3F phân phối có sự liên kết của 200 trang trại gà, 15 trại lợn rừng và trại giống gốc 750 nái. Sản lượng tiêu thụ của công ty đạt 100-150 nghìn quả trứng gà sạch/ngày cùng 2 tấn gà đã qua chế biến và khoảng 2,5-3 tấn lợn rừng và lợn rừng lai, trong đó 80% được tiêu thụ thông qua siêu thị, nhà hàng và cửa hàng bán lẻ…
Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Foodex (Đan Phượng) Lê Đình Phượng cho biết, hiện tại công ty đang có hệ thống giết mổ lợn quy mô công nghiệp công suất 600 lợn/ngày, với 25 cửa hàng bán lẻ và bếp ăn tập thể. Trước đây, do chưa liên kết được giữa khâu sản xuất, tiêu thụ nên việc mua lợn đều phải qua trung gian, giá bán đắt hơn so với tại trại rất nhiều.
Ngoài ra, do chưa xây dựng được thương hiệu thịt thành phẩm nên mặc dù công ty đã tiêu thụ được qua hệ thống bán lẻ của các cửa hàng nhưng người tiêu dùng không yên tâm. Hiện nay, sản phẩm đã có chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên việc tiêu thụ đã có chiều hướng tốt, số lượng đạt khoảng 2 tấn/ngày.
Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ chế biến thực phẩm Vinh Anh Lê Quang Vinh cho biết, hiện nay công ty đang xây dựng chuỗi thực phẩm sạch cộng đồng Hà Nội, dự kiến bước đầu sẽ cung cấp 5 tấn thịt lợn, 3 tấn thịt gia cầm/ngày cho người dân Thủ đô và khi sản phẩm tiêu thụ ổn định sẽ mở ra cơ hội cho người chăn nuôi.
Theo ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện nay việc xây dựng thương hiệu "thịt sạch" thông qua chuỗi sản xuất, tiêu thụ bước đầu đã mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi và từng bước kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất hiện nay chính là các sản phẩm chăn nuôi an toàn đang được bán đồng giá như những sản phẩm chăn nuôi không an toàn, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và làm nản lòng người chăn nuôi.
Việc xây dựng thương hiệu thông qua chuỗi của các hộ cũng còn rất khó khăn do tập quán chăn nuôi và chưa có ý thức trong việc ghi chép sổ sách nhật ký theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn gia súc, gia cầm. Số lượng tiêu thụ thông qua chuỗi vẫn còn rất ít, khiến cho việc mở rộng quy mô của các công ty còn khó khăn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng: Các đơn vị của ngành nông nghiệp cần tiếp tục hỗ trợ các chuỗi liên kết nhằm tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi, giảm chênh lệch giữa giá cổng trại và các nơi tiêu thụ.
Xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình… để khai thác, sử dụng có hiệu quả và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm; đồng thời tăng cường liên kết giữa người chăn nuôi với các đơn vị cung ứng vật tư, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và đơn vị tiêu thụ sản phẩm để giảm chi phí đầu vào; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sản phẩm thịt sạch để người tiêu dùng biết và sử dụng...
Ngoài ra, các công ty cần phải đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ trong và ngoài nước nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Related news
Nghề nuôi hươu, nai ở xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai) đã có tiếng từ lâu nhưng làm sao để phát triển mạnh và có tính ổn định lâu dài là trăn trở của ông Nguyễn Đình Châu, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi hươu, nai Hiếu Liêm.
Kết quả nghiên cứu gần đây của Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long so sánh hai cách cho cá tra ăn gián đoạn (gồm hai hình thức cho ăn là cho ăn liên tục 3 ngày ngưng 1 ngày, cho ăn liên tục 7 ngày ngưng 2 ngày) và cách cho ăn liên tục không nghỉ cho thấy, cá tra cho ăn theo hình thức cho ăn liên tục 7 ngày ngưng 2 ngày có những ưu điểm hơn hai cách kia.
Ông Nguyễn Văn Phích, ngụ ấp Tân Hưng, xã Tân Thới, huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) vốn là cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn nhưng với quyết tâm vượt khó, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã giúp anh xây dựng nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi với chi phí gần 600 triệu đồng
Tại 2 huyện Bình Đại và Ba Tri, số nghêu chết chiếm tỷ lệ 80 - 90%, một số nơi mất trắng. Theo thống kê sơ bộ, tổng số nghêu chết trị giá hơn 300 tỷ đồng
Năm 2011, Trung tâm Thủy sản Lào Cai đã xây dựng kế hoạch sát đúng với tình hình thực tế của ngành, địa phương, phát huy tính năng động, sáng tạo thực hiện có hiệu quả các hoạt động chuyên môn. Đặc biệt, trong sản xuất và cung ứng giống thủy sản