Mô Hình Trồng Dưa Leo Trên Đất Ruộng
Những ngày này, từ Tỉnh lộ 941 nhìn sang bờ bên kia kênh Mặc Cần Dưng, thuộc địa phận xã Vĩnh An (Châu Thành - An Giang), người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tất bật thu hoạch dưa leo để kịp cân cho thương lái. Phong trào trồng dưa leo trên đất ruộng được bà con áp dụng phổ biến khoảng 2 năm nay đã giúp nhiều gia đình có thu nhập khá cao.
Đây là năm thứ hai ông Út Toán trồng dưa leo trên đất ruộng. Trước đây, ông trồng lúa 2 vụ bấp bênh, trong khi đó, gia đình lại đông con nên thiếu ăn quanh năm. Thấy bà con chòm xóm canh tác dưa leo hiệu quả, ông mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa sang trồng dưa leo và từ đó đến nay, gia đình ông có thu nhập hơn trước gấp nhiều lần. Vụ đông xuân này, mỗi công dưa leo (1 công = 1.000m2), ông thu hoạch khoảng 6-7 tấn, bán với giá 4.500-5.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi 15-20 triệu đồng/công.
Ông Út Toán cho biết: "Đất đai ở đây thích hợp với dưa leo nên trồng dễ trúng. Vụ này tôi gieo giống 636, 640 siêu năng suất, từ khi gieo đến lúc thu hoạch chỉ 2 tháng, mỗi ngày bẻ khoảng 300kg, kéo dài đến ngày 20 thì nghỉ. Hôm vừa rồi, thương lái ở Châu Đốc mua với giá 4.500-5.500 đồng/kg, có lúc giá dưa còn lên tới đỉnh điểm 9.000 đồng/kg (dịp Tết Nguyên đán) nên những người trồng dưa leo ở đây hốt bạc, gia đình tôi cũng có thu nhập quanh năm. Bình quân, một năm, tôi canh tác 3 vụ dưa, trừ chi phí, lãi trên 100 triệu đồng, sống khoẻ re".
Vụ dưa leo này, gia đình bà Huỳnh Thị Được trồng tới 11 công. Trong khi những người trồng lúa ở Vĩnh An đang rảnh rỗi vì lúa đã thu hoạch xong thì bà vẫn tất bật với việc hái dưa bán cho thương lái. Gia đình bà vừa thu hoạch hàng chục tấn dưa, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Cạnh bên ruộng nhà bà Được là đám dưa 15 công tầm cắt (khoảng 1.300m2) của gia đình ông Nguyễn Văn Dện cũng đang cho trái lúc lỉu. Ông Dện hồ hởi nói: "Dàn dưa leo của tôi đã cho thu hoạch hơn một tuần nay, giá dưa năm nay tương đối ổn định, năng suất không thua gì vụ đông xuân nên thu nhập khá. Trồng dưa leo bây giờ cải tiến hơn trước rất nhiều. Liếp đất được trải bằng màng phủ nylon, khi dưa lớn làm dàn để dưa bò, giảm được công tưới tiêu, giúp trái suôn, đẹp, bán được giá".
Ông Nguyễn Anh Kiệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh An cho biết, dưa leo được bà con trồng phổ biến từ hơn 2 năm nay. Ban đầu, chỉ có vài hộ chuyển đổi từ trồng lúa sang dưa leo, nhưng do có thu nhập cao nên đến nay xã đã có 40 hộ trồng theo hình thức này, góp phần tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động từ việc dắt đọt dưa lên dàn, bẻ dưa với mức thu nhập gần 100.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, hiện nay thị trường tiêu thụ và giá dưa chưa ổn định, nông dân không nên mở rộng diện tích.
Ông Đào Ngọc Thưởng, Phó bí thư Đảng uỷ xã cũng cho rằng, trồng dưa leo trên ruộng là mô hình mới, bước đầu thành công. Thời gian tới, xã lên kế hoạch bao đê khép kín vụ 3 khoảng 1.400ha để bà con tăng vòng quay của đất, chuyển đổi từ lúa sang màu, hoặc 2 vụ lúa + 1 vụ màu… để hướng tới sản xuất bền vững
Related news
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 17-11, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức công bố các phán quyết cuối cùng của Ban hội thẩm (Panel) đối với các khiếu kiện của Việt Nam liên quan đến việc Mỹ áp thuế chống phá giá lên mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam (vụ kiện tôm DS/429).
Kiểm soát độc quyền, nâng cao cạnh tranh lành mạnh trong thị trường thức ăn chăn nuôi và có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ là những kiến nghị được đưa ra tại hội thảo “Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ tại Việt Nam” diễn ra sáng nay (18/11), tại Hà Nội.
Gia đình ông Vũ Quang Huy ở thôn 14 hiện có hơn 1.000 trụ tiêu và 1 ha đất trồng các loại cây ngắn ngày; hàng năm, luôn có mức thu nhập từ 600 triệu đồng trở lên. Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo ông Huy thì đối với tiêu, nếu như trước đây thường có tâm lý bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan thì nay, cách làm của gia đình đã khác.
Sau 5 tháng triển khai nuôi, tỉ lệ cá sống đạt 90%, trọng lượng đạt 0,5 kg/con, lợi nhuận đạt 20 triệu đồng/sào. Trong quá trình nuôi, các hộ dân đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Cán bộ của Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư thị xã Gia Nghĩa đã phổ biến kỹ thuật và phát tài liệu về kỹ thuật nuôi một số loại cá cho các hộ dân và khuyến nông viên.
Xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo có 2.300ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Hầu hết diện tích rừng nằm trong khu vực phòng hộ sông Đà nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường sống con người... Những năm qua xã Mường Mùn luôn xác định bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn.