Mô Hình Trồng Dưa Leo An Toàn
Huyện Phong Điền, có diện tích sản xuất nông nghiệp trên 10.000 ha, theo kế hoạch phát triển rau màu năm 2009 của huyện là trên 2000 ha, với nhiều chủng loại rau như: bầu, bí, dưa leo, khổ qua, ớt, cải xanh, dưa hấu, đậu đũa, bắp, đậu xanh, mè, bắp lai… Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển thành vùng chuyên canh sản xuất rau màu, thì trước hết phải hình thành các nhóm đơn vị sản xuất, câu lạc bộ, hợp tác xã, để tham gia vào thị trường xuất khẩu trong và ngoài nước. Để làm được điều này, thì cần phải có quy hoạch và phát triển thành vùng chuyên sản xuất rau với số lượng lớn, đồng thời phải đảm bảo sản phẩm được an toàn cho người tiêu dùng và không gây ô nhiễm môi trường sinh thái.
Hiện nay, phần lớn nông dân trồng rau chủ yếu sản xuất theo phương pháp truyền thống, còn lạc hậu, chậm áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), không chú ý đến dư lượng thuốc trong nông sản và thời gian cách ly khi sử dụng thuốc BVTV cũng như phân bón, đã gây ngộ độc cho người tiêu dùng và gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng trên, trong những năm qua Trung Tâm Khuyến Nông thành phố Cần Thơ, Chi Cục Bảo Vệ Thực Vật Cần Thơ và Chi Cục Hợp Tác Xã Cần Thơ, đã triển khai tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân sản xuất rau theo hướng an toàn và hình thành được nhóm nông dân tự sản xuất rau trong vùng.
Trong vụ Hè Thu 2009, Chi Cục Bảo Vệ Thực Vật Cần Thơ phối hợp với phòng Nông Nghiệp huyện Phong Điền với sự tài trợ của Công Ty phân bón Bình Điền Me Kong, đã chọn được hộ nông dân tham gia trồng trình diễn dưa leo theo hướng an toàn trên diện tích 1000 m2, đó là hộ của ông Trần Văn Phền ở ấp Tân Thành xã Nhơn Nghĩa huyện Phong Điền. Sau khi chọn được điểm trình diễn, các đơn vị có liên quan và Công Ty phân bón Bình Điền đã thống nhất đưa ra quy trình kỹ thuật như sau:
* Chọn thời vụ: gieo cuối tháng 4, thu hoạch tháng 6-7, đây là thời vụ chính trồng dưa leo giàn vì mùa này cho năng suất cao, ít sâu bệnh và đỡ công tưới nước.
* Giống trồng: sử dụng giống dưa lai F1, các giống cho năng suất cao như: Chia Tay 331, KCU-5, giống TN 123 ( của công ty Trang Nông
* Làm đất và gieo trồng: cần làm đất thật tơi xốp, lên luống cao 20 - 25 cm, trước khi gieo trồng 7 - 10 ngày cần bón vôi: 100kg/1000 m2 , bón lót: phân hữu cơ vi sinh Bioranic NO1 + 3 kg Đầu Trâu BIMA/1000 m2 và trải màng phủ nông nghiệp. Trồng liếp đơn 1m hoặc liếp đôi 1.8 m, khoảng cách trồng 0.8 - 1.5 m x 0.3 - 0.4 m, mật độ 3000 - 5000 cây/1000 m2 là gieo 2 hạt/lỗ.
* Chăm sóc:
+ Bón thúc: cho 1000 m2
Thời điểm bón | Đầu Trâu đa năng | Đầu Trâu lớn trái |
10 - 7 ngày sau khi gieo | 20 kg | |
15 - 20 ngày sau khi gieo | 20 kg | |
Khi cây ra hoa rộ | 25 kg | |
Sau khi thu hoạch 1 - 2 đợt | 25 kg |
* Tưới nước: giai đoạn cây con, mùa nắng tưới nước 2 lần/ ngày, tăng cường lượng nước tưới xung quanh gốc khi cây lớn, nhất là thời kỳ ra hoa rộ. Cần thoát nước tốt trong mùa mưa.
* Làm giàn: khi cây dưa bắt đầu có tua cuốn (20 ngày sau khi gieo) thì làm giàn, cao 2 m, làm giàn bằng tre, trúc, sậy, lưới,…, số lượng cây làm giàn khoảng 4000 - 5000 cây/1000 m2.
* Phòng trừ sâu bệnh:
+ Bọ trĩ, bọ rầy dưa, rệp dưa, sâu vẽ bùa, rầy phấn trắng: nên trồng đồng loạt, kiểm tra ruộng thường xuyên để phát hiện sớm, luân phiên thay đổi thuốc để tránh hiện tượng kháng thuốc. Có thể sử dụng các loại thuốc như : Abamectin, Vertimec, Confidor, Admire, Actara, Marshall, Abakill,…, liều lượng và cách sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
+ Bệnh héo cây con, thán thư, đốm phấn, héo rũ (chạy dây), lỡ cổ rễ: cần thường xuyên kiểm tra ruộng dưa, để phát hiện kịp thời phun thuốc đúng lúc. Cần nhổ bỏ và tiêu huỷ những cây bị bệnh để tránh lây lan, cần thoát nước tốt trong mùa mưa, tránh trồng quá dầy.Cần sử dụng các loại thuốc đặc trị như: Validacin, Benomyl, Mancozeb, Ridomil, Thumb, Alliette,…
+ Bệnh khảm: đây là bệnh rất nguy hiểm trên họ bầu, bí, dưa, nguyên nhân do virus gây ra. Bệnh này được truyền từ cây bị bệnh sang cây khoẻ bởi nhóm côn trùng chích hút như: bọ trĩ và rệp dưa. Bệnh này không có thuốc trị, chỉ phòng ngừa là chủ yếu, nên phòng ngừa bọ trĩ và rệp dưa khi cây còn nhỏ, cần nhổ bỏ và tiêu huỷ các cây bị bệnh để tránh lây lan cho cây khác.
* Thu hoạch: khoảng 35 ngày sau khi gieo, thì bắt đầu thu hoạch, thời gian bắt đầu thu hoạch kéo dài 20 -30 ngày, thu cách ngày một lần, hoặc lúc rộ có thể thu mỗi ngày. Nên để trái vừa lứa, đồng đều dễ bán. Năng suất các giống lai F1 từ 3 -5 tấn/1000 m2 tuỳ giống.
Related news
Dưa chuột là loại thực vật thuộc họ Bầu Bí, cùng họ với dưa hấu, bí đao, bầu, bí ngô, mướp, mướp đắng và có kỹ thuật trồng cây không phức tạp.
Dưa leo, hay tên gọi khác là dưa chuột là loại quả được liệt kê vào danh sách không thể thiếu trong bữa ăn hay làm đẹp của con gái. Vì vậy, mọi người nên bỏ túi
Kỹ thuật trồng cây dưa chuột tại nhà bằng phương pháp gieo hạt không cần tốn công mà thời gian thu hoạch lại cực ngắn.
Kỹ thuật trồng cây dưa chuột nếp hiện được nhiều bà con áp dụng không chỉ bởi chúng ăn ngon, thơm mà còn cho năng suất cực cao.
Viện Nghiên cứu Rau quả đã khảo nghiệm đánh giá thành công một số giống dưa chuột chịu lạnh, thích hợp cho gieo trồng vụ đông trong nhà lưới.