Home / Cây ăn trái / Bưởi

Mô hình thủy lợi nhỏ đối phó hạn mặn trong canh tác vườn bưởi da xanh

Mô hình thủy lợi nhỏ đối phó hạn mặn trong canh tác vườn bưởi da xanh
Author: Sở Nông Nghiệp Bến Tre
Publish date: Thursday. May 4th, 2017

Anh Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1961 hiện ngụ tại ấp 5, xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, là một nông dân sản xuất giỏi. Nơi đây, hàng năm nước mặn xâm nhiễm sớm, thường kéo dài 3-4 tháng do ảnh hưởng nguồn nước từ sông Tiền, kênh Chẹt Sậy đổ vào.

Đập kiên cố (chính) chứa nước ngọt trong mương vườn của hộ anh Nguyễn Văn Tùng ấp 5 xã Thuận Điền, Giồng Trôm. Ảnh: Tác giả.

Anh canh tác hơn 1 ha với 9 mương vườn và 11 bờ đất, phần lớn trồng bưởi da xanh nhiều lứa khác nhau. Năm 2016, trước tình hình nước mặn kéo dài, gây ảnh hưởng đến trồng trọt và chăn nuôi; Anh đào đấp, hàn kín các đầu mương tạo liên hoàn một hệ thống mương thông suốt, đảm bảo không có lỗ mội. Đầu cuối hệ thống mương Anh chỉ đặt hai ống nhựa khẩu độ 2 dm có "co van" chủ động đóng, nhưng vào mùa mưa mở suốt cho thông thoát nước ra vào. Khi mùa nắng Anh sử dụng một đầu nước ra vào ngay đập chính và khóa kín lúc độ mặn khoảng 0,5%o phía ngoài rạch.

Anh xây kiên cố 1 mặt đập chính cách đường rạch lớn 20 m. Ngoài cùng cách rạch lớn khoảng 5 m có đấp một đập tràn để chứa mực nước cao nhằm cân bằng 2 mặt nước trong và ngoài của mặt đập chính phòng hờ, giảm thiểu, không bị xoáy lỗ mội.

Mặt đập chính xây kiên cố bằng cách thả 2 cây đà ngang sát đáy mương cách nhau 4,5 m. Chờ khi nước kém đóng cốt pha đổ bêtông tại chỗ tấm đan nằm phía trên cây đà dày 0,8 dm, tạo một tấm đan nằm dọc giữa mương, chiều dài tương đương khoảng cách 4,5 m, chiều ngang tấm đan 1,2 m. Anh xây gạch "20" hai bên tấm đan lên cao 0,8 m cùng 2 đầu 2 bên mang cá.

Xong, tiếp tục đổ bêtông tại chỗ một tấm đan khác nằm trên, dài khoảng 3 m, cách tấm đan dưới đáy 0,8 m, nằm dọc theo tấm đan phía dưới, tạo "hộp cống" hình hộp dài 0,8 m x 0,8 m x 3 m. Còn lại 0,75 m ở 2 đầu cống 2 bên dễ dàng lên xuống theo dõi mực nước, đóng nắp cống bằng gỗ vào khe ở 2 đầu miệng cống mỗi khi cần đóng kín không cho nước chảy ra.

Hai bên mang cá thân đập bơm cát sông, lấp sâu dưới đáy và vào hông bờ khoảng 1 m, cao bằng mặt hộp cống để không bị xoáy lỗ mội, từ phần trên miệng cống trở lên đấp đất thịt phủ đến mặt bờ không cho nước xoáy mòn lớp đất cát mà cũng không cho nước ngập tràn qua. Phía dưới đáy dọc 2 bên lớp cát có 2 ống nhựa đường kính tròn 0,1 m, dài 5 m nằm trong cát thân đập nối dài từ trong đập ra ngoài đập, có co để điều chỉnh mực nước, mực nước trong đập thường chứa tối thiểu cao khoảng 0,8 m.

Bên trong khoảng ½ diện tích đất lại có một mặt đập khác, xây kiên cố tương tự nhưng nhỏ hơn, miệng cống 0,6 m x 0,6 m x 2,5 m, nó chia làm 2 khu vực mương ngoài, mương trong. Mương trong sâu trữ nước nhiều hơn, lâu bị cạn nước, nuôi một số cây lục bình để khử phèn; khi bơm tát mương ngoài tuyển tôm cá nhỏ nuôi dồn vào mương trong. Có như thế đến lúc nước mặn cao, mương ngoài sử dụng tưới phun hết nước ngọt thì tiếp tục sử dụng nước mương trong. Như vậy, trong hệ thống có cả 2 đập kiên cố và 1 đập tràn.

Nếu khi nhận thấy nước mương trong bị phèn Anh dùng thùng nhựa thử (test) pha 5 gr vôi đã nung + 10 lít nước, dùng giấy quỳ đo độ pH so với bảng màu, thấy pH nằm khoảng 6-7 là tốt nhất. Nếu vẫn còn pH < 6 thì pha thêm vôi để nâng độ pH dần dần lên 6-7 là thích hợp. Sau đó tính lượng nước dưới mương, tỷ lệ vôi đã thử mà bón vôi xuống mương để làm cân bằng pH đến trung tính. Tuy nhiên, năm 2016 mương của Anh không bị phèn.

Nếu rải vôi lưu ý nên pha 25 kg vôi cùng 20-23 lít nước để rải khỏi bay vôi tứ tung như hạt bụi, hao tốn mà kém hiệu quả. Nếu pha nước 25 lít trở lên thì vôi sẽ tan ra quá nhuyễn cũng bị bụi khó sử dụng, nếu quá nhiều nước thì vôi sẽ bị kết tủa khó hòa tan trong nước. Rải vôi dọc dưới mực nước hai bên hàng mái dầm xa dần ra giữa mương để vôi hòa tan trong nước dần dần.

Đến tháng Chín (âm lịch) Anh đặt mua 3.000 con giống tôm càng xanh, 200 con cá bống tượng thả vào cả hai phần đập trữ nước; những tháng đầu cứ 1-3 ngày cho ăn 1-2 kg cá biển vụn, rải dọc theo bờ mương; về sau cứ 1-2 ngày cho ăn thêm 3-4 lon tấm gạo hoặc củ mì, xác cơm dừa; Anh không cho ăn thức ăn công nghiệp, bởi trong đập còn nhiều tép, cá vụn khác ăn tạp tiêu tốn thức ăn nhiều. Dự kiến đến tháng 6-7 âm lịch Anh mở nắp cống, bơm tát bắt tôm loại 1, loại 2 đem bán, tôm nhỏ và cá tai tượng để lại nuôi tiếp; tháng 11- tháng Chạp tát bán tiếp. Mỗi lần tát mương bắt trong ao có rất nhiều tép bạc, cá lòng tong, cá bóng cát thật vô kể.

Trước đây, cứ cách nhau 2 năm một lần vào tháng 5-6 âm lịch bồi bùn, dọn mương, tát bắt tôm cá. Nguồn thu này cũng 1-2 chục triệu đồng, nhất là tôm càng được nuôi dưỡng, chăm sóc, cho ăn thường xuyên. Chính vì thế mà Anh quyết tâm đầu tư đấp đập kiên cố, quyết không xoay lỗ mội nước thoát ra ngoài, nhằm khi mùa nắng trữ nước ngọt phục vụ tưới cây, chăn nuôi heo, gà, thả nhữ tôm cá.  

Dưới mương Anh trồng mái dầm dọc 2 mép bờ để tạo môi trường tốt cho cá, tôm sinh sống. Trên vườn có hệ thống chôn lấp ống nhựa hiệu Bình Minh, gắn 150 cái ống đứng cao 1m, ráp cùng 150 cái pet phun nước; 2 cái moteur công suất mỗi cái 1,5 ngựa chia làm 2 khu vực bơm nước; chi phí tốn khoảng gần 15 triệu đồng. Khi trời nắng mỗi ngày người nhà chỉ mở van, bật cầu dao điện 10 phút là tưới nguyên cả 1 ha đất trồng bưởi.

Ống nhựa và pet tưới phun.

Trên bờ vườn Anh để cỏ Mật và rau Trai mọc lấp xấp tự nhiên, giữ đất ẩm êm vào mùa nắng nhằm duy trì sự hoạt động của hệ vi sinh vật, phân hủy các chất hữu cơ, chuyển hóa cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, nếu cỏ lên cao thì dùng máy cắt cỏ rất ít tốn công.

Cách bón phân

Đợt 1: Đầu mùa trước khi mưa đầu tiên Anh bón 1-2 kg vôi/gốc và bón mỗi gốc bưởi 3-5 kg phân gà hiệu Kỹ nghệ Việt, sau một đám mưa bón thêm 0,3 kg phân lân 0,2 kg phân NPK 16-16-8 hiệu Syngenta.

Đợt 2: Giữa mùa mưa mỗi gốc bón 3-5 kg phân gà trộn 0,2-0,3 kg phân NPK 16-16-8.

Đợt 3: Cuối mùa mưa mỗi gốc bón 3-5 kg phân gà trộn 0,2-0,3 kg phân NPK 16-16-8 và thêm 0,1kg Kali.

Phân gà hiệu Kỹ nghệ Việt có ủ nấm Trichoderma, mỗi bao giá 100.000 đ/25 kg/bao. Cứ mỗi gốc bưởi Anh bón 3-5 kg phân gà/lần x 300 gốc x 3 lần bón/năm= 3.000 kg phân/năm. Giá 4.000 đ/kg x 3.000 kg, Anh tốn 12.000.000 đ. Bón phân liều lượng nhiều ít tùy theo cây lớn hay nhỏ, xong lấp cỏ rác đậy vào gốc.

Cách xịt thuốc:

Cây bưởi lúc ra tược non thường khi có nhiều loại côn trùng trên lá gây hại, Anh chỉ dùng chai nước rửa kiếng (dung tích 0,70 lít) pha 0,5 CC thuốc trừ sâu hiệu Kotox, phun ngay vào tược non có sâu lá, sâu vẽ bùa. Nếu có rệp sáp dùng 1 CC Movento xịt ngay vị trí có rệp. Nếu bệnh Phytopthora chảy mủ trên gốc, thân, lá thì dùng bình xịt lớn phun tia nhỏ Ridosanine. Không xịt tràn lang gây ô nhiễm mà phí thuốc, kém hiệu quả, trong lúc tốn ít tiền không đáng kể. Anh chú ý dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, xịt đúng cách, phun đúng chỗ đến nơi có các côn trùng gây hại như rầy, rệp sáp, sâu vẽ bùa, sâu lá và vết bệnh trên cây bưởi như bệnh đốm lá, chảy mũ…

Vườn bưởi da xanh của Anh Nguyễn Văn Tùng luôn luôn tươi tốt, nhiều cây cho trái trỉu cành. Năm 2016, năm công vườn của anh cho thu nhập từ bưởi da xanh 120 triệu đồng, tôm cá khoảng 15 triệu đồng.

Chi phí đấp 2 đập kiêng cố:

Cát 4,0 m3 x 100.000 đ = 400.000 đ

Đá 5,0 m3 x 400.000 đ = 2.000.000 đ

Xi măng 35 bao x 80.000 đ = 2.600.000 đ

Gạch 5.000 viên x 0.800 đ = 4.000.000 đ

Sắt 170 kg x 14.000 đ = 2.380.000 đ

Cát sông 25 m3 x 100.000 đ =  2.500.000 đ

Ngày công 45 ngày công x 200.000 đ = 9.000.000 đ

Ống nhựa, pet tưới phun = 15.000.000 đ

Cộng tiền xây đấp đập = 37.880.000 đ

Tiền phân gà = 12.000.000 đ

Tiền vôi = 2.000.000 đ

Tiền phân NPK, phân lân = 10.000.000 đ

Tổng cộng chi phí năm 2016 = 61.880.000 đ

Như vậy, những tháng nước ngọt nắp cống vẫn đóng kín để chứa nước nuôi tôm cá, mực nước lớn ròng đều nhờ vào 2 ống nhựa đường kính 1 tấc và 2 ống bọng cuối mương tự động điều tiết. Đến lúc nước mặn xâm nhập bên ngoài thì đóng kín các ống bọng; trong đập vẫn luôn luôn được giữ nước ngọt; nước mặn bên ngoài không xâm nhiễm vào bên trong. Nước ngọt vẫn đảm bảo tưới mùa nắng hạn cho nhu cầu sử dụng.

Hiện nay, trong nhà của Anh có các công cụ làm vườn như: 1 máy bơm bùn vét ao, 1 máy bơm nước hiệu Honda (6,5 ngựa), bình phun thuốc 16 lít bơm điện, máy cắt cỏ cầm tay, moteur điện 1,5 ngựa, đường ống tưới pét phun, máy đo độ mặn hiệu Salinometer (giá tiền 90.000 đ), giấy quỳ NYR đo pH, kéo cắt cành, cưa cây và máy tính laptop, nối mạng sử dụng Wifi để tự tìm hiểu, học tập, theo dõi, biết cách phòng chống hạn mặn, ứng dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật nông nghiệp khác.

Dụng cụ đo mặn và giấy quỳ đo pH. 

Qua bảng tính chi phí, thu nhập bưởi và tôm cá bắt được có thể nói rằng đầu tư đấp đập kiên cố mang tính phục vụ lâu dài, lượng nước trữ ngọt không bị xoáy mội, giữ ngọt bền vững, tiện việc đóng mở nước khi cần thiết, bơm tưới hữu hiệu cho cây trồng và chăn nuôi lúc mùa mặn


Related news

Rệp sáp gây hại rễ - mối đe dọa các vườn bưởi da xanh Rệp sáp gây hại rễ - mối đe dọa các vườn bưởi da xanh

Rệp sáp là lọai đa ký chủ gây hại trên nhiều lọai cây trồng và trên nhiều bộ phận của cây như lá, thân, trái. Hiện nay nguy hiểm nhất là rệp sáp gây hại trên rễ

Thursday. May 4th, 2017
Phòng trừ Câu Cấu xanh hại Bưởi Phòng trừ Câu Cấu xanh hại Bưởi

Trong những năm gần đây, cây có múi được gieo trồng trên địa bàn rộng lớn, đặc biệt là bưởi đang được chú ý phát triển với các giống bưởi ngon như bưởi Da Xanh

Thursday. May 4th, 2017
Mô hình “Trồng Bưởi Da Xanh trên vùng nước lợ và vùng ngọt hóa” Mô hình “Trồng Bưởi Da Xanh trên vùng nước lợ và vùng ngọt hóa”

Bưởi da xanh là loại cây có múi cho trái quanh năm và có giá trị kinh tế cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Thursday. May 4th, 2017