Mô hình nuôi ốc nhồi của HTX Thủy sản Bó Ban
Đến xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai), chúng tôi được giới thiệu về mô hình nuôi ốc nhồi của Hợp tác xã Thủy sản Bó Ban, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho các thành viên.
Thành viên HTX thủy sản Bó Ban (Quỳnh Nhai) thu hoạch ốc nhồi.
Là người đưa ốc nhồi về nuôi ở HTX, ông Là Văn Đoán, bản Bó Ban kể lại: Đầu năm 2017, tôi về Hưng Yên thăm một người bạn, được tham quan mô hình và nghe bạn tôi chia sẻ về việc nuôi ốc nhồi. Sau khi trở về, thấy việc nuôi ốc nhồi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, tôi bàn với gia đình xây bể xi măng để nuôi thử nghiệm. Bắt đầu từ 10 cặp ốc bố mẹ, tôi vừa nuôi, vừa học hỏi kỹ thuật qua Internet, sách báo và chủ yếu từ bạn mình. Sau 6 tháng, đàn ốc phát triển nhanh lên đến 200 con lớn nhỏ. Bước đầu thành công, tôi đã đem mô hình này chia sẻ với các thành viên trong HTX với mong muốn nhân rộng mô hình và để cùng nhau làm giàu.
Sau khi được anh Đoán chia sẻ, Ban giám đốc HTX và các thành viên trong HTX đã bàn bạc và nhận thấy những ưu điểm của việc nuôi ốc nhồi, như: kỹ thuật nuôi đơn giản, chi phí đầu tư thấp, không tốn quá nhiều công chăm sóc, đầu ra rộng. Do đó, đã nhất trí chuyển 1 số lồng nuôi cá để nuôi ốc nhồi. Để đảm bảo trong khâu nhân giống, các thành viên đã chọn con ốc bố mẹ đảm bảo chuẩn chất lượng, khoẻ mạnh, không bị sứt vỏ, dập vỏ, mòn vỏ và đỉnh vỏ, màu sắc tươi sáng. Ốc nhồi có tập tính vừa sống nổi vừa sống đáy, di chuyển chậm và thường phân bố không đều trong ao nuôi. Thức ăn cho ốc nhồi chủ yếu là các loại rau xanh, bèo, ngũ cốc. Vì vậy cần cho ăn ở nơi ốc tập trung, tránh để dư hoặc thiếu thức ăn. Thức ăn xanh là cây, lá, quả băm vừa miếng vì ốc có tập tính bám, nó thường bám dưới mặt lá để ăn. Lượng thức ăn được điều chỉnh theo khả năng ăn của ốc, khoảng 0,5 - 1% khối lượng ốc trong lồng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ốc cái có tập tính bò lên bờ và đẻ trứng ở trên mép nước. Trứng ốc nhồi nhỏ bằng hạt đậu xanh, tròn, vỏ đá vôi mỏng màu trắng bóc, bên trong chỉ có lòng trắng. Các quả trứng dính chặt với nhau thành một ổ. Ổ trứng có thể hơn 3cm đường kính, lớn gần bằng 1 con ốc nhồi cỡ lớn. Để đảm bảo tỷ lệ trứng nở cao, các thành viên của HTX thủy sản Bó Ban đã dùng dụng cụ cậy lấy trứng, cho vào rổ thưa, để treo trên mặt bể ươm ốc giống, thực hiện 1 ngày tưới ẩm từ 4 đến 5 lần. Khi trứng nở ốc con sẽ tự lọt qua khe rổ rơi xuống bể ươm giống.
Trao đổi với chúng tôi, ông Là Văn Thuận, Giám đốc HTX Thủy sản Bó Ban cho biết: Được sự đồng ý của Ban giám đốc HTX và sự nhất trí cao của các thành viên về chúng tôi đã triển khai nuôi tại 5 lồng ốc nhồi. Sau gần 1 năm, hiện nay, HTX có 45 lồng nuôi ốc với mật độ từ 800-900 con/lồng, từ đầu năm đến nay, đã xuất ra ngoài thị trường hơn 9 vạn con ốc giống, thu hơn 100 triệu đồng, với giá thị trường hiện nay, ốc tầm 1 tháng tuổi giá 1.000 đồng/con, ốc bố mẹ 15.000/cặp. Hiện nay, chúng tôi đã bước sang giai đoạn bán ốc thương phẩm, bước đầu cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn và nhân dân trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cung cấp cho địa bàn Thành phố và một số tỉnh miền xuôi như Hà Nội, Hải Phòng... Ước tính, đến tháng 5/2019, chúng tôi sẽ xuất khoảng 2 tấn ốc thịt với giá dao động từ 55 nghìn đồng đến 60 nghìn đồng/kg.
Nhận xét về mô hình nuôi ốc nhồi của HTX thủy sản Bó Ban, ông La Văn Luân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ốc nhồi hay còn gọi là ốc bươu ta, ốc bươu đen là một loại ốc sống ở các vùng ao hồ nước ngọt, đồng ruộng. Ốc nhồi sinh đẻ vào mùa hè, và chui vào hang hốc ngủ mùa đông. Ốc nhồi là loại có giá trị cao về mặt kinh tế cũng như giá trị dinh dưỡng trong việc chế biến thành các món ăn hàng ngày được sử dụng trong mỗi bữa ăn. Mô hình nuôi ốc nhồi của HTX thủy sản Bó Ban đã giúp đa dạng hóa các mặt hàng nông sản của huyện. Qua khảo sát trực tiếp và báo cáo thành tích của HTX, chúng tôi đánh giá đây là hướng đi mới, hiệu quả, khuyến khích các thành viên tiếp tục phát huy và nhân rộng.
Hơn 1 năm thực hiện nuôi ốc nhồi, HTX thủy sản Bó Ban đang dần khẳng định hướng đi đúng đắn của mình. Tạo niềm tin, giúp các thành viên có thêm thu nhập, yên tâm lao động sản xuất, nhân rộng mô hình, phát triển kinh tế.
Related news
Những phân tích toàn diện đầu tiên về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới đến sản xuất thủy sản ven biển trên toàn thế giới
Ông Nguyễn Tường Hà vừa du nhập giống tôm càng xanh từ Đồng Tháp về nuôi thử nghiệm, bước đầu thành công, hứa hẹn cho giá trị kinh tế cao.
Đặc điểm của hệ thống quản lý thủy sản ở Na Uy là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành, các nhà khoa học và hiệp hội ngư dân