Mô hình nuôi ngựa bạch cho thu nhập cao
Mô hình nuôi ngựa bạch cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm của gia đình anh Vi Văn Lâm thôn Đông Cấp, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên (Hà Giang).
Từ năm 2016, qua tìm hiểu thị trường, anh Lâm nhận thấy ngựa bạch là loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Ngoài dùng xương để nấu cao, thịt ngựa bạch còn là thực phẩm có giá trị dược liệu trong phòng trị một số bệnh và có tác dụng bồi bổ sức khỏe nên giá bán thịt ngựa bạch thường khá cao, trung bình từ 420.000 – 450.000 đồng/kg. Tuy nhiên hiện nay loài ngựa này ngày càng khan hiếm nên các thương lái phải đặt trước cả năm trời mới có hàng để mua. Đồng thời, do có diện tích vườn đồi rộng, thuận lợi để phát triển chăn nuôi nên anh Lâm đã quyết tâm phát triển kinh tế từ nuôi ngựa bạch.
Trước tiên, anh Lâm mày mò nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật về chăn nuôi và phòng trị dịch bệnh trên đàn ngựa; những đặc tính của riêng ngựa bạch. Bên cạnh đó, anh đi đến các mô hình chăn nuôi ngựa bạch thành công trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Bắc Ninh…. để học hỏi kinh nghiệm. Khi đã có chút “vốn liếng” về chăn nuôi ngựa bạch, anh tiến hành xây dựng chuồng trại.
Đầu năm 2017, anh mua 4 con ngựa bạch giống từ Cao Bằng về nuôi với giá từ 27 – 32 triệu đồng/con. Sau nuôi khoảng 9 tháng, 4 con ngựa bạch bán được trên 250 triệu đồng. Sang năm 2018, anh Lâm xây dựng thêm chuồng trại và mở rộng quy mô đàn ngựa bạch. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm anh Lâm duy trì đàn ngựa bạch của gia đình từ 8 – 10 con.
Anh Lâm cho biết: Để nuôi ngựa bạch thành công thì khâu chọn giống đóng một vai trò quan trọng; nên chọn những con ngựa toàn thân có màu lông trắng tuyền, không xuất hiện các đốm màu khác, mắt ngựa có màu đồng thau, môi trắng hồng, không có đốm đen, bốn chân có móng sừng màu ánh bạc… Nuôi ngựa bạch cũng giống như nuôi ngựa thông thường, không phải mất nhiều công chăm sóc nhưng ngựa bạch thường lớn chậm hơn so với các giống ngựa khác. Thức ăn của ngựa bạch là các loại cỏ thông thường, có thể thái thân cây chuối lá trộn với cám gạo hoạc bột ngô cho ngựa ăn thêm.
Ngoài ra, muốn ngựa nhanh lớn và cho năng suất thịt cao thì trước khi mua giống về cần tẩy giun sán, sau khoảng 4 – 5 tháng cần tẩy tiếp lần hai. Ngựa bạch ít bị bệnh và thường chỉ bị bệnh “chướng bụng đầy hơi”, nhưng với loại bệnh này thì người nuôi ngựa chữa khá đơn giản chỉ cần cho ngựa uống nước tỏi hoặc trà gừng, kết hợp với muối rang và lá trầu không bọc vào vải rồi chà xát mạnh 2 bên sườn và hông ngựa. Bên cạnh đó, muốn phòng bệnh chướng bụng đầy hơi thì phải đảm bảo vệ sinh nguồn thức ăn xanh, không bị nấm mốc và chỉ nên thả ngựa khi cỏ trên đồi rừng đã hết sương (khoảng sau 8 giờ sáng). Ngựa bạch là loài vật nuôi không chịu được thời tiết quá nóng vì vậy chuồng trại phải có mái cao và thông thoáng về mùa hè, có thể dùng hệ thống quạt để thông gió.
Khi được hỏi về thu nhập, anh Lâm cho biết: Trong một năm gia đình thường duy trì từ 8 – 10 con ngựa bạch, sau khi trừ tiền giống, thuốc vắc-xin tiêm phòng và thức ăn (chủ yếu tiền mua cám gạo và bột ngô), thì còn lãi từ 200 – 250 triệu đồng mỗi năm.
Từ những thành công về nuôi ngựa bạch, gia đình anh Vi Văn Lâm đã được Hội Nông dân, UBND huyện Vị Xuyên biểu dương và tặng giấy khen. Ngoài ra, mô hình chăn nuôi ngựa bạch của gia đình anh Lâm còn là điểm tham quan học tập kinh nghiệm của các đoàn thanh niên, nông dân… trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong những năm qua.
Related news
Mùi chua ngọt của dung dịch bả hấp dẫn trưởng thành sâu keo mùa thu và các loài thuộc giống Spodoptera (sâu keo) đến ăn thêm trước khi giao phối, đẻ trứng
Sâu khoang (Prodenia litura) là loại sâu đa thực, gây hại trên nhiều loại cây trồng, đặc biệt là các loại rau màu, trong đó có cây đậu tương vụ đông.
Do không phải phun xịt thuốc trực tiếp nên cây rau không bị ảnh hưởng, nhiễm thuốc BVTV. Cách làm này rất phù hợp với chủ trương SX rau an toàn hiện nay.