Mô hình kinh tế hiệu quả nhưng khó nhân rộng
Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng được người dân nhiệt tình hưởng ứng để phát triển và nhân rộng.
Trên thực tế, trong số hàng trăm mô hình được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh thì chỉ có khoảng 30 – 40% mô hình được nhân rộng.
Bà Huỳnh Thị Ninh, xã Bình Dương (Bình Sơn) chia sẻ:
“Năm trước Nhà nước có hỗ trợ cho gia đình tôi trồng khổ qua và đậu cô-ve theo hướng an toàn, mang lại hiệu quả khá cao.
Mặc dù cách chăm sóc, cắt tỉa nhánh phải theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên tốn nhiều công, nhưng bù lại năng suất tăng gấp đôi so với cách trồng truyền thống. Nếu bây giờ mà tiếp tục hỗ trợ cho chúng tôi làm mô hình này nữa thì hay biết mấy”.
Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng mô hình trồng cà chua Hồng Đào ở xã Hành Minh vẫn khó nhân rộng.
Theo lời bà Ninh thì hiệu quả mô hình đã thấy rõ.
Thế nhưng, khi triển khai nhân rộng thì nhiều hộ dân lại e ngại. Bởi lẽ, khi làm mô hình thì tất cả mọi thứ từ giống, phân bón đến kỹ thuật, đầu ra đều được Nhà nước hỗ trợ, lợi nhuận mang lại luôn cao hơn các loại cây trồng truyền thống khác.
Nhưng khi nhân rộng thì chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật, thông tin tuyên truyền nên chi phí sản xuất tăng lên.
Trong khi đó nông dân lại không quen với quy trình sản xuất mới nghiêm ngặt, chi phí nhiều nên không mạnh dạn đầu tư.
Đơn cử như xã Hành Minh (Nghĩa Hành), đã triển khai trồng mô hình cây cà chua ghép với 8 hộ tham gia.
Đây là mô hình nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù mô hình kết thúc đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây hoa màu khác, nhưng từ 8 hộ tham gia vào mô hình trồng cà chua Hồng Đào tại thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh đến nay cũng chỉ còn hai hộ duy trì.
Ông Huỳnh Hùng, một trong hai hộ dân vẫn đang trồng cà chua Hồng Đào cho biết:
“So với các loại hoa màu khác, cà chua Hồng Đào cho thu nhập cao gấp 4 lần, còn so với cây lúa thì phải hơn chục lần.
Đặc biệt vụ vừa rồi giá cà chua tăng gấp đôi so với năm trước (8.000 đồng/kg) thì lợi nhuận cũng tăng gấp đôi. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể mở rộng diện tích được vì bên cạnh đầu ra của sản phẩm, thì việc tìm đất để trồng cũng là vấn đề nan giải.
Bởi đất trồng cà chua giống như đất trồng dưa hấu, nếu năm nay đã trồng thì năm sau không thể làm lại vì có miễn cưỡng trồng lại thì cà chua cũng sẽ chết, năng suất không đạt.
Trong khi đó, diện tích đất của mình lại có hạn nên đâu thể nay làm chỗ này, mai làm chỗ kia được”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số hộ dân ở thôn Long Bàn Bắc không thể mở rộng diện tích trồng cà chua Hồng Đào tại địa phương.
Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có lợi thế về phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là cây keo nguyên liệu.
Và thực tế, từ khi cây keo được người dân chọn làm cây trồng chủ lực thì nhiều người đã giàu lên thấy rõ và keo cũng là cây thoát nghèo của các xã miền núi.
Để nâng cao năng suất, giá trị của cây keo thì năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa đã triển khai mô hình trồng keo lai mô với diện tích 5ha tại xã Nghĩa Thuận.
Tuy đến nay vẫn chưa thu hoạch, nhưng với tốc độ phát triển, khả năng chịu đựng, sống sót trên 90%, năng suất dự đoán 150 tấn/ha thì cây keo lai mô là một lựa chọn đúng đắn cho người dân trồng rừng.
Ông Phạm Đăng Đồng – Trưởng Trạm Khuyến nông Tư Nghĩa cho biết: “Cây keo lai mô có rất nhiều ưu điểm cả về giá trị, năng suất, khả năng chống chọi với điều kiện tự nhiên.
Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có mấy nông dân chọn loại keo này để trồng vì giá giống cao gấp đôi so với các loại keo giâm hom.
Hơn nữa keo giâm hom dễ ươm và được bán khắp nơi trong tỉnh, trong khi keo lai mô thì mua ở tận Nghĩa Hành nên nhiều người vẫn chưa biết đến.
Do đó, để cho các địa phương có diện tích rừng lớn trong huyện thấy được hiệu quả của cây keo lai mô, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục làm thêm mô hình trồng keo lai mô với diện tích 5ha tại xã Nghĩa Lâm”.
Theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả cao, nâng cao giá trị gia tăng là tiêu chí quan trọng.
Tuy nhiên, làm thế nào để mô hình không dừng lại ở diện "trình diễn” thì ngành nông nghiệp cần phải tính toán.
Trước khi thực hiện mô hình phải có sự gắn kết với thị trường, tạo mối liên kết giữa “4 nhà” để tìm đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo được quyền lợi của nông dân.
Đồng thời ngành nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương lựa chọn mô hình phù hợp, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật và các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, về phía nông dân cũng cần phải chủ động trong việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả chứ không nên thụ động trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Related news
Gia đình ông Hà Văn Hưởng từ một hộ khó khăn, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng nên đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với 3ha quýt đã giúp ông vươn lên làm giàu, được nhiều người dân trong xã đến tham quan học tập, làm theo.
Trong khi hồng Đà Lạt bán tại vườn với giá rẻ mạt nhưng khi về đến TP HCM và một số tỉnh thành khác giá đội lên gấp hàng chục lần
Về xóm 9, thôn Đại An, xã Thống Nhất (Hưng Hà - Thái Bình) hỏi thăm anh Đinh Thanh Quỳnh trồng thanh long ruột đỏ ai cũng biết bởi anh không chỉ là người tiên phong trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn thường xuyên hỗ trợ giúp đỡ nhân dân trong xã cùng thoát nghèo.
Vụ thu đông này, giống dưa lê Kim cô nương mang lại mùa vàng cho bà con xã Tân Hưng (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) khi bán được giá 17.000 đ/kg tại ruộng.
Ngày 14-10, tại xã Sông Xoài (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), Sở KH-CN phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ tổ chức trao giấy chứng nhận VietGAP cho 12 hộ với 12,5ha bưởi da xanh của HTX Bưởi da xanh Sông Xoài.