Mây rừng bị đốn hạ cả cây, lấy trái bán cho thương lái
Trái mây rừng ngày một ít
Nhiều tháng nay, hàng ngày vào tầm 14-16 giờ, dọc trục giao thông nối hai huyện Trà Bồng đi Tây Trà (Quảng Ngãi) có khá nhiều thương lái đỗ xe máy đứng chờ ở các ngã rẽ dẫn vào rừng, hoặc chạy chậm dọc theo tuyến đường này để mua trái mây do người dân đi tìm hái về.
Bên lề đường, đoạn đi qua xã Trà Lâm (huyện Trà Bồng), chỉ sau ít phút mặc cả, chị Nguyễn Thị Bi (38 tuổi) thương lái ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng cũng đã mua được toàn bộ số trái mây gần 5kg hái được trong ngày của hai anh Hồ Văn Trim (34 tuổi) và Hồ Văn Sin (29 tuổi) ở xã Trà Lâm.
Trái mây rừng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trim bộc bạch: Trái mây có thể hái quanh năm và được thu mua từ lâu nay rồi, thế nhưng giá chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Tuy nhiên thời gian gần đây không chỉ nhiều người đi hỏi mua hơn, mà giá cũng tăng lên 70.000 - 90.000 đồng/kg, gấp đôi so với trước đó.
Một người khác cho biết: Khoảng chục năm về trước trái mây có rất nhiều, chỉ cần vào các khu vực rừng ở gần hái khoảng hơn 1 buổi, mỗi người cũng được cả chục kg trái.
Thế nhưng gần đây khi cây keo được giá nên người dân phá rừng để trồng cây này, rừng bị thu hẹp phải đi xa, vào núi cao mới có trái mây.
Theo đó số lượng trái hái được cũng giảm hẳn. Gặp chỗ mây nhiều thì hái được 5-6 kg trái/ngày/người, còn bình thường thì 3-4 kg/ngày/người.
Người đi hái, mua trái mây ngày càng nhiều
Với giá mua khá cao như hiện nay, nên thu nhập hàng ngày từ đi hái trái mây của người dân các huyện miền núi Tây Trà, Trà Bồng, Ba Tơ... cao hơn gấp 2-4 lần so với tiền công đi làm thuê. Chính vì vậy, số lượng người tham gia đi săn tìm trái mây để hái bán ngày một nhiều.
Điều đáng lo ngại là để hái trái, cách phổ biến nhất mà người dân sử dụng là đốn hạ cả cây. Cùng với nạn chặt phá rừng ồ ạt để lấy đất trồng keo, thì việc săn lùng trái mây, mà đặc biệt là hình thức chặt, đốn hạ cả cây để hái trái đã làm số lượng cây mây rừng ngày một ít dần.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Ngọc Thương, Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Trái mây rừng tuy không thuộc dạng cấm khai thác, thế nhưng để thu hoạch trái này vẫn phải có sự đồng ý của chủ rừng và cho phép của cấp thẩm quyền, cơ quan chức năng huyện, tỉnh.
Theo đó, đối với cá nhân khi khai thác thì phải có sự cho phép UBND huyện; còn tổ chức khai thác là do cấp thẩm quyền của tỉnh cấp phép.
Một thương lái đang thu mua trái mây của người dân.
"Việc khai thác phải tuân thủ theo quy định, không gây ảnh hưởng chung đến môi trường tự nhiên và sự phát triển của rừng. Vì vậy Sở sẽ chỉ đạo cho lực lượng kiểm lâm các huyện miền núi tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ hơn việc khai thác loại lâm sản trên", ông Thương thông tin.
Theo lời các thương lái đi thu mua trên tuyến đường Trà Bồng - Tây Trà, số lượng trái mây mua được thường từ 20 - 40 kg/ngày, hôm nhiều thì 50 - 60 kg/ngày.
Toàn bộ số mây mua được đem bán lại cho các đại lý lớn trong vùng. Một số người cho rằng trái mây này được chở ra cửa khẩu để xuất bán sang Trung Quốc để làm cườm đeo tay.
Related news
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi và lãnh đạo các sở, ngành đã có đợt khảo sát thực tế vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của tỉnh tại các huyện Kiên Lương, Giang Thành và thị xã Hà Tiên. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm ở đây đều gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh và tình hình dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt.
Dự án bò Heifer do Hội Nông dân (ND) Long An và Công ty Heifer triển khai tại huyện Thủ Thừa (Long An) đang mang lại những kết quả tích cực. Từ con bò giống mượn của dự án, nhiều hộ đã có tài sản tích lũy.
Thời tiết khô hạn kéo dài khiến năng suất, sản lượng mía niên vụ 2012 - 2013 ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, những diện tích mía đủ nước tưới vẫn có năng suất cao hơn năng suất trung bình 30 - 40%.
Đầu năm 2013, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam hỗ trợ người dân triển khai mô hình nuôi hàu thương phẩm ven biển. Đến thời điểm này, có thể xem đây là hướng nuôi thủy sản triển vọng, vừa tận dụng nhiều diện tích mặt nước ven biển vừa tạo thu nhập cao cho người nuôi.
Hiện việc tiêu thụ rau an toàn (RAT) rất khó khăn do hệ thống bán lẻ chưa phát triển dẫn đến người tiêu dùng không phân biệt được RAT với các loại rau thường.