Home / Tin tức / Tin thủy sản

Lưu ý trong cải tạo ao nuôi tôm

Lưu ý trong cải tạo ao nuôi tôm
Author: Lê Loan
Publish date: Saturday. February 27th, 2021

Trước mỗi vụ nuôi, cần cải tạo ao theo đúng kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất và tránh các thiệt hại không đáng có.

Phơi đáy ao

Sau mỗi vụ nuôi cần rửa đáy ao, bơm bùn sang ao chứa bùn để phơi khô và đổ bỏ. Không nên bơm hay đổ bùn lên bờ ao vì nước mưa có thể đem các chất thải trở lại ao nuôi. Thực hiện việc rửa, xả vài lần cho đến khi sạch hẳn thì tiến hành phơi đáy ao.  

Phơi đáy ao là một trong những bước quan trọng và không thể thiếu trong kỹ thuật cải tạo ao nuôi. Môi trường đáy ao được cải tạo kỹ lưỡng và quản lý tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tôm phát triển và tăng trưởng. Sau mỗi vụ nuôi, đáy ao thường được phơi khô cho đến khi đất nứt chân chim. Biện pháp kỹ thuật này giúp tiêu diệt mầm bệnh, giải phóng khí độc tích tụ trong nền đáy, phân hủy hoàn toàn các chất thải; thuận lợi cho việc gây màu nước, phát triển nguồn thức ăn tự nhiên trong ao. Với những ao không thể bơm cạn nước hoặc được cải tạo trong mùa mưa thì có thể dùng các chế phẩm sinh học có khả năng diệt khuẩn, phân hủy tốt chất thải để xử lý. Lưu ý cần chạy quạt nước liên tục trong quá trình xử lý bằng vi sinh.

Xới đất đáy ao

Phương pháp phổ biến áp dụng là cải tạo khô kết hợp cày xới lại ao nhằm thúc đẩy quá trình ôxy hóa giúp phân hủy chất hữu cơ và hạn chế mầm bệnh. Đất đáy ao được xới, ủi lại sẽ làm cho đất thoáng khí hơn bởi có những khu vực bị yếm khí do tích tụ nhiều chất hữu cơ và khí độc H2S, trừ trường hợp ngoại lệ không nên cày xới và phải ngăn chặn sự xói mòn khi nền đất đáy ao có tính axít do chứa quặng sắt, vì sẽ làm pH có thể bị giảm nghiêm trọng.

Bón vôi

Theo các chuyên gia, bón vôi xuống ao có nhiều tác dụng: Làm cho bùn ao có kết cấu tơi xốp, cải tạo điều kiện không khí ở đáy, đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình phân giải chất hữu cơ trong ao, giải phóng N, P, K trong bùn, làm tăng độ dinh dưỡng; giữ ổn định độ pH. Tiến hành xới đất đáy ao với độ sâu khoảng từ 5 – 10 cm, sau đó tiến hành rải vôi CaO theo liều khoảng từ 5 – 10 kg/100 m2 để ổn định pH nền đáy ao, tiêu diệt mầm bệnh từ vụ nuôi trước và phân hủy hết các khí độc (tùy thuộc vào độ pH và axít của đất). 

Ngâm xả

Áp dụng cho các ao bị nhiễm phèn hoặc có tôm bị bệnh trong vụ nuôi. Với ao có nền đất bị nhiễm phèn, rải vôi nóng (CaO) đều trên nền đáy, rồi lấy 40 – 50 cm nước để ngâm từ 2 – 3 ngày rồi xả bỏ. Trong trường hợp ao nuôi đã bị nhiễm vi bào tử trùng EHP, lượng vôi cần dùng là 6 tấn/ha. Nếu ao đã bị nhiễm bệnh trong vụ trước, có thể phối hợp xử lý thêm bằng các chất diệt khuẩn sau khi đã lấy nước. Lặp lại chu kỳ này từ 2 – 3 lần. Để đảm bảo hiệu quả, có thể nhờ cán bộ kỹ thuật kiểm tra lại pH đất hoặc mật độ vi khuẩn Vibrio

Bón phân

Ao nuôi cần được bón phân gây màu nước để động, thực vật phù du phát triển làm nguồn thức ăn tự nhiên của tôm, đồng thời hạn chế sự phát triển của các loại tảo đáy, tạo ôxy, hấp thụ các chất độc sinh ra từ thức ăn dư thừa, chất thải của tôm trong quá trình nuôi. Phân bón được hòa tan với nước trước khi tạt khắp ao để tránh lắng ở đáy làm đất giàu dinh dưỡng kích thích tảo đáy phát triển. Lượng phân bón vào ao phụ thuộc vào diện tích ao và liều lượng bón của từng loại phân. 

Xử lý nước

Lắng

Nguồn nước phải chủ động, không bị ô nhiễm, nước cần đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan ở mức > 4 mg/lít; pH: 7 – 8,5. Nước từ nguồn cần được lọc qua lưới để hạn chế rác và ngăn chặn tôm cá tự nhiên xâm nhập. Để lắng từ 10 – 20 ngày.

Chuyển nước từ ao lắng vào ao nuôi

Bơm nước qua túi lọc bằng vải kate để loại bỏ địch hại, sinh vật cạnh tranh hoặc vật chủ trung gian mang mầm bệnh như cua còng, tôm, tép…

Diệt tạp

Chạy quạt nước liên tục 3 ngày để trứng cá và giáp xác nở hết rồi tiến hành diệt tạp bằng bột bã trà (saponin), rễ cây thuốc cá (rotenone) hoặc các loại hóa chất chuyên dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Để xử lý ốc đinh hoặc rong đáy có thể dùng sunphat đồng (CuSO4) với nồng độ xử lý là 2 – 3 ppm.

Diệt khuẩn

Hai ngày sau khi diệt tạp, tiến hành diệt khuẩn để loại trừ mầm bệnh có trong nước ao. Chlorine, TCCA, BKC, thuốc tím KMnO4, Formol, Iodine hay PVP-Idodine hiện là những chất diệt khuẩn được dùng phổ biến nhất. Các vùng nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPND) nên dùng BKC liều 0,3 ppm (Hoàng Tùng et al., 2015)


Related news

Xử lý bệnh nấm ở cá cảnh Xử lý bệnh nấm ở cá cảnh

Nhiễm nấm là một trong những bệnh phổ biến thường thấy ở cá cảnh. Khi bị bệnh nặng mà không được điều trị cá sẽ yếu dần và chết, ảnh hưởng đến kinh tế

Saturday. February 27th, 2021
Lưu ý khi sử dụng chế phẩm sinh học Lưu ý khi sử dụng chế phẩm sinh học

Hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm sinh học trước khi thả tôm giống? Nguyên tắc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản?

Saturday. February 27th, 2021
Quản lý môi trường nước và nền đáy trong nuôi tôm Quản lý môi trường nước và nền đáy trong nuôi tôm

Sử dụng chế phẩm sinh học từ các nhóm vi khuẩn, nấm men nhằm mục đích cải thiện sức khỏe động vật và môi trường thủy sản đang trở nên ngày càng phổ biến.

Saturday. February 27th, 2021