Lưu ý phòng, trị bệnh tôm càng xanh
Tôm càng xanh là đối tượng thủy sản nuôi ít rủi ro dịch bệnh và có hiệu quả ổn định. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra thì người nuôi cũng bị thiệt hại nặng nề.
Trong ảnh: Tôm không lột vỏ, chậm lớn Ảnh: PTC
Bệnh đen mang
Nguyên nhân do nền đáy bị bẩn, nước có nhiều chất hữu cơ, pH thấp.
Dấu hiệu thấy xuất hiện nhiều chấm đen trên các tấm mang, bệnh nặng tôm chết nhiều, cần phát hiện sớm, để kịp thời khắc phục. Để trị bệnh đen mang cần phải thay nước mới, bón vôi CaCO3 liều lượng 1 - 2 kg/100 m3.
Bệnh đốm nâu
Tôm sau khi nuôi 2 - 3 tháng trở lên thì trên cơ thể xuất hiện các đốm màu nâu và từ từ chuyển sang màu đen, khi xuất hiện bệnh tôm sẽ bị ăn mòn các phần phụ như: đuôi, chân bụng, râu, trên thân tôm. Tôm bị bệnh yếu, hoạt động chậm chạp, con bị nặng sẽ chết.
Để phòng trị trị bệnh đốm nâu trên tôm càng xanh cần tăng cường dinh dưỡng, xử lý môi trường nước, bổ sung thêm Vitamin C. Không cho ăn những loại thức ăn ôi thiu hoặc đã bị nấm mốc.
Bệnh đục cơ
Bệnh xảy ra do các hiện tượng sốc của môi trường, như sự dao động của nhiệt độ, độ mặn hay nuôi với mật độ cao, cũng như các thao tác trong khi nuôi không phù hợp. Tỷ lệ mắc bệnh thường có thể lên tới 10 - 30%.
Tôm bệnh có biểu hiện kém ăn, hoạt động chậm chạp. Cơ thể chuyển dần sang màu trắng đục (từ đuôi tôm lên), vỏ tôm mềm. Bệnh này thường xảy ra trong giai đoạn tôm giống, quan sát thấy xuất hiện một số con có màu trắng đục trên thân, điểm trắng đục xuất phát từ đuôi và lan dần ra, tôm bị bệnh bơi lội khó khăn, những con bị nặng sẽ chết.
Để phòng bệnh đục cơ trên tôm càng xanh cần giảm tối đa các hiện tượng gây sốc tôm. Khi tôm có biểu hiện bị bệnh đục cơ sử dụng vôi CaCO3 liều lượng 1 - 2 kg/100 m3, đồng thời bổ sung thêm Vitamin C liều lượng 2 - 3 g/kg thức ăn.
Bệnh đóng rong
Tôm bệnh khi môi trường nước xấu, thức ăn không đảm bảo số lượng, chất lượng, chế độ thay nước không tốt dẫn đến môi trường nước bị ô nhiễm, tảo phát triển nhiều, tôm bỏ ăn suy dinh dưỡng hay nền đất dơ bẩn.
Tôm bệnh nhìn bên ngoài sẽ thấy lớp tảo, rong bám khắp mình tôm. Tôm bệnh nặng sẽ khó di chuyển và lột xác, trao đổi khí khó khăn và gây chết khi hàm lượng ôxy thấp.
Để phòng bệnh đóng rong cần luôn giữ môi trường nước ao nuôi tốt, tránh sự tích tụ nhiều chất hữu cơ ở lớp bùn đáy, cho tôm ăn các loại thức ăn đảm bảo chất lượng. Khi tôm bệnh dùng phèn xanh (CuSO4) 100 g/100 m3 nước hay formol với liều lượng 2 - 2,5 lít/100 m3 nước để xử lý tôm bệnh.
Bệnh đốm đen
Do tôm bị sốc hay tổn thương do tác động bên ngoài làm tôm suy yếu, môi trường nước bên ngoài không tốt dẫn đến các vi khuẩn (Vibrio, Pseudomonas) hay nấm tấn công lên cơ thể con tôm dẫn đến xuất hiện những vết thương màu nâu hay đen, nổi thành gờ trên vỏ tôm hay các phụ bộ.
Khi tôm bệnh cần giữ môi trường ao nuôi tốt và tranh việc xáo trộn môi trường nuôi, khi tôm bị bệnh có thể dùng kháng sinh Pizomex 10 g/kg thức ăn cho ăn liên tục trong 3 ngày hay dùng các sản phẩm có hoạt chất Iodine phun xuống ao noun trong 2 - 3 ngày.
Bệnh tôm không lột vỏ
Tôm không lột vỏ được là do thức ăn không đủ chất hoặc lượng cho nhu cầu của tôm, lượng ôxy hòa tan trong nước thấp, nước ao bị ô nhiễm do lượng mùn bã hữu cơ trong nước nhiều, tôm bị bệnh như bệnh đóng rong.
Để phòng bệnh cần thả nuôi với mật độ vừa phải (5 - 7 con/m2). Có thể nuôi ghép tôm với cá sặc rằn, mè trắng (1 - 2 con/m2), trong thức ăn cần bổ sung chất khoáng để giúp tôm nhanh lột xác. Định kỳ thay nước để đảm bảo cho tôm phát triển và lột xác nhanh. Cần theo dõi sức ăn của tôm trong nhá vó để cho ăn đủ lượng, không dư thừa, hạn chế ô nhiễm nước.
Khi tôm bị đóng rong, dùng phèn xanh (CuSO4) liều lượng 100 g/100 m3 nước hay formol liều lượng 2 - 2,5 lít/1.000 m3 nước phun xuống ao để diệt khuẩn, đồng thời kích thích tôm lột xác. Tuy nhiên, khi dùng thuốc diệt cá tạp hay hóa chất khác để kích thích tôm lột vỏ cần tính toán chính xác thể tích nước ao nuôi nhằm đưa ra lượng thuốc phù hợp.
Một số bệnh khác
Bệnh phồng mang do ký sinh, đen mang, đỏ đuôi, mềm vỏ... nếu găp với tỷ lệ trên 10% đàn tôm nhiễm bệnh cần xử lý. Vệ sinh môi trường nước ao nuôi tốt, thay nước kịp thời. Dùng sản phẩm có hoạt chất Iodine phun đều khắp ao nuôi, đồng thời dùng các sản phẩm premix trộn vào thức ăn nhằm giúp tôm tăng sức đề kháng và hấp thụ thức ăn tốt hơn.
Related news
Sự khác biệt trong văn hóa ẩm thực chính là một trong những rào cản đối với tư duy sản xuất, chế biến và xuất khẩu của Việt Nam.
Điểm tắc của ngành thủy sản Việt Nam nói chung, con tôm nói riêng vẫn là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là dư lượng kháng sinh, hóa chất.
Trong các chất dinh dưỡng thiết yếu trong tại sản xuất giống hay nuôi thâm canh, Ca và Mg đều đóng góp một vai trò không nhỏ quyết định đến chất lượng nước