Lưu ý nuôi cá lóc trong bể
Hỏi: Tôi có ý định nuôi cá lóc trong bể xi măng. Hỏi cách thiết kế bể và xử lý nước trước khi thả cá như thế nào? (Trần Chí Công, Thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa)
Trả lời:
Bể nuôi cá nên xây gần nguồn nước sạch (ao, hồ, sông suối không bị ô nhiễm) để tiện cho việc thay nước thường xuyên. Bể nuôi cá lóc thích hợp nhất là hình chữ nhật, diện tích tối ưu là từ 15 – 20 m2, không nên xây quá nhỏ, cá không có không gian hoạt động sẽ làm giảm năng suất. Có thể xây bể nổi hoặc bể chìm. Bể chìm có ưu điểm là chắc chắn hơn và giữ được nhiệt độ nước ổn định hơn so với bể nổi trên mặt đất. Tuy nhiên chỉ xây chìm khoảng 1/2 – 1/3 chiều cao của bể, nếu xây chìm hoàn toàn thì sẽ khó thoát nước và bể nuôi dễ bị ngập khi xảy ra mưa lụt. Có thể xây các bể nuôi cá lóc riêng rẽ hoặc liên hoàn để thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch. Tường bể xây bằng gạch. Độ sâu của bể từ 1 – 1,5 m. Phía trên tường có thể cắm cọc chắn bằng phên, gỗ hoặc nilon để tránh cá nhảy ra ngoài. Mặt trong của bể phải trơn, phẳng để tránh cá bị va đập, xây xát. Thông thường làm đáy bể nuôi cá lóc cần bằng phẳng và dốc về phía cống thoát nước để dễ tháo nước mỗi khi thay nước. Có thể đổ lên đáy bể một lớp cát, vừa làm một lớp đệm tránh cá tiếp xúc với đáy vừa lọc nước. Cần lắp ống tràn giúp ổn định mực nước trong bể nuôi cá lóc. Phía trên bể nuôi cá lóc có thể làm mái che bằng lưới nhằm tạo sự thông thoáng cho đàn cá.
Nguồn cấp nước cần đảm bảo chất lượng. Thông thường trước khi thả cá khoảng 4 ngày, bể cần được cấp, xả nước nhiều lần. Quá trình ngâm xả này giúp làm sạch bể, loại bỏ tạp chất, xử lý mùi hóa chất có trên bạt. Cho nước vào bể nuôi, độ sâu mực nước khoảng 0,8 m. Sau đó, khi cá lớn, nâng dần mực nước cho đạt yêu cầu 1,2 m. Dùng vôi bột, muối hột, Avaxide (1 ml cho 1 m3) để xử lý nguồn nước trước khi thả cá. Sau khi xử lý 3 – 5 ngày mới thả cá.
Hỏi: Khi nuôi cá lóc trong bể xi măng, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc như thế nào để cá phát triển tốt? (Nguyễn Duy Hiếu, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang)
Trả lời:
Trong điều kiện nuôi thuần dưỡng, có thể cho cá lóc ăn nhiều loại thức ăn khác nhau. Giai đoạn mới thả: dùng cám bắp, cám gạo, bột đậu tương, khô dầu… trộn với 95% cá tạp xay nhỏ cho ăn; giai đoạn sau thì cắt khúc, khi cá lớn có thể để nguyên con.
Cho cá ăn theo nguyên tắc 2 đủ và 2 đúng: Đủ chất lượng, đủ số lượng – đúng giờ, đúng chỗ. Thời gian cho cá lóc ăn 2 lần/ngày, sáng từ 7 – 8 giờ, chiều từ 15 – 16 giờ. Khi cá còn nhỏ nên trang bị dụng cụ cho ăn bằng vỉ tre. Cho thức ăn vào vỉ, thả xuống mặt nước không quá sâu, khoảng 5 – 10 cm để tiện quan sát. Đến khi cá lớn hơn, có thể thả thức ăn trực tiếp vào bể gần nơi thoát nước để khi xả thải những cặn bã của thức ăn có thể trôi đi theo.
Lượng thức ăn bình quân 5% khối lượng cá khi còn nhỏ, tăng dần khi cá lớn nhưng không được vượt quá 10% khối lượng cá trong bể. Cứ sau mỗi tháng cần phân cỡ cá lóc một lần, tách con lớn, con nhỏ nuôi riêng để cá phát triển đồng đều. Trước khi phân kích cỡ cá lóc cần cho cá nhịn ăn một ngày để cá tiêu hóa hết thức ăn trong bụng. Dùng vợt để phân loại chứ không bắt bằng tay.
Cá lóc rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường nước nên phải chú ý đến vấn đề này. Trong vòng 20 – 25 ngày đầu, nên thay nước 2 – 3 ngày/lần. Khi thả cá được 1 tháng thì phải thay nước hàng ngày. Tuần thứ 4 trở đi thay nước mỗi ngày. Tháng cuối mỗi ngày thay nước 2 lần.
Related news
Cỏ lào, cỏ xước, đủ đủ, tía tô, trứng cá là những loài thảo dược dân dã có tác dụng kháng nấm trên cá lóc.
Cá lóc đẻ rộ vào những tháng đầu mùa mưa lớn, tập trung từ tháng 5 đến tháng 7. Hệ số thành thục trung bình khoảng 0,5 – 1,5%, sức sinh sản từ 5.000 đến 20.000
Trong các hệ thống nuôi thâm canh mật độ cao, cá rô phi dễ sốc môi trường, miễn dịch kém, ôxy hóa và viêm nhiễm. Sử dụng hỗn hợp flavonoid thảo dược