Lưu ý khi thâm canh dừa
Điều kiện đất đai, khí hậu miền Nam nước ta khá phù hợp cho việc phát triển cây dừa; đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dừa là một trong những loại cây trồng được đánh giá có khả năng thích ứng tốt.
Dừa được mệnh danh là “Cây của đời sống”
Để trồng dừa hiệu quả, trước hết phải từ khâu chọn giống. Cần chọn đúng loại giống, cây để lấy giống, trái làm giống và cây giống đem trồng. Đây là những tiền đề có tính quyết định đến việc dừa cho trái sớm, năng suất cao sau này. Hiện nay, tại Bến Tre có các giống dừa khá nổi tiếng như: Các giống dừa cao (chủ yếu dùng chế biến): Ta xanh, ta vàng, dâu xanh, dâu vàng… Các giống dừa lùn (chủ yếu là dừa uống nước): Xiêm xanh, xiêm lục, ẻo, Tam Quan, dừa dứa...
Hầu hết cây dừa giống đều được chọn từ cây dừa mẹ có sẵn trong sản xuất. Dù là đối với nhóm dừa nào thì yếu tố năng suất cao (sai trái) và ổn định của cây dừa mẹ có ảnh hưởng di truyền rất lớn đến cây dừa con sau này. Chính vì vậy, các nhà khoa học thường khuyến cáo nên chọn các cá thể dừa cao có từ 80 - 100 trái/ năm và khoảng 120 trái/năm đối với các cá thể dừa lùn, cần lưu ý khả năng năng suất này phải ổn định trong 3 năm liên tục.
Ngoài ra, các nghiên cứu chuyên sâu trên thế giới cũng đã góp phần làm sáng tỏ và đầy đủ hơn các yếu tố liên quan để chọn cây dừa giống ưu tú. Cụ thể trên cùng một giống, các cây dừa chọn từ trái nặng, nảy mầm nhanh, phiến lá rộng ở vườn ươm, phiến lá và cuống lá trưởng thành ngắn, cây trưởng thành dáng lá hơi rũ, ra hoa sớm là những cây sẽ cho trái sớm, năng suất cao.
Bên cạnh chọn giống, kỹ thuật bón phân cũng cần phải có sự bổ sung điều chỉnh phù hợp hơn so với cách bón phân trước nay. Cụ thể: Đối với dừa giai đoạn nhỏ đến khoảng 10 năm tuổi, các loại phân lân (super lân, lân nung chảy…) bón kết hợp với chất đạm và phân kali góp phần làm gia tăng sản lượng, góp phần giúp cây ra hoa sớm. Điều này càng có ý nghĩa trong điều kiện đất trồng có phèn, lân dễ tiêu trong đất thường ở mức thấp. Thiếu lân còn làm các vườn dừa trẻ dễ bị bệnh cháy đốm lá do nấm Helminthosprium sp gây ra. Như vậy, quan điểm trồng dừa không cần bón phân lân nhiều, trong trường hợp này, là chưa chính xác.
Vì vậy, lượng phân bón khuyến cáo cho dừa sau 5 năm hiện nay bình quân vào khoảng 1kg urê + 2kg super lân+ 1,2kg kali clorua, tuy nhiên vào giai đoạn dừa 5 - 10 tuổi, tùy theo tình trạng sinh trưởng, phát triển của cây có thể tăng lượng phân lân lên từ 30 - 50% để phát huy tiềm năng năng suất.
Cần bổ sung chất canxi, theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu (Pháp), dừa là cây ưa canxi. Hiện tượng thiếu canxi thường xảy ra dưới những điều kiện đất chua (pH thấp). Tất cả các dạng vôi thường chứa lượng canxi cao, canxi cũng hiện diện trong hầu hết các loại mùn hữu cơ đã ủ hoai mục, trong phân lân (lân nung chảy, super lân, 20% CaO), Dolomite (30% CaO)… Hàng năm vào đầu mùa mưa, đặc biệt sau thời gian bị ảnh hưởng mặn, việc bón vôi (30 - 50kg/1.000m2) sẽ có tác dụng rất tốt đối với sự sinh trưởng, phát triển của dừa.
Nên chia phân ra bón nhiều lần trong năm, nếu có điều kiện nên khoảng 2 tháng bón phân một lần, các nghiên cứu trong nước cho thấy, việc tăng cường số lần bón phân trong năm, kết hợp tưới nước, che mát đất, giữ ẩm trong mùa khô là yếu tố hết sức quan trọng nhằm tăng năng suất, giảm hiện tượng dừa treo.
Sau thời kỳ bị nhiễm mặn, bắt đầu bón phân hóa học cho cây thì nên chú ý bón sớm và bón phân có tỉ lệ phân lân và kali cao hơn chất đạm ở lần bón đầu tiên vì sau thời gian dài bị hạn - mặn, cây rất thiếu chất kali và có nhu cầu lân cao. Bón phân urê sớm để cây dừa sớm phục hồi như quan niệm một số người trồng dừa là không chính xác, sẽ dễ gây hiện tượng nứt rụng trái rất nhiều ở đầu vụ. Các lần bón sau có thể áp dụng theo quy trình bón thông thường đã được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo.
Ngoài việc tăng cường bón phân kali và lân ở đầu vụ, có thể sử dụng các loại tro bón cho dừa vì tro cũng có chứa nhiều chất lân, kali và các chất trung, vi lượng khác. Tương tự,việc giảm tỉ lệ phân đạm bón cho cây vào thời điểm “mưa dầm”, trời âm u (khoảng tháng 10 dương lịch) cũng cần chú ý áp dụng nhằm hạn chế hiện tượng nứt rụng trái, rụng hoa.
Để sử dụng đất trồng dừa một cách hiệu quả, bền vững, nhà vườn nên trồng dừa có mật độ hợp lý (cây cách cây khoảng 8m đối với dừa cao và 6 - 7m đối với nhóm dừa lùn; trong trường hợp cần tăng hiệu quả trồng xen, tùy loại cây xen có thể tăng khoảng cách giữa hai cây dừa).
Hiện có nhiều mô hình canh tác trồng xen dừa với cây có múi, ca cao, măng cụt… đạt hiệu quả cao.
Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu trong và ngoài nước, cho thấy việc trồng xen hợp lý, đúng kỹ thuật không những làm tăng thu nhập mà còn giúp tăng năng suất dừa, cải thiện độ phì nhiêu đất.
Ngoài việc trồng xen, các biện pháp bồi bùn, che đậy bờ dừa trong mùa nắng, bón phân hữu cơ là những giải pháp kỹ thuật tốt cần thường xuyên áp dụng trong sản xuất.
Related news
Mặc dù trong nhiều năm qua tình trạng bọ cánh cứng hại dừa đã lắng diệu nhưng gần đây sự trở lại của bọ cánh cứng hại dừa đã làm cho nhiều nhà vườn rất lo lắng
Bọ vòi voi là loại côn trùng gây hại trên rễ và thân cây dừa làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của cây. Phòng trừ bọ vòi voi gây hại cây dừa
Để sản phẩm dừa uống nước ổn định về chất lượng và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng dừa, người trồng cần quan tâm đến một số vấn đề