Home / Gia súc-Gia cầm / Nuôi trâu

Lưu ý khi chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm trong mùa đông

Lưu ý khi chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm trong mùa đông
Author: TTKNTB
Publish date: Friday. June 7th, 2019

Mùa Đông năm nay được dự báo là mùa đông sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, cộng với những đợt gió mùa đông bắc liên tiếp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất chăn nuôi.

Ảnh minh họa

Mùa Đông năm nay được dự báo là mùa đông sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ các ngày thường xuống thấp có khi đến 12 – 15 độ C cộng với những đợt gió mùa đông bắc liên tiếp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất chăn nuôi.

Thời tiết lạnh kéo dài sẽ làm cho hàng ngàn con gia súc gia cầm bị chết rét, chết đói. Không những thế, những con còn sống thì thường bị giảm khả năng sinh trưởng phát triển, giảm năng suất, tiêu tốn nhiều thức ăn, sức đề kháng bị giảm sút, dễ bị mắc bệnh…

Đặc biệt, vào mùa đông thường có những cơn mưa phùn kéo dài làm cho ẩm độ không khí tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi rút, vi khuẩn, nấm có trong môi trường sinh sôi, phát triển và gây bệnh như các bệnh hen xuyễn, cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng…

Khi xảy ra dịch bệnh lại khó khăn trong công tác dập dịch gây thiệt hại về kinh tế trong chăn nuôi là rất lớn.

Vì vậy, để giúp đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt trong những ngày mưa rét, hạn chế mầm bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi, c phải thực hiện tốt một số lưu ý chăm sóc nuôi dưỡng sau:

*Thứ nhất: Về chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi:

– Cần tiến hành giữ ấm cho đàn vật nuôi bằng cách che chắn chuồng trại tránh gió lùa (đặc biệt là hướng tây bắc) và nước mưa hắt trực tiếp vào chuồng nuôi. Thường xuyên bổ xung, thay mới chất độn chuồng để giữ ấm cho đàn vật nuôi, hạn chế tối đa việc sử dụng nước để rửa chuồng (đặc biệt chuồng gia súc, gia cầm non), ngoài giúp gia súc không bị nhiễm lạnh còn là để hạn chế tối đa độ ẩm trong chuồng nuôi. Đối với gia súc, gia cầm non phải được nuôi trong các chuồng úm được thắp điện sưởi ấm ít nhất 2- 4 tuần tuổi.

– Vào những ngày mưa, ẩm độ không khí tăng cao trên 90% nên tiến hành dùng quạt để thông gió, tạo thông thoáng cho chuồng nuôi.

*Thứ hai: Về chăm sóc đàn vật nuôi:

– Cung cấp cho vật nuôi khẩu phần ăn đầy đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Có kế hoạch dự trữ và sử dụng nguồn thức ăn chăn nuôi. Đối với gia súc ăn cỏ cần dự trữ nguồn thức ăn thô xanh phòng những ngày mưa kéo dài; đối với chăn nuôi lợn, gia cầm cần sử dụng và bảo quản tốt nguồn thức ăn dự trữ. Điều rất quan trọng khi thay đổi thức ăn cho đàn vật nuôi không được thay đổi đột ngột mà thay đổi từ từ (để gia súc, gia cầm làm quen với thức ăn mới) giúp vật nuôi tránh được các “Stress”; đồng thời phải cung cấp đầy đủ về số lượng cũng như đảm bảo chất lượng thức ăn (theo từng loại, từng giai đoạn phát triển) cho đàn vật nuôi ăn từ đó nâng cao sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh phát sinh cho đàn gia súc, gia cầm.

+ Đối với trâu, bò, dê: Chỉ chăn thả khi thời tiết ấm áp và tiến hành chăn thả ở nơi cao ráo, sạch sẽ và giữ gìn vệ sinh để phòng các bệnh như: viêm ruột ỉa chảy; bệnh thối móng, hà móng… bệnh lở loét miệng trên đàn dê cừu; dùng bao, chăn cũ may áo chống rét cho trâu bò.

+ Đối với đàn lợn và đàn gia cầm: Cần đặc biệt lưu ý giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh nguồn thức ăn, nước uống, khống chế nhiệt độ và ẩm độ trong chuồng nuôi, bảo đảm nguồn thức ăn nước uống đề phòng các bệnh viêm ruột ỉa chảy, bệnh lỵ, bệnh cầu trùng, bệnh phân trắng lợn con. Riêng đối với đàn gia cầm nên chủ động dùng thuốc để phòng bệnh cầu trùng, Ecoli, phó thương hàn, hen xuyễn… theo quy trình kỹ thuật hoặc theo tư vấn của cán bộ thú y.

*Thứ ba: Thực hiện tốt biện pháp vệ sinh thú y trong chăn nuôi:

– Định kỳ 1 tuần 1 lần tiêu độc khử trùng chuồng trại, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi bằng hóa chất (Bencocid, Clozin,….) hoặc dùng vôi bột, nước vôi,…

– Thường xuyên khơi thông cống rãnh, xử lý nguồn phân, nước tiểu, chất thải bằng các biện pháp cơ học (thu gom, đào sâu chôn chặt); hoá học (xử lý bằng hoá chất); sinh học (xây hầm biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh,…) nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng đến môi trường sống của con vật cũng như môi trường sống của con người.

– Chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm bằng thuốc, vắc xin theo quy định của Thú y:

+ Đối với đàn trâu bò, dê cừu cần được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng, các bệnh ký sinh trùng máu.

+ Đối với đàn lợn: tiêm phòng đầy đủ các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả, đóng dấu, bệnh tai xanh…

+ Đối với đàn gia cầm: tiêm phòng đầy đủ các bệnh tụ huyết trùng, dịch tả gà- vịt; bệnh đậu gà; bệnh gumboro; bệnh cúm gia cầm H5N1.

Trên đây là một số lưu ý trong chăm sóc nuôi dưỡng đàn gia súc, gia cầm vụ Đông, kính mong người chăn nuôi thực hiện tốt yêu cầu kỹ thuật trên để hạn chế dịch bệnh phát sinh, phát tán trên đàn gia súc, gia cầm; góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả cho người chăn nuôi.


Related news

Phương pháp xử lý rơm với uree làm thức ăn cho trâu bò Phương pháp xử lý rơm với uree làm thức ăn cho trâu bò

Tuy nhiên rơm khô khi chưa được xử lý, chế biến có giá trị dinh dưỡng thấp, nhiều xơ... nên thời gian tiêu hoá kèo dài, tính ngon miệng lại không cao.

Thursday. February 28th, 2019
Chế biến rơm làm thức ăn cho trâu bò Chế biến rơm làm thức ăn cho trâu bò

Giới thiệu một số phương pháp chế biến rơm rạ làm thức ăn cho trâu bò, giúp tránh lãng phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Tuesday. March 5th, 2019
Điều trị bệnh cước chân ở trâu, bò Điều trị bệnh cước chân ở trâu, bò

Bệnh cước chân là bệnh sưng thũng chân do co thắt mao mạch ngoại vi ở chân trâu, bò, thường phát sinh vào các tháng mùa đông và đầu mùa xuân khi thời tiết lạnh

Saturday. April 6th, 2019