Lưu ý đầu vụ nuôi tôm
Lập kế hoạch nuôi: Dựa vào khả năng tài chính, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi của mình mà hộ nuôi có thể đưa ra được quy mô diện tích nuôi, hình thức nuôi và đối tượng nuôi cho phù hợp.
Chọn ao, đầm nuôi: Nuôi tôm cần có ao lắng chiếm diện tích khoảng 20 - 30% và ao xử lý nước thải chiếm diện tích khoảng 10% diện tích của ao nuôi. Ao nuôi nên có vị trí thuận lợi cho việc cấp và thoát nước, vị trí ao nuôi phải có điện và gần đường giao thông để thuận tiện cho việc vận chuyển con giống, thức ăn và sản phẩm tôm. Ao nuôi nên có diện tích 2.000 - 4.000 m², hình chữ nhật, chiều dài gấp 1,5 - 2 lần chiều rộng để thuận tiện cho việc chăm sóc.
Chọn tôm giống: Đây là khâu quan trọng quyết định lớn đến sự thành công của vụ nuôi, tôm giống phải khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không phân đàn, được mua từ những trại, công ty có uy tín. Trước khi mua tôm phải chắc chắn rằng lô tôm giống đó đã được kiểm dịch, không ủ bệnh, có thể kiểm tra sức khỏe của tôm bằng phương pháp sốc formol. Cần kiểm tra độ mặn và pH nước của nơi sản xuất giống và đầm nuôi của mình để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Thức ăn: Thức ăn chiếm trên 50% tổng chi phí vụ nuôi vì vậy thức ăn cần lựa chọn những đại lý thức ăn đại diện của các hãng sản xuất lớn, uy tín. Người nuôi cần căn cứ vào từng giai đoạn phát triển của tôm mà chọn loại thức ăn đảm bảo hai tiêu chí là cung cấp đủ hàm lượng dinh dưỡng và viên thức ăn vừa cỡ miệng của tôm. Nên có kho để chứa thức ăn, khi lấy thức ăn không nên lấy nhiều, tránh tình trạng để lâu bị ẩm mốc, ôi thiu gây bệnh cho tôm nuôi.
Chọn thuốc và hóa chất: Dựa vào quy trình kỹ thuật nuôi tôm để chủ động đưa ra danh mục mua các loại thuốc và hóa chất xử lý môi trường khi cải tạo ao và quá trình nuôi. Người nuôi có thể liên hệ với các đại lý cung cấp có uy tín để có được loại thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học có chất lượng. Trong quá trình sử dụng thuốc, hóa chất và các chế phẩm sinh học cần xem xét kỹ các tính năng, tác dụng của các sản phẩm để có phương pháp sử dụng hợp lý, ngoài ra nên tham khảo và trao đổi thông tin với các hộ nuôi có kinh nghiệm trong vùng hoặc các chuyên gia kỹ thuật để có sự chọn lựa và phương pháp sử dụng hiệu quả nhất.
Để biết chất lượng nước đầm nuôi đang ở mức độ nào, có ô nhiễm hay không, các hộ nuôi nên mua một số dụng cụ kiểm tra yếu tố môi trường nước như máy đo hoặc test đo: ôxy; NH3, NO2, H2S, pH và độ kiềm, độ mặn cần thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng ghi trên sách bao bì.
Quạt khí: Quạt khí có tác dụng cung cấp ôxy hòa tan cho tôm nuôi, tạo dòng chảy gom chất thải vào giữa ao nuôi, ngoài ra quạt khí còn cung cấp ôxy hòa tan cho các vi khuẩn có lợi dưới đáy ao phân hủy chất hữu cơ. Hiện nay có hai loại là dàn quạt cánh nhựa và dàn quạt lông nhím. Người nuôi cần dự đoán sản lượng tôm nuôi để tính toán bố trí quạt hợp lý. Các hộ nuôi nên có máy phát điện dự phòng trường hợp mất điện.
Cải tạo ao: Trước khi cải tạo ao nuôi 20 ngày nên cải tạo ao lắng và xử lý nước trong ao lắng trước. Ao nuôi phải được nạo vét bùn đáy và trải bạt (nếu có khả năng tài chính). Bờ ao phải được đầm nén kỹ tránh rò rỉ nước, độ sâu ao (tính cả bờ) phải trên 1,5 m. Đối với ao đất cần bón vôi để ổn định môi trường nền đáy ao, tùy theo chỉ số pH của nền đáy mà tăng giảm lượng vôi bón cho phù hợp.
Nhân lực: Tùy vào diện tích nuôi, loại hình nuôi để chuẩn bị nhân lực cho phù hợp, nhân lực nên có hiểu biết cơ bản về nuôi tôm, bố trí nhân lực hợp lý, đảm bảo tôm nuôi luôn được chăm sóc và quản lý tốt.
Sổ ghi chép: Cần chuẩn bị sổ ghi chép mua, bán và sổ nhật ký nuôi tôm. Sổ ghi chép mua, bán có ích lợi giúp các hộ nuôi có thể hạch toán được chi tiết số tiền đầu tư, tổng doanh thu của vụ nuôi từ đó tính ra hiệu quả kinh tế sau một vụ nuôi tôm.
Sổ nhật ký nuôi tôm sẽ ghi lại toàn bộ quá trình quản lý và chăm sóc tôm, đây là những dữ liệu quan trọng giúp cho các hộ nuôi rút ra những kinh nghiệm quý để áp dụng cho vụ nuôi kế tiếp, đồng thời là cơ sở để truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau này nhất là sản phẩm xuất khẩu.
Tags: dau vu nuoi tom, nuoi tom, thuy san viet nam