Luân canh cây màu trên chân ruộng cho hiệu quả cao ở Tiền Giang
Hiện nay, việc đưa cây màu xuống luân canh trên chân ruộng được nông dân Tiền Giang tích cực hưởng ứng bởi mai mang lại hiệu quả kinh tế cũng như những lợi ích thiết thực khác.
Chuẩn bị xuống giống dưa leo ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tổng diện tích màu đưa xuống trồng trên chân ruộng theo các mô hình luân canh, xen canh đạt trên 10.400 ha; trong đó, nhiều nhất là rau ăn lá các loại trên 5.500 ha, còn lại là dưa hấu, dưa leo, bắp và các cây màu khác.
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất ở những địa bàn khó khăn để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, Tiền Giang khuyến khích nông dân đưa cây màu xuống chân ruộng theo mô hình một vụ màu kết hợp 2 vụ lúa trong năm, 2 vụ màu kết hợp 1 vụ lúa hoặc chuyên canh màu, tạo ra cơ cấu mùa vụ hợp lý, nâng cao hiệu quả canh tác từ đất trồng lúa, giúp nông dân làm giàu.
Địa phương đã hình thành những vùng trồng rau màu hàng hóa lớn, tập trung ở ven các đô thị, thị xã, thị trấn; trong đó, các địa phương có diện tích lớn nhất là: huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông,…
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cù lao Tân Phú Đông cho biết, đã chuyển trên 1.500 đất nhiễm mặn lâu nay chỉ trồng được lúa 1 vụ sang trồng chuyên canh sả mỗi năm 2- 3 vụ nên cải thiện thu nhập cho bà con. Còn theo ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, địa phương nằm trong nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công đã định hình được những vùng trồng rau màu chủ lực bắp ăn, ớt, ngò gai, hành hẹ và rau ăn lá các loại…Từ đó, góp phần tạo nguồn cung cấp rau màu cho nhưng thị trường tiêu thụ quan trọng khu vực các tỉnh phía Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, trung bình mỗi năm, ngành nông nghiệp địa phương đã tổ chức hàng ngàn cuộc hội thảo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm nâng cao trình độ canh tác, thu hút trên 28.000 lượt nông dân. Nhờ vậy, giúp bà con giành những vụ sản xuất thắng lợi.
Qua khảo sát, mô hình trồng bắp trên chân ruộng sau khi trừ chi phí, nông dân còn thu lãi ròng trên 38,1 triệu đồng/ ha, trồng dưa hấu thu lãi ròng trên 85,2 triệu đồng/ ha, rau ăn lá thu lãi 45 triệu đồng/ ha, cao nhất có ớt thu lãi ròng trên 123 triệu đồng/ ha.
Nhìn chung, đưa cây màu xuống chân ruộng giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận gấp 2,9 đến 3,8 lần so với độc canh cây lúa. Mặt khác, còn mở ra hướng đi mới cho những địa bàn khó khăn trong tỉnh đang đối mặt với biến đổi khí hậu và thiên tai mưa bão hàng năm.
Related news
Phân chuồng là loại phân do gia súc thải ra. Chất lượng và giá trị của phân chuồng phụ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc, nuôi dưỡng, chất liệu độn chuồng
Việc sử dụng phân bón thiếu tính toán sẽ gây lãng phí và kém hiệu quả. Cần nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng của lúa để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp.
“Mô hình sử dụng bèo lục bình ủ phân hữu cơ và trồng các loại rau”. Thông qua các mô hình, không chỉ giúp nông dân địa phương thực hành nông nghiệp