Lúa OM 7347 trên đất Phong Điền
OM7347 là giống lúa đặc sản, thời gian sinh trưởng ngắn, cứng cây, dạng hình đẹp, đẻ nhánh khỏe, hạt gạo thon dài, cơm dẻo thơm…
Mô hình trình diến giống OM7347 ở huyện Phong Điền
Vụ ĐX 2016-2017, Cty CP Tập đoàn Điện Bàn (DIBANCO) phối hợp HTXNN Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế) trình diễn mô hình cánh đồng giống lúa OM7347 với diện tích 2ha.
Đầu tháng 5/2017, Cty đã tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình lúa OM7347 để có cơ sở nhân rộng diện tích trên địa bàn. Từ xa nhìn ra cánh đồng, các đại biểu đã thấy những đám ruộng gieo cấy OM7347 nổi bật hẳn với độ đồng đều cao, bông lúa chín màu vàng sáng và không bị đổ ngã.
Đứng bên vạt ruộng chín vàng, bà Trương Thị Huế (thôn Hiền Lương) tỏ ra vui mừng vì thấy mọi người tham gia hội thảo tham quan mô hình do gia đình thực hiện. Trên diện tích 2 sào ruộng, bà Huế được Cty CP Tập đoàn Điện Bàn hỗ trợ giống, phân bón. Lần đầu tiên làm giống lúa mới này gia đình bà cũng thấy lo. Nhưng kết quả nổi trội của OM7347 so với một số giống lúa khác đã làm cho bà và mọi người vui lên gấp bội.
“Hai sào ruộng của nhà tôi chất đất cũng không đẹp. Vào đầu vụ gặp khó khăn về thời tiết nhưng lúa vẫn cho năng suất xấp xỉ 3 tạ/sào. Sản lượng này cũng xem như là cao nhất từ trước đến nay. Vụ tới, nhà tôi cũng sẽ tiếp tục sử dụng guống lúa này”, bà Huế hồ hởi cho biết.
Trao đổi với khách tham quan, ông Hoàng Văn Hiền, Giám đốc HTXNN Hiền Lương cho hay, qua theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển giống lúa OM7347 có một số mặt vượt trội, như TGST ngắn ngày có thể bố trí gieo trồng trên các vùng đất muộn. Giống dễ sản xuất, khả năng đẻ nhánh khỏe, mức độ nhiễm sâu bệnh ít, chống chịu ngoại cảnh tốt. Khi lúa chín đều, tỷ lệ hạt lép thấp. Năng suất tương đối cao so với các giống lúa khác trên địa bàn.
Giống OM 7347 cứng cáp, đẻ nhánh khỏe
Theo lãnh đạo Cty CP Tập đoàn Điện Bàn cho biết, giống OM7347 được GS.TS Nguyễn Thị Lang (Bộ môn Di truyền chọn giống - Viện Lúa ĐBSCL) nghiên cứu chọn tạo. Dù mới qua một vụ mùa sử dụng giống OM 3747, nhưng bà con nông dân ở Hiền Lương rất ưa gieo trồng đại trà giống lúa này. “Nếu có thêm đơn vị bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch nữa thì bà con rất an tâm sản xuất với OM7347 vì năng suất và chất lượng”, ông Hiền khẳng định.
Ông Hiền cho hay: “Lúa OM 7347 có chiều cao thấp, từ gieo đến trổ ngắn, khoảng 82 - 83 ngày, từ gieo đến thu hoạch 110 - 112 ngày, năng suất đạt gần 60 tạ/ha, thu nhập gần 40 triệu đồng/ha, còn lãi gần 17 triệu đồng.
Hiệu quả kinh tế bước đầu như thế hoàn toàn chấp nhận được. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục thực hiện trên một số diện tích trong vụ HT ở cánh đồng này để áp dụng đại trà”.
Tham gia mô hình, ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Phong Hiền cũng tiết kiệm được chi phí. "Trước đây bà con sạ các giống khác từ 5 - 6kg/sào. Nay cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chỉ sạ 3,5kg/sào.
Nhiều người gieo xong cũng lo lắng lắm. Khi lúa lên mầm, nhìn chỉ thấy đất chứ không thấy màu xanh vì lưa thưa quá. Nhưng khi đến kỳ lúa đẻ nhánh thì khác lắm.
Qua một đêm ra thăm đồng đã thấy màu xanh lấp hết mặt ruộng.
Trong khi đó, các giống lúa khác vẫn còn thưa thớt. Ruộng của tôi mật độ lúa cũng vừa phải, không bị thưa nên năng suất cũng cao.
Do đây là vụ làm đầu tiên, chứ sau này làm tiếp thì kỹ thuật thâm canh sẽ rốt hơn nhiều. Lúc đó, năng suất lúa sẽ cao hơn”, ông Thanh cho hay.
Bà Nguyễn Thị Trà (73 tuổi ở thôn Hiền Lương) lấy ít gạo OM7347 do Cty tặng để nấu ăn.
Bà nhận xét: “Giống lúa ni có hạt gạo đẹp, thon dài, rất trong. Nhìn là biết gạo ngon rồi”. Đến khi cơm chín, bà xới một bát ăn với mè vừng. Vừa bưng bát cơm bà vừa cười: “Cơm ăn dẻo mềm, thơm và ngon. Tui ưa lắm. Vụ tới nói con cháu gieo cấy loại ni mà ăn”.
Cánh đồng lúa OM7347 năng suất cao
Related news
Hiện cả nước có khoảng 13,8 triệu hộ ND, trong đó có trên 10,3 triệu hội viên Hội NDVN với trên 3,5 triệu hộ ND SXKD giỏi các cấp.
Năm 2016, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), là một trong hai huyện đầu tiên của Hà Nội về đích.
Thời tiết thay đổi thất thường khiến vụ lúa Đông Xuân của bà con nông dân xã Sa Nghĩa (Sa Thầy, Kon Tum) gần như mất trắng.