Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lối Thoát Của Ngành Gỗ Bình Định

Lối Thoát Của Ngành Gỗ Bình Định
Publish date: Monday. November 10th, 2014

Với 150 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, trong đó có khoảng 70 DN tham gia XK trực tiếp, Bình Định được xem là một trong những “thủ phủ” của ngành chế biến gỗ trong cả nước.

Số lượng nhiều, nhưng năng lực sản xuất (SX) yếu nên hiện nay, các DN chế biến gỗ ở Bình Định không đáp ứng đủ nhu cầu của các thị trường.

Nỗi đau công nghệ lạc hậu

Sau nhiều năm thị trường tiêu thụ đồ gỗ trên thế giới bị “đóng băng”, hiện nay, thị trường tiêu thụ mặt hàng này đang ấm dần lên. Vui đấy, nhưng khi đơn đặt hàng tới tấp bay về thì đa số các DN chế biến gỗ XK ở Bình Định lại không đủ năng lực đáp ứng, đành tiếc nuối nhìn cơ hội trôi qua.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, cho biết: “So cùng kỳ năm trước, thị trường tiêu thụ đồ gỗ ở các nước châu Âu hiện đang tăng lên khoảng 20%, đơn đặt hàng đến với các DN chế biến đồ gỗ XK rất nhiều, nhưng do cơ sở hạ tầng yếu, công nghệ lạc hậu, thiếu lao động và năng lực quản lý kém nên hầu hết các DN không đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng”.

Ông Lập phân tích: Do một loạt yếu kém vừa nêu trên, nên hầu hết các DN  SX đồ gỗ XK ở Bình Định hiện đều đang SX ở dạng bán thủ công, nên sản lượng đồ gỗ gần như “cầm chân tại chỗ” suốt nhiều năm qua.

Năm 2014 này, dù đã cố hết sức nhưng sản lượng bàn ghế ngoài trời ở Bình Định chỉ tăng được có 5%. Vậy là đã kịch trần, vì chưa tự động hóa dây chuyền, chỉ dựa vào sức người thì không thể mong gì hơn.

Điểm đặc biệt của mặt hàng đồ gỗ XK ở Bình Định là làm theo mùa vụ, chủ yếu bàn ghế ngoài trời. Mỗi vụ kéo dài 8 tháng (từ đầu tháng 8 năm trước đến hết tháng 3 năm sau), trong đó có 5 tháng cao điểm là từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau.

Thêm vào đó, để giảm chi phí, hiện nay các khách hàng đều buộc các nhà SX phải tham gia vào khâu lưu thông.

Theo đó, hàng phải được SX lưu kho sẵn, để đến kỳ hạn là có đủ hàng để giao đúng thời gian theo hợp đồng, và phải giao đến từng các đại lý chứ không phải như trước đây chỉ giao hàng tại điểm trung gian ở Malaysia. Trước những yêu cầu này, khó khăn càng chồng chất cho các nhà SX có năng lực yếu.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định, cho biết thêm: “Để đáp ứng được các yêu cầu trên, DN phải đủ diện tích nhà kho để trữ hàng, phải làm tốt công tác bảo quản để hàng không mất chất lượng khi lưu kho dài ngày, và cái khó nhất cho các DN là phải đủ năng lực tài chính để mua nguyên liệu, trả tiền công nhân... đợi đến ngày xuất hàng.

Trong 150 DN chế biến đồ gỗ ở Bình Định hiện nay, chỉ có chừng 10 DN hội đủ các điều kiện nói trên”.

Tìm lối thoát

“Muốn được vậy, gỗ tròn nguyên liệu phải được bảo quản tốt. Khi xẻ gỗ, cần tính toán phần nào làm đáy, phần nào làm mặt, phần nào làm các chi tiết phụ một cách hợp lý thì sẽ sử dụng hết mọi phần của gỗ nguyên liệu, giảm được tổn thất đáng kể”, ông Đỗ Xuân Lập nói.

Để “bứt” khỏi những khó khăn kể trên, ngành chế biến đồ gỗ XK ở Bình Định đang dần cố thoát cảnh SX theo mùa vụ. Trong những năm qua, nhiều DN đã chuyển mạnh từ SX đồ gỗ ngoài trời sang SX đồ nội thất như các công ty: Tiến Đạt, Hồng Hữu Thịnh, Hồng Hạnh, Đại Thành, Hải Vy, Phước Hưng, Duyên Hải, Quốc Thắng...

Lãnh đạo các DN nói trên giải thích: “Nếu như đồ gỗ ngoài trời SX tập trung theo mùa vụ để khách hàng bán trong thời gian ngắn vào mùa nắng, và thị trường tiêu thụ chỉ ổn định ở một số nước giàu có thì đồ gỗ nội thất nhà nhà đều cần, thị trường tiêu thụ khắp thế giới nên có thể SX quanh năm. Như vậy các DN tránh được áp lực về nhà kho và vốn liếng đầu tư cho hàng tồn kho, tiền trả lương công nhân”.

Ông Đỗ Xuân Lập khẳng định thêm: “Chuyển từ SX đồ gỗ ngoài trời sang SX đồ gỗ nội thất là con đường sống của các DN yếu kém về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và năng lực tài chính. Để SX đồ gỗ nội thất, các DN phải “quên đi” kiểu làm “ăn xổi” như trước đây, bởi ngành hàng này yêu cầu DN phải nghiêm, tỉ mỉ, công nhân phải giỏi kỹ năng, tinh vi trong kỹ xảo mới có được hàng đẹp”.

Tuy nhiên, điều “cốt tử” để các DN chế biến đồ gỗ XK ở Bình Định sinh tồn là phải bằng mọi cách làm giảm chi phí và đổi mới cung cách quản lý.

Theo ông Lập, thất thoát trong SX của ngành chế biến gỗ ở Bình Định đang ở mức rất cao, từ 5-7%. Nếu khắc phục được, chi phí trong SX sẽ giảm đáng kể, giá thành sản phẩm hạ xuống, đồng nghĩa với tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Hiện thất thoát trong SX đồ gỗ tồn tại trong nhiều khâu, nhất là khâu nguyên liệu.

Nếu quản lý tốt khâu nguyên liệu, 1,6-1,8 khối gỗ nguyên liệu có thể cho ta 1 khối gỗ tinh chế; ngược lại, phải tốn đến 2,2-2,4 khỗi gỗ nguyên liệu mới cho ra được 1 khối gỗ tinh chế.

Nguồn bài viết gốc: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/134328/kinh-te/loi-thoat-cua-nganh-go-binh-dinh.html


Related news

Lâm Đồng Trồng Thử Nghiệm Thành Công Một Loại Rau Rừng Phía Bắc Lâm Đồng Trồng Thử Nghiệm Thành Công Một Loại Rau Rừng Phía Bắc

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, sau hơn một năm trồng thử nghiệm, một loại rau có tên là rau dây hương chủ yếu được phân bổ ở miền núi phía Bắc đã “đứng chân” được trên đất Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng.

Friday. April 11th, 2014
Cấy Nấm Xanh Ometar Trên Lúa Cấy Nấm Xanh Ometar Trên Lúa

Kết hợp việc ứng dụng nấm xanh Ometar cùng mô hình trồng hoa bờ ruộng góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cây lúa

Friday. April 11th, 2014
Ớt Cuối Vụ Giá Giảm Mạnh Ớt Cuối Vụ Giá Giảm Mạnh

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 800 ha trồng ớt, nhiều nhất là ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công với nhiều vùng chuyên canh như Bình Ninh, Bình Phan, Bình Phục Nhứt, Vĩnh Hựu...

Friday. April 11th, 2014
Chuối “Cháy” Hàng Vì Thương Lái Nước Ngoài Chuối “Cháy” Hàng Vì Thương Lái Nước Ngoài

Những ngày qua, nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Tháp rộ lên thông tin có thương lái nước ngoài thu gom chuối để xuất khẩu với số lượng không giới hạn làm cho giá chuối tăng vọt, nhiều nhà vườn rất phấn khởi vì chưa bao giờ trồng chuối lại lãi cao đến vậy.

Friday. April 11th, 2014
Làm Giàu Từ Ếch Làm Giàu Từ Ếch

Sau hơn hai năm đi vào họat động, câu lạc bộ (CLB) khuyến nông xã Hương Phong, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) giúp cho hàng chục hộ dân vươn lên thoát nghèo từ mô hình nuôi ếch.

Friday. April 11th, 2014