Lợi ích không tưởng của hệ thống chăn nuôi Silvopasture
Với đà khủng hoảng khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt, nhân loại bắt đầu nhận ra sự cần thiết phải thích ứng- đổi mới. Và mô hình Silvopasture chính là chìa khóa.
Gà và bò sữa được chăn thả theo mô hình nông-lâm kết hợp Silvopasture ở Mỹ đã chứng minh được giá trị. Ảnh: USDA
Silvopasture là gì?
Hệ thống Silvopasture được tạo ra bằng cách đưa thức ăn thô xanh vào rừng hoặc trang trại, bằng cách lồng ghép cây trồng vào đồng cỏ. Các lựa chọn vật nuôi tiềm năng cho hệ thống chăn nuôi Silvopasture bao gồm: trâu bò, cừu, dê, ngựa, gà tây, gà, đà điểu, hoặc thú hoang như bò rừng, nai, tuần lộc... Chưa kể cây cối trong mô hình còn có thể cung cấp thức ăn gia súc hoặc thậm chí sản vật có giá trị như hạt sồi, hạt dẻ và mật ong...
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Silvopasture là giải pháp nông- lâm kết hợp (trồng cây hoặc đồng cỏ xen với chăn nuôi gia súc-gia cầm) mang lại lợi ích kinh tế và sinh thái trực tiếp cho hệ thống canh tác. Nó bao gồm chăn thả trong rừng cây lấy gỗ, đồng cỏ, hoặc trong vườn đồi theo nhiều mật độ, phân cách nhau theo hàng, và vật nuôi có thể sử dụng chính hệ thực vật này làm thức ăn.
Silvopasture cũng có thể kết hợp trồng các loại cây khác nhau được tích hợp vào hệ thống thức ăn thô xanh để làm thức ăn cho vật nuôi, hoặc kết hợp chăn nuôi vào các vùng rừng để mang lại lợi ích cho cả hai. Tóm lại, Silvopasture là sự kết hợp có chủ ý của trồng cây và các hoạt động chăn thả gia súc, gia cầm trên cùng một vùng đất. Hệ thống này được quản lý chặt chẽ và mang lại cả nguồn thu nhập ngắn hạn và dài hạn.
Các thảm thực vật này được quản lý tốt theo các nguyên tắc nông học, thường bao gồm các loại cỏ du nhập hoặc bản địa, cây họ đậu- được bón phân và cố định nitơ. Ngoài ra cũng có thể kết hợp hệ thống chăn thả luân phiên trong ngắn, nhằm tối đa hóa sự phát triển và chu kỳ thu hoạch của cây trồng trong mô hình.
Theo các chuyên gia, các mô hình thử nghiệm cho thấy, thu nhập từ chăn thả hàng năm giúp lưu chuyển luồng tiền từ hoạt động trồng cây và dễ dàng tái sản xuất cho các chu kỳ tiếp theo, làm cho những lợi ích này có thể khiến nó trở nên đáng giá.
Theo các chuyên gia, một trong những ưu điểm chính của hệ thống canh tác Silvopasture là giảm sốc nhiệt cho vật nuôi, giúp cải thiện năng suất và sức khỏe của vật nuôi. Điều quan trọng cần lưu ý là không phải mọi đồng cỏ trong mô hình chăn nuôi đều cần phải là đồng cỏ để tận dụng các lợi ích của hệ thống tích hợp này.
Silvopastures còn có thể làm tăng sự đa dạng của hệ động vật hoang dã, ví dụ như chim muông, côn trùng và cải thiện chất lượng nguồn nước, rất có ý nghĩa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay. Ngoài ra, thảm thức ăn thô xanh cũng bảo vệ đất khỏi sự xói mòn khi thiên tai, đồng thời bổ sung chất hữu cơ để cải thiện các đặc tính của đất. Về mặt thẩm mỹ, Silvopastures cung cấp một cảnh quan hấp dẫn “giống như công viên”.
Cây cối mang lại lợi ích gì cho vật nuôi?
Theo Lindsay Whistance, nhà nghiên cứu chăn nuôi cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Hữu cơ, cây cối mang lại cho động vật những lợi ích rất to lớn. Sau nhiều năm theo dõi, bà Lindsay đã tổng kết những giá trị mà Silvopasture đem lại cho hệ thống chăn nuôi.
Mái ấm vô giá: Cây cối không chỉ tạo vùng đệm cho cảnh quan, mà nó còn làm tăng nhiệt độ mặt đất vào mùa đông lên tới 6 độ C ở khu vực dưới tán, và vật nuôi có thể coi đây như một chỗ nghỉ ngơi thoải mái. Đặc biệt là trước mật độ mưa và tốc độ gió lớn ngày càng trở nên thường xuyên hơn và lạnh hơn, đều dẫn đến khả năng phúc lợi động vật kém hơn.
Nghiên cứu cho thấy, nền nhiệt độ cứ giảm trung bình 1 độ C thì bò thịt phải tăng tỷ lệ trao đổi chất để thích nghi, đồng nghĩa tăng thêm 2% nhu cầu năng lượng. Những con cừu non mới sinh nếu không có nơi trú ẩn tốt, có thể mất nhiệt độ cơ thể lên đến 10 độ C trong nửa giờ đầu tiên và rủi ro cao hơn.
Bóng mát: Ngược lại vào mùa hè, những khu vực dưới tán cây có thể là mảng xanh duy nhất của cánh đồng. Theo dự báo của Met Office, đến năm 2050, cứ mỗi hai năm sẽ lại có một mùa hè giống như năm 2018 -mùa hè nóng nhất được ghi nhận.
Trong quá trình căng thẳng do nắng nóng, máu được luân chuyển nhanh đến cả các cơ quan không mấy quan trọng như hệ sinh sản và tiêu hóa và da để đẩy nhanh quá trình làm mát. Ước tính khoảng một nửa lượng máu trong đường tiêu hóa có thể bị chuyển hướng, làm cho màng ruột rất dễ nhiễm các độc tố và có khả năng dẫn đến rủi ro cao cho vật nuôi.
Tiến sĩ Lindsay cho biết, những con bò sữa ít được tiếp cận với bóng râm sẽ nhiều khả năng bị viêm vú hơn. Trong khi các nghiên cứu khác cho thấy, chất lượng sữa non giảm ở những con bò phải đối mặt với căng thẳng nhiệt trong giai đoạn cuối thai kỳ, và những con bê sinh ra sẽ tiếp tục giảm sản lượng sữa.
Các mô hình đo đếm nhiệt độ cho thấy, gia súc bắt đầu bị căng thẳng nhiệt ở 18 đến 20 độ C, nặng lên ở 25 độ C và 31 độ C, được coi là tình trạng khẩn cấp.
Giảm stress: Hành vi xã hội cho thấy sự gắn kết hơn của vật nuôi trong các hệ thống Silvopasture. Ví dụ, sự liếm láp tương tác lẫn nhau của vật nuôi chiếm 78% trong mô hình nông lâm kết hợp, so với chỉ 48% ở đối chứng.
Sự âu yếm lẫn nhau trong mô hình này rất có lợi vì nó làm giảm căng thẳng qua việc đo nhịp tim của vật nuôi trong mô hình. Hoặc sự cọ sát với cây cối vào cơ thể con vật cũng giúp loại bỏ các loại ký sinh trùng như bọ ve, rận có thể xâm nhập. Ngoài ra, một bộ lông và hệ da khỏe mạnh chính là rào cản đối với nhiều loại bệnh tật.
Dinh dưỡng: Nguồn thức ăn lá từ cây, đồng cỏ tự nhiên luôn giàu hàm lượng chất béo, carbohydrate, khoáng chất và protein hơn. Nhiều loại cây còn chứa tannin cô đặc, giúp thúc đẩy việc cung cấp protein chất lượng cao từ dạ cỏ đến ruột non, làm giảm lượng khí mê-tan được tạo ra gây hiệu ứng nhà kính. Nếu vật nuôi không sử dụng hết, lá cây cũng có thể được bảo quản làm thức ăn dự trữ dạng khô hoặc ủ chua.
“Chúng tôi nghĩ rằng Silvopasture sẽ là nhân tố chính của nền nông nghiệp tương lai, nhưng chúng tôi cần nghiên cứu sâu hơn để đánh giá tác động của nó đối với một loạt các biện pháp môi trường cũng như năng suất đồng cỏ, sự đa dạng sinh học và sức khỏe cũng như hiệu quả chăn nuôi. Hệ thống cần được thiết kế chính xác để giải quyết những thách thức cụ thể của nông trại, đồng thời cho phép thay đổi việc quản lý và sử dụng đất theo thời gian”, Rebecca Swinn, điều phối viên mạng lưới Nông dân Sáng tạo Vương quốc Anh – đơn vị tiến hành thử nghiệm bảy mô hình nông lâm kết hợp 12 năm vừa qua ở Devon cho biết.
Related news
Sử dụng phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển là lựa chọn ưu việt của người nông dân thông thái trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào đồng ruộng.
Bằng giải pháp chuyển gen vi khuẩn, hãng phân bón Pivot Bio tạo ra nitơ và chứng minh được giá trị trong một nền nông nghiệp vừa giảm chi phí vừa thân thiện
Quy trình, kỹ thuật trồng dưa lưới trên giá thể, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đang được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ triển khai,