Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lộc Biển Đầu Xuân

Lộc Biển Đầu Xuân
Publish date: Wednesday. February 25th, 2015

Nhiều ngư dân miền Trung bám biển, đón giao thừa ngay giữa trùng khơi và những người ra khơi đánh bắt chuyến đầu tiên sau Tết Ất Mùi 2015 đã trở về đất liền trong niềm hứng khởi với khoang thuyền đầy ắp cá tôm.

Được mùa

Sáng sớm mùng 4 Tết, chúng tôi xuôi về cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) và cảng cá Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), trên cửa biển hàng chục tàu thuyền các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa máy nổ ầm ầm đang tiến vào cập bến cảng, trên khoang tàu chất đầy ắp các loại cá ve, cá chim giang, cá đù, cá lẹp, cá cơm, cá bục bịch, cá hố, cá ngạnh, cá trích, cá cam, tép biển, và các loại ốc, ghẹ, sò lông…

Đứng chờ sẵn trên bến cảng từ rất sớm, các chị em phụ nữ đứng tuổi, cánh thương lái đã chuẩn bị sẵn sàng xe máy thồ hàng, khay nhựa, xô chậu lớn… thu mua, sau đó vận chuyển về các chợ đầu mối trên địa bàn bán hoặc nhập lại cho các hợp tác xã.

Ngư dân Nguyễn Văn Thanh (58 tuổi, ở thôn Tân Dinh, chủ tàu cá HT 20041TS, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cho biết đầu năm nay thời tiết thuận lợi, biển lặng không có sóng to gió lớn, ngư trường rộng lớn, các loại cá, tôm, mực… xuất khẩu nhiều, giá xăng dầu giảm mạnh, nên tốn ít chi phí đi biển như mọi năm, vì vậy mỗi tàu lớn (khoảng 4 - 5 thuyền viên) và mỗi chuyến ra khơi 5 - 6 ngày thu về từ 25 - 30 triệu đồng; còn đánh bắt gần bờ khoảng 10 - 15 hải lý trong vài ngày, hầu như tàu nào cũng trúng đậm, thu về trị giá hàng chục triệu đồng.

Đặc biệt, những ngày này có rất nhiều tàu của ngư dân đánh bắt được số lượng rất lớn loại cá ve bầu (với giá thành 900 đến 1 triệu đồng/tấn). So với đầu xuân năm 2014, năm nay, ngư dân Hà Tĩnh đã bất ngờ trúng đậm con sò lông và tép biển với sản lượng lớn, giá thành cao.

Mỗi tàu chỉ cần ra cách bờ khoảng 7 - 10 hải lý với hình thức đánh bẫy cào dạ gần 1 ngày là được hàng tấn sò lông. Sau khi vào bờ phân loại nhập tại chỗ cho thương lái ngày bình thường với giá từ 60.000 - 80.000 đồng/khay sò, nhưng từ ngày 20 tháng Chạp năm Giáp Ngọ 2014 đến nay giá tăng vùn vụt, từ 120.000 - 150.000 đồng/khay sò. Bình quân mỗi tàu đánh bắt được hàng trăm khay sò/ngày, thu nhập hàng triệu đồng.

Bên cạnh đó, con tép biển cũng đang trở thành mặt hàng đắt đỏ và ngư dân Hà Tĩnh cũng đang được mùa lớn. Bình quân mỗi chuyến đi khai thác với 2 - 3 lao động/tàu đánh được từ 7 - 8 tạ tép/ngày (hiện tại ngày đầu xuân giá dao động hơn 1 triệu đồng/tạ tép), thu về lợi nhuận gần chục triệu đồng/tàu, thậm chí có tàu còn đánh bắt được hàng tấn tép/ngày.

Nhiều tàu cá gần bờ công suất dưới 90CV của ngư dân Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đánh bắt gần bờ còn được mùa cá cơm.

Tàu xa bờ trúng đậm

Tại cảng cá âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), những ngày đầu xuân mới hết sức sôi động. Dưới âu thuyền, hàng chục tàu cá nối đuôi nhau cập cảng; trên bờ các thương lái tranh nhau mua từng ký cá của các tàu vừa cập bến. Chị Võ Thị Hoa, một thương lái mua cá để phân phối đi các chợ lớn ở Đà Nẵng, cho biết: Do nhu cầu hải sản sau tết tăng cao nên giá cả tăng 20% - 30% so với ngày thường.

Ông Nguyễn Đình Bê (Đức Phổ - Quảng Ngãi), Thuyền trưởng tàu QNg 94787, cho biết: Tàu ra khơi từ ngày 25 tháng Chạp thẳng hướng Hoàng Sa để đánh bắt. Sau 10 ngày đón tết trên biển, tàu mang về hơn 10 tấn cá ngừ, cá thu.

Còn tàu Qna-89159 của ông Huỳnh Minh Nhơn (Núi Thành, Quảng Nam), sau hơn nửa tháng ra khơi, tàu của ông mang về gần 15 tấn cá, bán thu về gần 300 triệu đồng. Ông Nhơn phấn khởi: “Đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu của chúng tôi và 4 tàu cá khác đều đánh trúng luồng cá. Đầu năm trúng lớn chắc cả năm làm ăn khấm khá”.

Tại các xóm ven biển của huyện Núi Thành (Quảng Nam), những ngày đầu xuân mới không khí rộn ràng khắp nơi. Cả huyện có gần 40 tàu câu mực, ra khơi từ trước Tết Ất Mùi, đến nay đã quay về với những khoang thuyền đầy ắp mực khô. Trong đó phải kể đến tàu Qna-91035 của ông Phạm Bé ở xã Tam Giang đánh bắt được 8,3 tấn mực khô, doanh thu 790 triệu đồng; tàu ông Hồ Tuấn Kha ở xã Tam Hải khai thác được 6,5 tấn doanh thu 620 triệu đồng… Bên cạnh đó, nhiều tàu lưới vây của huyện này cũng đã có một mùa bội thu khi mỗi tàu thu về trên dưới 300 triệu đồng cho một chuyến ra khơi từ 5 - 7 ngày.

Ở phía chân cầu cảng Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tàu thuyền đánh bắt quanh đảo Cồn Cỏ lần lượt cập bờ sau chuyến ra khơi đầu xuân mới. Đứng trên mạn tàu TTH-33567 đầy ắp cá tôm, lão ngư Trần Văn Ân (trú ở thị trấn Thuận An) phấn khởi cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi cho việc khai thác và đánh bắt thủy hải sản. Mới ra khơi được 3 ngày nhưng tàu của ông đã thu được gần 10 tấn cá cùng nhiều loại hải sản khác. Trong đó, cá thu, cá ngừ và mực ống trúng nhiều hơn.

Nhiều tàu thuyền khác vừa kịp đưa mẻ cá lên bờ đã vội vã bốc thêm nhu yếu phẩm rồi nhổ neo tiếp tục vươn khơi...

Quảng Nam: Tàu thuyền nhổ neo “xông biển”

Từ ngày 21 đến 23-2, hàng chục tàu cá các xã Tam Phú (Tam Kỳ), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Quan, Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Hải (Núi Thành) đồng loạt nhổ neo “xông biển” đầu xuân mới.

Trước khi nhổ neo ra khơi, các chủ tàu tổ chức cúng cầu mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu. Ông Phạm Văn Được (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ), chủ tàu QNa-95428 TS hồ hởi: Hy vọng năm nay biển êm, sóng hòa, ngư dân chúng tôi được mùa cá.

Anh Phan Văn Tý (thôn 1, Tam Hải, Núi Thành) cho biết: Năm nay, ngư dân chúng tôi ban ngày ăn tết, đến chiều giong thuyền ra khơi, đến sáng hôm sau lại về nên ngày nào cũng có cá để bán. Mỗi đêm anh em chúng tôi đi về kiếm được vài triệu nên vui lắm.


Related news

Giá Rớt Thê Thảm, Dâu Bòn Bon Rụng Ngập Vườn Giá Rớt Thê Thảm, Dâu Bòn Bon Rụng Ngập Vườn

Ngày 4.6, trao đổi với phóng viên NTNN, lão nông Nguyễn Văn Ơn buồn bã cho biết: “Mấy ngày nay giá dâu bòn bon chỉ còn 1.000 đồng/kg, trong khi những năm trước, khi vào chính vụ, thương lái vẫn vào tận vườn hái mua với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Năm nay, dâu bon rớt giá thảm hại mà thương lái không buồn mua”.

Thursday. June 5th, 2014
Thái Nguyên Hướng Đi Mới Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Thái Nguyên Hướng Đi Mới Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Thủy sản đã thực hiện các mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP tại các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, T.X Sông Công và T.P Thái Nguyên (Thái Nguyên) đạt hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp cho người dân địa phương.

Friday. June 27th, 2014
Nuôi Cá Tai Tượng Cho Lợi Nhuận Cao Nuôi Cá Tai Tượng Cho Lợi Nhuận Cao

Sóc Trăng có trên 18 ngàn ha nuôi thủy sản nước ngọt. Ưu thế của các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt là có thể kết hợp với các mô hình khác, như mô hình lúa – cá, vườn– ao –chuồng hoặc đơn giản chỉ là nuôi nhiều loại cá trong cùng một diện tích, giúp nông dân thu nhập từ nhiều nguồn. Trong đó cá tai tượng được nhiều nông dân chọn nuôi vì cho thu nhập rất cao.

Thursday. June 5th, 2014
Cách Làm Hay Để “Trẻ Hóa” Vườn Điều Cách Làm Hay Để “Trẻ Hóa” Vườn Điều

Sau hơn 20 năm gắn bó với cây điều, anh đã tìm tòi, nghiên cứu phương pháp ghép mới. Anh lấy chồi của những cây điều sai trái ghép vào các cây điều già. Chồi ghép trên thân cây điều già phát triển rất tốt. Sau khoảng 9 tháng đã cho trái.

Friday. June 27th, 2014
Trồng Đậu Phộng Dại Trong Vườn Tiêu Trồng Đậu Phộng Dại Trong Vườn Tiêu

Ông Hoàng Văn Lập cho biết: “Tôi bắt đầu trồng đậu phộng dại trong vườn tiêu từ mùa mưa năm 2009, lúc đầu tôi chỉ trồng thử nghiệm 2 ngàn m2. Tôi nhận thấy trồng đậu phộng dại giúp giữ ẩm cho tiêu, cả tuần không tưới mà cây tiêu vẫn tươi tốt không bị héo. Thấy hiệu quả nên tôi đã trồng hết toàn bộ diện tích vườn 1,5 hécta còn lại vào mùa mưa năm 2010 đến nay”.

Friday. June 27th, 2014