Loạn thị trường thuốc thú y thủy sản - Vừa tiếp thị vừa bán thuốc tại ao là sai
Báo NTNN đã có loạt bài “Loạn thị trường thuốc thú y thủy sản” (từ số báo 189 đến số báo 192) phản ánh tình trạng hỗn loạn trên thị trường thuốc thủy sản hiện nay.
Sau loạt bài, Báo NTNN đã nhận nhiều phản hồi về vấn đề này.
Để làm rõ hơn việc quản lý, cũng như trách nhiệm của ngành, PV NTNN đã phỏng vấn ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT).
Ông Đông cho biết: Thuốc thú y nói chung, thuốc thú y thủy sản nói riêng được quản lý theo quy định của Luật Thú y và Nghị định 35 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y.
Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thuốc thú y phải đăng ký lưu hành với Cục Thú y.
Một vấn đề quan trọng và nhức nhối trong ngành thuốc thú y thủy sản hiện nay là có quá nhiều loại thuốc, danh mục thuốc với các thành phần, hoạt chất khác nhau, dẫn đến người dân khó phân biệt được đâu là thuốc thật- giả, kém chất lượng.
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
- Hiện nay, đang có 940 sản phẩm thuốc thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam theo Thông tư số 10 năm 2016 của Bộ NNPTNT, trong đó có 233 sản phẩm thuốc có chứa kháng sinh chiếm tỷ lệ 24,8%.
Như vậy, số lượng sản phẩm không phải là quá nhiều.
Thực tế, tất cả các loại chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản không thuộc Cục Thú y quản lý cũng được người dân gọi chung là thuốc thủy sản nên mọi người thấy nhiều loại thuốc thủy sản lưu thông trên thị trường.
Hiện nay, Cục Thú y chỉ cấp phép lưu hành cho 1 tên thuốc có cùng công thức bào chế, cùng quy trình sản xuất của cùng một nhà sản xuất.
Điều này, đã được Cục Thú y đề xuất đưa vào quy định tại Thông tư số 13 năm 2016 của Bộ NNPTNT.
Mặc dù Luật Thú y đã được Quốc hội thông qua, song dường như vấn đề quản lý kinh doanh đối với mặt hàng này vẫn chưa được chú trọng, nhất là về điều kiện kinh doanh, mở đại lý bán mặt hàng này.
Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp còn cho người xuống tận ao để tiếp thị sản phẩm.
Tới đây, việc này sẽ được chấn chỉnh ra sao, thưa ông?
- Điều kiện buôn bán thuốc thú y được quy định tại Điều 92 Luật Thú y và Điều 17 Nghị định 35 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y.
Cụ thể: Điều 92 Luật Thú y quy định, tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y phải đảm bảo các điều kiện sau đây: Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp; Có địa điểm cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp; Người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y phải có chứng chỉ hành nghề; Có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ, tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y phải theo quy định như: Có địa điểm kinh doanh cố định và biển hiệu.
Có tủ, kệ, giá để chứa đựng các loại thuốc phù hợp.
Có trang thiết bị đảm bảo điều kiện bảo quản thuốc theo quy định.
Có sổ sách, hoá đơn chứng từ theo dõi xuất, nhập hàng.
Việc các công ty sản xuất thuốc thú y cử cán bộ xuống ao nuôi tiếp thị, giới thiệu tính năng, tác dụng của sản phẩm đã được cấp phép lưu hành để người nuôi được biết và tìm mua sản phẩm của công ty tại các cửa hàng buôn bán thuốc thú y là không vi phạm quy định.
Tuy nhiên, cán bộ của công ty sản xuất thuốc vừa tiếp thị vừa bán sản phẩm tại ao nuôi là sai theo quy định về điều kiện buôn bán thuốc thú y.
Trong thời gian tới, Cục sẽ chỉ đạo cả hệ thống tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi không mua sản phẩm do các doanh nghiệp cử người tiếp thị và bán thuốc thú y thủy sản tại ao nuôi; khi phát hiện có người bán sản phẩm tại ao nuôi báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền hoặc cán bộ thú y xã, phường để xử lý kịp thời.
Rất nhiều người dân, doanh nghiệp phản ánh bức xúc về việc nhiều hãng kinh doanh thuốc thú y thủy sản, chế phẩm xử lý môi trường quảng cáo một đằng, nhưng chất lượng một nẻo, thậm chí thuốc không có tác dụng chữa bệnh cũng được quảng cáo, dẫn tới thiệt hại lớn cho người nuôi.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này từ đâu và Cục Thú y, Bộ NNPTNT sẽ có những giải pháp gì để chấn chỉnh?
- Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, đoàn công tác của Cục Thú y đã phát hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm đăng ký thức ăn bổ sung, có thành phần là vitamin, acid amin, khoáng, men vi sinh, thảo dược nhưng khi lưu hành lại ghi công dụng của thuốc thú y thủy sản như đặc trị bệnh gan, thận, phòng bệnh đốm trắng, điều trị sưng gan mật, sưng não, tụy, sưng thận; kích thích hệ thống miễn dịch, phòng ngừa các bệnh đầu vàng, đốm trắng, bệnh gan tuỵ ở tôm, cá, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh đường ruột.
Qua trao đổi với chủ cửa hàng được biết chủ cơ sở kinh doanh chỉ thấy sản phẩm có tên trong danh mục thức ăn bổ sung do cơ quan nhà nước ban hành là thấy hợp pháp.
Trong năm 2015, Cục Thú y đã tiến hành kiểm tra 16 cơ sở kinh doanh thuốc thú y và 6 cơ sở nuôi tôm, cá và đã lập 14 biên bản vi phạm hành chính về kinh doanh, sử dụng thuốc ngoài danh mục được phép lưu hành, kinh doanh hàng giả, hàng sai nhãn mác và giao Chi cục Thú y các tỉnh ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền với số tiền gần 500 triệu đồng”.
Ông Phạm Văn Đông
Sở dĩ có tình trạng trên là do điều kiện đăng ký lưu hành thuốc thú y thủy sản nghiêm ngặt (cơ sở phải có nhà xưởng sản xuất đạt GMP, hồ sơ đăng ký sản phẩm chặt chẽ) nhiều công ty không đáp ứng được nên các công ty đã gửi hồ sơ đăng ký sản xuất thức ăn bổ sung.
Sau khi có tên trong danh mục thức ăn bổ sung, các công ty đưa ra thị trường các sản phẩm có cùng tên với tên trong danh mục thức ăn bổ sung nhưng thành phần ghi thêm hoạt chất và công dụng ghi đặc trị các loại bệnh của tôm, cá với giá thành rất cao.
Cục Thú y không phải là cơ quan có thẩm quyền quản lý thức ăn thủy sản nói chung, thức ăn bổ sung nói riêng nên các công ty sản xuất thức ăn bổ sung không thuộc đối tượng quản lý của Cục Thú y.
Do vậy, rất khó để Cục kiểm tra, thanh tra các công ty sản xuất thức ăn bổ sung.
Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng trên cơ quan có thẩm quyền quản lý thức ăn thủy sản cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt thanh tra tại các công ty sản xuất thức ăn bổ sung để đảm bảo sản phẩm thức ăn bổ sung được sản xuất, đưa ra ngoài thị trường đúng thành phần, công dụng sản phẩm đã đăng ký.
Qua câu chuyện Bộ NNPTNT xử lý đối với 802 sản phẩm thuốc, hóa chất thủy sản khống vừa rồi cho thấy quyết tâm rất lớn của Bộ nhằm xóa bỏ các tiêu cực trong việc cấp phép, công nhận các loại thuốc, hóa chất thủy sản.
Thời gian tới, việc cấp phép, công nhận này sẽ được tiến hành ra sao và do cơ quan nào giám sát, thưa ông?
- 802 sản phẩm bị thu hồi và xử lý vừa qua là các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản và thức ăn bổ sung thủy sản do đơn vị khác quản lý và cấp phép, không thuộc phạm vi quản lý của Cục Thú y.
Cục Thú y quản lý và cấp phép lưu hành thuốc thú y thủy sản.
Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y thủy sản được thực hiện nghiêm theo quy định tại Khoản 3 Điều 80 Luật Thú y.
Việc này sẽ do Thanh tra Bộ NNPTNT là đơn vị thanh tra, kiểm tra việc cấp phép, công nhận các sản phẩm vật tư nông nghiệp của đơn vị thuộc Bộ NNPTNT, trong đó có việc cấp phép lưu hành thuốc thú y thủy sản của Cục Thú y.
Xin cảm ơn ông!
Related news
Sáng nay (27.8), tại Thừa Thiên - Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội nghị “Báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường biển miền Trung và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản".
Trong số các phương án về khai thác hải sản tại 4 tỉnh miền Trung được Bộ NNPTNT đưa ra lấy ý kiến sáng nay (27.8), có phương án cấm ngư dân khai thác hải sản tại vùng biển từ 10 hải lý trở vào bờ kéo dài từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến hết hòn Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế).
Cứ khi trái gió trở giời, hay biển Đông hình thành bão, hoặc trời đất mây đen vần vũ, thì “ông cá Thần” này lại thò lên khỏi mặt sông cái đầu đen sì, khổng lồ, như thể mũi của tàu ngầm.