Lo lắng nguồn nước nuôi tôm bị ô nhiễm
Ông Võ Văn Thắng ở Phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai đang xử lý hóa chất cho đầm tôm vụ 2 vừa thả được hơn 10 ngày chia sẻ: Gia đình làm 4 ha tôm, hiện vừa thu hoạch xong tôm vụ 1 được 2 ha, năng suất chỉ đạt 3 - 35, tấn/ha, tính ra vừa hòa vốn. Nguyên nhân là do nguồn nước đầu vào ở sông Hoàng Mai nhiễm bẩn gây ra nhiều các loại dịch bệnh.
Trong đó bệnh phân trắng, (bệnh chậm lớn) khiến năng suất tôm sụt giảm. Ông Thắng chia sẻ thêm: Hệ thống hạ tầng cho vùng tôm chưa được đầu tư, chủ yếu là kênh đất, nên nguồn nước vào càng bẩn. Vì vậy bước vào nuôi tôm vụ 2, tôi vừa thả được 2 ha. Để giảm thiểu dịch bệnh cho tôm, chúng tôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật như cày xới đáy ao, phơi khô, sau đó lọc nước ngâm đáy ao khoảng 3 - 5 ngày hút nước ra ngoài và phơi đáy cho đến khô nứt nẻ, bón vôi diệt các loại mầm bệnh.
Ao, đầm nuôi tôm của xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu đang được phơi để xử lý
Phường Quỳnh Xuân có 83 ha tôm, trong đó có 30 ha vùng nuôi tôm Vietgap tập trung ở vùng Hói Bù được đầu tư một số đoạn kênh mương, còn lại cơ bản là kênh đất. Do dùng chung một hệ thống kênh cấp, kênh thoát, không có hệ thống xử lý nước thải nên việc xả nước thải tràn lan ra các dòng sông là nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Ông Hoàng Ngọc Thủy, Trưởng phòng kinh tế thị xã Hoàng Mai cho biết thêm: Tôm vụ 1, thị xã Hoàng Mai thả trên 420 ha, hiện đã thu hoạch được 70%. Tôm vụ 2 dự kiến thả 350 ha, thời điểm này đã thả được 120 ha ở các phường Quỳnh Xuân, Quỳnh Liên… Khó khăn nhất hiện nay vẫn là vấn đề ô nhiễm nguồn nước, gây dịch bệnh cho tôm.
Trong khi hạ tầng vùng nuôi còn bất cập chưa được đầu tư. Giải pháp đặt ra hiện nay là khuyến cáo người dân thực hiện tốt lựa chọn tôm giống có nguồn gốc để hạn chế dịch bệnh, tập trung cải tạo ao nuôi, như nạo vét, phơi đáy ao, xử lý hóa chất. Trước khi tháo nước vào ao nuôi cần phải lắng lọc đảm bảo quy trình. Trong năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt dự án “nâng cấp hạ tầng đồng tôm” cho thị xã Hoàng Mai trị giá trên 61 tỷ đồng, góp phần hữu hiệu cải tạo nguồn nước cho bà con vùng nuôi tôm.
Ông Võ Văn Thắng ở Phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai đang xử lý hóa chất đáy ao cho tôm vụ một
Ông Hồ Đình Nhiệm xóm Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu trao đổi: Nuôi tôm vụ 2 khá bấp bênh, thời tiết diễn biến phức tạp, tôi nuôi 2 ha tôm, mới đây chúng tôi đã phát hiện các ao, tôm có biểu hiện như bị vi rút đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Chúng tôi đang tiến hành xử lý hóa chất theo chỉ đạo của cơ quan chuyên môn để diệt trừ vi rút.
Ông Nhiệm chia sẻ thêm: Các loại bệnh vi rút đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp thường xuyên bị ở vùng tôm. Mặc dù, trước vụ nuôi chúng tôi đã tiến hành xử lý ao đầm, tuy nhiên nguồn nước nuôi tôm ở đây bị ô nhiễm nặng nên người nuôi rất khó khăn.
Hệ thống sông Mai Giang cung cấp nước nuôi tôm cho Quỳnh Bảng nằm cuối nguồn nên bị bồi lắng, nên không được thau chua rửa mặn ô nhiễm nặng. Bể chứa nước tập trung phục vụ cho hơn 10 ha nuôi tôm đã bị hư hỏng.
Trong khi đó, nhiều diện tích nuôi tôm, người dân phải sử dụng máy bơm để lấy nước từ sông Mai Giang. Theo quy trình kỹ thuật cho loại hình nuôi tôm công nghiệp, thì ao lắng là một phần diện tích bắt buộc phải có. Song hiện ao lắng chưa được người nuôi quan tâm, hiện nay Cả xã Quỳnh Bảng chỉ có khoảng trên 20% số hộ nuôi có ao lắng.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: Tổng diện tích nuôi tôm địa bàn huyện Quỳnh Lưu đạt 460 ha (vụ I). Vụ 2 do diễn biến thời tiết phức tạp nên huyện chỉ nuôi 150 ha. Hiện tại đã tiến hành thả được gần 80 ha tôm ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh...
Hệ thống kênh mương ở đồng tôm phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai chủ yếu là kênh đất ô nhiễm nguồn nước dễ lây lan.
Trước đây Quỳnh Lưu chủ yếu thiết kế hạ tầng đơn giản để nuôi tôm sú, nay chuyển sang nuôi tôm thẻ, hạ tầng còn nhiều bất cập. Đặc biệt là hệ thống ao nuôi tôm chưa đồng bộ, nhiều hộ nuôi chưa có ao lắng, ao xả, khi xảy ra dịch bệnh thì cùng xả ra sông Mai Giang và lại lấy nước vào dịch bệnh lây lan nhanh. Chưa kể là hiện nay dọc sông Mai Giang có khá nhiều các cơ sở chế biến thủy sản, các nhà máy chế biến bột cá xả thải xuống gây ô nhiễm nguồn nước.
Để cải thiện nguồn nước, huyện Quỳnh Lưu đã đầu tư để xây dựng hạ tầng cho vùng nuôi tôm. Cụ thể là đầu tư kênh mương ở khu vực Trịnh Môn trị giá trên 40 tỷ đồng, tuy nhiên do thiếu vốn nên mới thi công được hơn 50% khối lượng. Huyện đang phấn đấu cuối năm 2016 tập trung thi công công trình hạ tầng tập trung phục vụ cho 3 xã nuôi tôm trọng điểm, gồm: Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương, Quỳnh Thọ...
Related news
Ngày 6-8, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết, địa phương vừa nhận được kết quả phân tích mẫu khuyếc biển từ Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.
Sáng ngày 4-8, tại UBND xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, Chi cục Thủy sản phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình “Nuôi thương phẩm lươn đồng bằng con giống nhân tạo”, thuộc dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống và phát triển mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng (giai đoạn 2014-2016)”, có hơn 50 người dân và cán bộ ở các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh tham gia.
Việc phát hiện hơn 800 sản phẩm thuốc, hóa chất thủy sản bị cấp chứng nhận trái luật vừa qua thực tế chỉ là phần nổi của một hiện tượng đã tồn tại rất lâu trong ngành thủy sản hiện nay. Đó là việc quản lý thị trường này dường như đã không theo kịp diễn biến.