Liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi vẫn kiểu mỳ ăn liền
Thực hiện liên kết chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ là một giải pháp quan trọng để gia tăng lợi nhuận và nâng cao sức cạnh tranh.
Hiện cả nước có 35/63 tỉnh, thành phố thực hiện liên kết trong chuỗi chăn nuôi. Tuy nhiên, mô hình liên kết này đang có nhiều bất cập, thiếu bền vững.
Các đối tác không thực hiện đầy đủ các cam kết vì chạy theo những lợi ích ngắn hạn trước mắt...
Một mô hình chăn nuôi lợn ở xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây cho hiệu quả kinh tế cao.
Chưa có sự chia sẻ lợi ích
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện nay có 35/63 tỉnh, thành phố đang triển khai hai hình thức liên kết đặc trưng trong chăn nuôi là liên kết theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất kinh doanh (liên kết ngang).
Hiệu quả của các liên kết chuỗi thể hiện rõ thông qua lợi nhuận bình quân, cụ thể:
Đối với mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô lớn 500 - 2.500 con/lứa cho lợi nhuận bình quân khoảng 220 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi quy mô vừa 100 - 500 con/lứa cho lợi nhuận khoảng 20 - 50 triệu đồng/lứa nuôi.
Tương tự, chuỗi liên kết gà thịt, gà trứng tại các tỉnh, thành phố cho giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với không liên kết.
Tuy nhiên, do thiếu chế tài ràng buộc nên sự liên kết còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, mới dừng ở dạng mô hình, một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi, khiến cho mối liên kết thiếu bền vững.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết: Việc kết nối với doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm cho các hộ còn khó khăn.
Do không có kế hoạch ký kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp tiêu thụ từ thời điểm bắt đầu nhập giống; tiêu thụ bán buôn qua thương lái, nên lợi nhuận thu về nông dân chỉ khoảng 20%, còn lại doanh nghiệp và thương lái.
Thực tế, quan hệ sản xuất theo phương thức liên kết sản xuất, liên kết chuỗi giá trị hiện vẫn là khái niệm mới đối với các hộ chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp dẫn đến việc xây dựng mối quan hệ này chưa đáp ứng được yêu cầu.
Việc tổ chức liên kết từ người sản xuất đến người chế biến và tiêu thụ sản phẩm rất khó do làm ăn nhỏ lẻ, không sẵn sàng chia sẻ lợi ích hay rủi ro. Ông Nguyễn Văn Bưởi, hộ chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì cho biết, hiện toàn huyện có 8.800 con bò sữa, năng suất sữa đạt bình quân 14 - 15kg/ngày.
Có 4 công ty thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ sữa cho nông dân trên địa bàn, trong đó Công ty cổ phần Sữa quốc tế IDP chiếm trên 73%.
Tuy nhiên, do việc thực hiện hợp đồng giữa công ty thu mua sữa với người dân không được thực hiện nghiêm túc; tình trạng mùa hè nhu cầu sử dụng sữa cao, doanh nghiệp thu mua nhiều, mùa đông tiêu thụ sữa giảm nên doanh nghiệp thu mua ít, trong khi sản lượng tăng đột biến vẫn xảy ra ở các địa phương.
Có thời điểm 10 - 15% lượng sữa sản xuất ra, nông dân không biết bán cho ai. Điều này cho thấy, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa có sự ràng buộc rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm nên người dân vẫn chịu thiệt.
Đầu ra vẫn không ổn định
Theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện nay, thành phố có 4 chuỗi liên kết về lợn thịt, 8 chuỗi liên kết gia cầm, 4 chuỗi liên kết hỗn hợp cả lợn thịt và gia cầm và một chuỗi liên kết bò sữa, 3.429 thành viên tham gia, 30 điểm giao dịch, 1.313 đại lý, điểm tiêu thụ sản phẩm.
Trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết chỉ tiêu thụ 392 nghìn quả trứng, 22,35 tấn thịt lợn, 10,75 tấn gia cầm, 150kg thịt bò, 100 tấn sữa. Nguyên nhân chính là do thị trường sản phẩm tiêu thụ bấp bênh, việc tiếp cận thông tin thị trường còn hạn chế.
Việc tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian đẩy giá bán lên cao. Mặt khác, người sản xuất còn bị tư thương ép giá. Việc khai thác thị trường trong nước và quốc tế còn yếu, nhất là việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Vì vậy, những mô hình này hiện vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển ở thị trường. Ngoài ra, nhiều chuỗi liên kết chưa xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm nên chưa tạo được dấu hiệu nhận biết sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Tình trạng đó dẫn đến sản phẩm chăn nuôi an toàn có nguồn gốc vẫn phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc trên thị trường về giá bán.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Green Food Hà Nội cho biết, do Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách riêng cho xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, gây trở ngại cho các hoạt động cần kinh phí để triển khai xây dựng chuỗi.
Đầu năm 2014, Công ty Green Food cho ra đời chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm thịt sạch để cung cấp ra thị trường, mở 8 cửa hàng tiêu thụ trong nội thành Hà Nội với kinh phí để mở cửa hàng lên tới trên 2 - 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, đến nay chuỗi tiêu thụ sản phẩm thịt của công ty đang phải đối mặt với không ít khó khăn về đầu ra; tiêu thụ với số lượng rất ít so với năng lực của chuỗi.
Vì vậy, chỉ còn 2 - 3 cửa hàng hoạt động cầm chừng, còn lại một số cửa hàng phải đóng cửa vì thu không đủ tiền thuê cửa hàng (hơn 10 triệu đồng/tháng).
Cùng chung cảnh ngộ này, ông Nguyễn Văn Thắng - chuỗi liên kết chăn nuôi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu (Sóc Sơn) với quy mô hàng trăm lợn thương phẩm, nuôi sạch bảo đảm chất lượng, nhưng do giá cao gấp 2 lần so với thịt lợn thông thường nên hiện trung bình mỗi ngày cơ sở lợn Bảo Châu chỉ giết mổ khoảng 1 - 2 con lợn để cung cấp cho thị trường.
Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ đã mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân và doanh nghiệp, giúp họ đưa ra thị trường những sản phẩm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay hoạt động của các chuỗi thực sự đang gặp khó khăn cần sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước thì các chuỗi mới tồn tại.
Related news
Theo Tổng cục Thủy sản, ước tổng sản lượng thủy sản tháng 1/2015 đạt 413.000 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 225.000 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng nuôi trồng tháng 1 đạt 188.000 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Năm 2013, giá cá tra tụt dốc thảm hại, doanh nghiệp thu mua cá thấp hơn giá thành sản xuất khiến nhiều hộ thua lỗ, treo ao, nợ ngân hàng bạc tỉ. Mặc dù, từ giữa năm 2014, giá cá tra bắt đầu phục hồi, tăng từ 21.000 - 24.000 đồng nhưng số lượng hộ và diện tích, ao nuôi cũng chưa được cải thiện.
Để khắc phục những tồn tại đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP”giai đoạn 2014 - 2016 nhằm hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ngày 30-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH Việt Nam (Công ty CP TH), thuộc Tập đoàn TH – THMilk, công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2013, xã vận động nông dân dồn điền đổi thửa, chuyển một số đất trồng mía sang trồng rau rồi thành lập tổ hợp tác (THT) Rau an toàn tại 3 thôn Ninh An, Phước Hưng Nam và Thạch Nham Tây, nhưng quy mô, hiệu quả nhất là vùng rau Ninh An.