Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống xác nhận 1

Liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống xác nhận 1
Author: KIm Sơ
Publish date: Thursday. April 20th, 2017

Việc xây dựng và phát triển mô hình liên kết nhóm nông dân trong nông hộ với DN trong sản xuất và tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1 tại các tỉnh miền Trung đã nâng cao diện tích sử dụng hạt giống xác nhận trong sản xuất đại trà, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế.

Mô hình giúp nông dân Phú Yên thay đổi tập quán sạ dày

Đạt mục tiêu

Ngày 17/4, tại huyện Tuy An (Phú Yên), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống xác nhận 1 của một số giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao tại các tỉnh miền Trung giai đoạn 2015 - 2017”.

Sau 3 năm thực hiện, dự án đã tổ chức triển khai 12 mô hình liên kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hạt giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao với quy mô 20 - 50ha/mô hình, tại 6 tỉnh duyên hải miền Trung, với tổng diện tích khoảng 800ha với 9 - 10 giống lúa gồm: Thiên ưu 8, VS1, BC15, TBR-1, HT1, BT7, OM4900, OM6976, ML48...

Ông Hà Văn Biên, Chủ nhiệm dự án (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, kết quả dự án đạt các mục tiêu đề ra về quy mô, năng suất và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, dự án triển khai phù hợp với chủ trương, định hướng của các địa phương về tăng cường đưa nhanh các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao nhằm né tránh thiên tai khắc nghiệt, nâng cao giá trị sản phẩm và chất lượng lúa gạo. Các giống lúa đưa vào sản xuất hạt giống xác nhận 1 phù hợp với định hướng sản xuất và cơ cấu giống lúa của địa phương.

“Năng suất lúa giống tại các mô hình triển khai đạt trung bình từ 5,2 - 8 tấn/ha (tùy giống), hạt giống đạt tiêu chuẩn xác nhận 1, đảm bảo cung cấp trên 3.800 tấn giống cho sản xuất đại trà. Tăng hiệu quả kinh tế từ 15 - 20% so với đại trà. Đồng thời đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất giống xác nhận cho khoảng 3.500 lượt nông dân trực tiếp tham gia mô hình và khoảng 720 nông dân ngoài mô hình...”, ông Biên chia sẻ.

Tham quan đầu bờ mô hình sản xuất giống lúa ML48, ông Ngô Trọng Hiếu, Giám đốc HTXNN thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) cho biết, lâu nay nông dân địa phương có thói quen sạ dày, với lượng giống từ 160 - 200kg/ha, chi phí đầu vào cao, thu nhập thấp. Khi tham gia dự án được hỗ trợ giống và kỹ thuật sản xuất, chỉ gieo sạ 5kg/sào (500m2). Không ngờ lúa sinh trưởng và phát triển tốt, không “dính” sâu bệnh, dự kiến năng suất đạt 68 -70 tạ/ha.

Ông Nguyễn Lý Nguyên, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, dự án rất thiết thực và hữu ích cho nông dân. Dự án đã giúp bà con trong tỉnh nâng cao nhận thức trong sản xuất, thay đổi thói quen dùng lúa thịt để gieo sạ, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, thu nhập.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong 3 năm triển khai dự án, tổng sản lượng hạt giống đạt tiêu chuẩn xác nhận 1 ước đạt hơn 5.260 tấn. Trong đó các đơn vị thu mua hơn 4.424 tấn, đạt 116,4%, vượt hơn so với yêu cầu dự án là 3.800 tấn.

Với kết quả đạt được, trong thời gian tới Sở NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương, HTXNN tuyên truyền và nhân rộng mô hình để bà con được hưởng lợi. 

Liên kết, tiêu thụ sản phẩm bền vững

Ông Trần Văn Khởi, Quyền GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, dự án giúp nông dân nâng cao kỹ năng sản xuất hạt giống, đặc biệt là tạo sự liên kết, tiêu thụ sản phẩm bền vững. Các đơn vị phối hợp tham gia dự án là DN chuyên sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, có thế mạnh về tài chính và các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác thu mua, chế biến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Bá Chinh, PGĐ Cty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam (một đơn vị tham gia dự án) thừa nhận dự án đã tạo mối liên kết sản xuất giữa DN, HTX, nông dân. Vì vậy, sau khi kết thúc dự án, Cty vẫn tiếp tục triển khai liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong SX lúa giống.

Qua tìm hiểu được biết, việc thu mua và tiêu thụ sản phẩm được các bên thông nhất sau khi thu hoạch, các đơn vị tổ chức thu mua và đưa vào chế biến lượng thóc giống xác nhận 1 do các hộ sản xuất theo giá cả đã thỏa thuận từ đầu vụ, đảm bảo hài hòa lợi ích của hộ nông dân và DN chế biến giống.

Theo ông Ngô Trọng Hiếu, đơn vị đang liên kết sản xuất giống lúa xác nhận 1 với Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ diện tích 15ha với hơn 100 hộ tham gia. Đơn vị cam kết thu mua lúa giống cho bà con với giá 1kg tươi bằng 1kg khô trên thị trường (lợi nhuận tăng 20 - 25%).

"Mục tiêu của dự án là sản xuất giống tại chỗ để cung ứng cho sản xuất lúa đại trà ở khu vực miền Trung, đào tạo và nâng cao trình độ canh tác cho bà con nông dân... Các DN ở phía Bắc sẽ vào liên kết, tiêu thụ sản phẩm cung ứng giống cho vụ mùa miền Bắc", ông Trần Văn Khởi.


Related news

Tình hình dịch cúm gia cầm và một số lưu ý đối với hộ chăn nuôi gia cầm Tình hình dịch cúm gia cầm và một số lưu ý đối với hộ chăn nuôi gia cầm

Hiện nay, dịch cúm gia cầm vẫn lác đác xảy ra ở một số nơi. Cả nước có 03 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 03 hộ chăn nuôi trên địa bàn 03 tỉnh

Wednesday. April 19th, 2017
Đồng Tháp đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ Đồng Tháp đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ

Sản xuất lúa hữu cơ nhằm nâng dần chất lượng nông sản, nâng cao giá trị hạt gạo, hạ giá thành sản phẩm giúp nông dân tăng lợi nhuận.

Wednesday. April 19th, 2017
Mẹo tạo phân bón cho cây từ rác thải, đồ ăn thừa Mẹo tạo phân bón cho cây từ rác thải, đồ ăn thừa

Thay vì sử dụng phân bón hóa học, các gia đình đều có thể tận dụng các loại rác thải nhà bếp như vỏ chuối, vỏ trứng, thức ăn thừa..., để làm phân bón tự nhiên

Wednesday. April 19th, 2017