Liên kết sản xuất hồ tiêu sạch, đạt chuẩn xuất khẩu
Vài năm nay, cây hồ tiêu miền Đông Nam bộ – Tây Nguyên chết hàng loạt, giá tiêu hạt giảm sâu, khiến hàng loạt nhà vườn lao đao.
Vườn tiêu tham gia dự án liên kết phát triển tốt, đạt chất lượng xuất khẩu.
Điệp khúc “trồng, chặt” tiêu lại diễn ra. Để giải bài toán này, chính quyền và người trồng tiêu ở Bình Phước đang nỗ lực cứu ngành hàng hồ tiêu bằng cách liên kết trồng tiêu sạch, tìm đầu ra ổn định.
Ồ ạt chuyển đổi
Bình Phước có hơn 17.000ha hồ tiêu, vượt quy hoạch 3.000ha. Nguyên nhân tăng do những năm 2014 – 2015, giá tiêu cao, lúc cao điểm lên đến 220 – 240 ngàn đồng/kg nên người dân ồ ạt trồng.
Việc trồng tiêu tự phát ở những diện tích đất không phù hợp, cây giống trôi nổi, và quan trọng hơn, biến đổi khí hậu khiến dịch bệnh hoành hành, hậu quả là hàng loạt vườn tiêu chết trắng. Bên cạnh đó, giá tiêu giảm sâu khiến nông dân bỏ vườn tiêu, không chăm sóc nên cây tiêu càng suy kiệt. Từ đó, hàng loạt nhà vườn chặt tiêu, trồng cây khác.
Ông Hồ Văn Nhật, ở ấp 8, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, có gần 4ha tiêu 10 năm tuổi, mấy năm nay, tiêu bắt đầu chết hàng loạt. Trong khi đó, năng suất giảm, giá tiêu cũng giảm sâu, gia đình ông ngày càng khó khăn hơn, ông quyết định chuyển đổi dần sang trồng cây ăn trái.
Ông Trần Xuân Thái, ở ấp 6B, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh là người thường tìm tòi, nghiên cứu bệnh chết nhanh, chết chậm và một số bệnh thường gặp trên cây tiêu, cho rằng, cây tiêu sinh trưởng tốt nếu đủ nước, vườn thông thoáng, không ứ đọng. Nhưng đất trồng phải phù hợp, và xử lý kỹ. Mặc dù vườn tiêu của ông vẫn “trụ” được, nhưng giá tiêu giảm tận đáy, thu không đủ chi, nên ông Thái cũng đang tính trồng cây khác.
Trước tình trạng tiêu chết hàng loạt, Sở KH- CN tỉnh Bình Phước đã mời các nhà khoa học về khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu nguyên nhân, tìm giải pháp đối phó bệnh trên cây tiêu. Tuy nhiên, vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp hữu hiệu, cụ thể điều trị cho cây tiêu. Người dân vẫn đang loay hoay tự cứu vườn tiêu bằng kinh nghiệm dân gian và khuyến cáo của các cơ quan chức năng.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, hiện Sở đã tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch chuyển đổi một phần diện tích cây tiêu sang một số cây trồng khác giá trị kinh tế cao hơn.
Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên trồng lại cây tiêu trên đất trồng tiêu đã chết vì quy mô trồng tiêu đã vượt hơn 3.000ha kế hoạch của tỉnh.
Trong dự án phát triển tiêu bền vững, Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam cam kết sẽ đồng hành với nhà nông về kỹ thuật cũng như thu mua hồ tiêu. Sở NN- PTNT đã đề nghị UBND các huyện, TX hỗ trợ nông dân thu hoạch tiêu. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân không nên bỏ thu hoạch, khiến hồ tiêu kiệt sức. Và không nên chuyển đổi ồ ạt sang trồng cây khác, sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, chỉ nên chuyển đổi những vườn tiêu trên đất quá trũng hoặc quá cao thiếu nước tưới tiêu vào mùa khô, năng suất kém.
Liên kết nông hộ SX hồ tiêu sạch, bền vững
Tại hội thảo tổng kết dự án “Tăng cường chất lượng hồ tiêu SX tại nông hộ ở tỉnh Bình Phước” được tổ chức mới đây, ông Trần Văn Phương, GĐ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bình Phước, cho biết: Tổng diện tích hồ tiêu của Bình Phước 17.178ha, lớn nhất nước. Hồ tiêu của tỉnh được đánh giá có chất lượng tốt nhất. Nhằm SX hồ tiêu sạch, bền vững, năm 2011, tỉnh đã có dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” giai đoạn 1 (2011 - 2015) do Tổ chức Phát triển Hà Lan thực hiện.
Đây là một trong những dự án tiên phong phát triển cây hồ tiêu theo chuỗi liên kết SX đến tiêu thụ sản phẩm. Dự án không chỉ giúp nông dân tiếp cận với phương thức canh tác bền vững, đảm bảo chất lượng sản phẩm, mà hạt tiêu của của các CLB hồ tiêu được Công ty Nedspice tiêu thụ, không phải qua trung gian, nhờ đó nâng cao giá trị; nâng cao thu nhập của người trồng tiêu.
Trong quá trình thực hiện dự án, năm 2017, một “tiểu dự án” cũng được triển khai, đó là “Chương trình hồ tiêu an toàn thực phẩm”, với sự hỗ trợ tham gia của Trung tâm Kiểm nghiệm, Giám định và Quan trắc môi trường Eurofms; tổ chức Asisst (Tập đoàn SGS Việt Nam).
Thu hoạch tiêu ở “thủ phủ” tiêu Lộc Ninh.
Theo đó, thực hiện nghiên cứu các nội dung về môi trường, mẫu đất, nước, lá tiêu, trái tiêu để kiểm tra tồn dư thuốc BVTV. Có 500 nông hộ trồng tiêu tham gia dự án được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của phân bón, thuốc BVTV trên cây hồ tiêu đối với sức khỏe con người.
Sau hơn 2 năm, kết quả nhóm nghiên cứu thu thập được cho thấy, khoảng 85% số nông hộ tham gia Chương trình tiêu an toàn thực phẩm có đạt tiêu chuẩn dư lượng thuốc BVTV và có thể XK sang châu Âu. Đồng thời, nhóm nghiên cứu tiếp tục đưa ra các khuyến cáo và các giải pháp đảm bảo sản phẩm hồ tiêu đạt tiêu chuẩn XK sang các thị trường khó tính. Đó là tuân thủ các bước như tăng cường bón phân chuồng ủ, cung cấp hệ vi sinh vật có ích; cân đối dinh dưỡng và bổ sung đầy đủ trung vi lượng theo nhu cầu của cây; sử dụng hiệu quả nhóm vi sinh vật đối kháng…
Được biết, dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” do Nedspice tài trợ trên diện tích 2.000ha, 1.500 hộ nông dân trồng tiêu tham gia. Hàng năm, Nedspice thu mua được hơn 10.000 tấn tiêu của nông dân Bình Phước. Mong rằng trong thời gian tới, Nedspice tiếp tục mở rộng quy mô dự án để nhiều hộ nông dân nữa tham gia dự án. Song song đó là xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ kiểu mẫu, xây dựng NM chế biến tại chỗ để tăng hiệu quả.
"Đối với các nông hộ trồng tiêu cần tuân thủ theo các quy chuẩn nghiêm ngặt, để tiến tới xây dựng thành công vùng nguyên liệu đạt chuẩn Organic”, bà Lê Thị Ánh Tuyết, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước nói.
Related news
Nhiều nông dân ở huyện Phú Tân, Cà Mau đã tận dụng diện tích bờ vuông tôm để thực hiện mô hình trồng rau má, có hộ thu gần 100 triệu đồng/năm.
Nông cụ do ông Phạm Văn Đậm ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vừa sáng kiến giúp nhà vườn cắt sạch cỏ trong chớp nhoáng.
Dù chỉ học hết lớp 9 nhưng với niềm đam mê máy móc, anh đã tìm tòi và chế ra sản phẩm trên.