Lên đời cho xoài, nhãn chinh phục thị trường khó tính
Nhãn xuất sang Mỹ, xoài đi Châu Âu
Ông Trương Văn Rồi – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nhãn Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết: HTX có 56ha/107ha nhãn Ido sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với sản lượng khoảng 500 – 600 tấn/năm. Mới đây, HTX rất vui mừng vì xuất khẩu được gần 100 tấn nhãn sang Mỹ thông qua một doanh nghiệp ở TP.HCM.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, nhiều loại nông sản là đặc sản của tỉnh đang có mặt trên thị trường thế giới. Đặc biệt là nhãn Châu Thành và xoài Cao Lãnh đã có mặt tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia...
“Nhờ tìm tòi trên mạng và được sự giúp đỡ của Phòng NNPTNT huyện Châu Thành, nhãn Ido của HTX đã được xuất ngoại. Tuy giá chỉ ở mức 35.000- 36.000 đồng/kg, nhưng đây là bước khởi đầu cho HTX vươn lên” – ông Rồi chia sẻ.
Theo ông Rồi, sau khi nhãn của HXT được thị trường Mỹ chấp nhận, ông cùng các thành viên trong HTX bàn tính nâng cao quy mô sản xuất, tăng diện tích nhãn Ido, giảm dần các loại nhãn thông thường vốn nhiễm bệnh chổi rồng.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, ngoài thị trường Mỹ, mới đây, Tập đoàn In Jea Hàn Quốc đã đến khảo sát thực tế tại nhiều vườn nhãn Ido tại huyện Châu Thành. Qua khảo sát, đoàn đánh giá cao chất lượng trái nhãn Ido tại đây (mẫu mã, chất lượng và độ đồng đều). Theo đó, Tập đoàn In Jea hứa hẹn sẽ là kênh tiêu thụ đầy tiềm năng cho nhãn Châu Thành trong thời gian tới. “HTX đang triển khai lấy ý kiến xã viên, nhà vườn để thống nhất cách làm trong quá trình đàm phán ký kết với Tập đoàn In Jea” – ông Rồi cho hay.
Như nhãn Ido, người dân trồng xoài cát Hoà Lộc tỉnh Trà Vinh cũng rất phấn khởi vì lần đầu tiên loại trái này nhận được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP. Đơn vị nhận được chứng nhận trên là trang trại Long Sơn, xã Long Sơn, huyện Châu Thành.
Ông Thân Trọng Việt - đại diện trang trại Long Sơn cho hay: “Trang trại trồng gần 24ha xoài cát Hòa Lộc, đạt sản lượng khoảng 70 tấn/năm. Sau thời gian dài kỳ công học hỏi, chăm sóc chặt chẽ, mới đây, trang trại đã nhận được chứng nhận GlobalGAP. Sau khi có được “giấy thông hành” trên, trang trại đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu xoài sang châu Âu”. Cũng theo ông Việt, nhờ tuân theo quy trình sản xuất chặt chẽ từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản, cùng với cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, ghi chép sổ sách theo quy định; đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc nên thời gian qua, xoài của trang trại đã tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, chợ đầu mối nông sản...
Tín hiệu vui cho nông nghiệp sạch
Ông Phan Văn Sum – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành cho biết: Toàn huyện có hơn 3.270ha nhãn, (chiếm trên 50% diện tích vườn cây ăn trái của huyện). Riêng nhãn Ido có khoảng 1.000ha. Việc HTX nhãn Châu Thành xuất nhãn sang Mỹ là thông tin rất vui cho nhà vườn.
“Đây là thị trường đầy tiềm năng nhưng rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Do áp dụng quy trình canh tác theo hướng an toàn của tiêu chuẩn VietGAP mà nhãn Châu Thành đã vượt qua “rào cản”, bước vào thị trường khó tính. Đây cũng là kết quả bước đầu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà tỉnh đang tiên phong thực hiện” – ông Sum giải thích.
Theo phóng viên tìm hiểu, năm 2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ chính thức cho nhập khẩu nhãn. Theo đó, Trung tâm Kiểm dịch thực vật Mỹ đã đến vùng nguyên liệu nhãn Châu Thành khảo sát điều kiện sản xuất nhãn Ido của HTX nhãn Châu Thành và đã cấp mã (code) cho các chủ vườn nhãn. Sau đó, UBND huyện chỉ đạo ngành chuyên môn hỗ trợ HTX, hướng dẫn sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau khi những mẫu nhãn được gửi sang Mỹ để kiểm tra, nhãn nơi đây đã đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Về chứng nhận GlobalGAP của trang trại Long Sơn, ông Dương Văn Đởm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Cầu Ngang cho biết: “Đó là thành quả của thời gian dài nỗ lực của trang trại. Ngoài việc giúp dễ tiêu thụ, tăng giá trị xoài trong trang trại, việc được chứng nhận GlobalGAP còn giúp trang trại có thêm động lực mở rộng quy mô, giúp người dân trồng xoài khác trong huyện có cái nhìn mới về hướng sản xuất an toàn”.
“Sản xuất đạt chuẩn GlobalGAP là hướng đi giúp nông dân trong tỉnh nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, giải được bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân; qua đó đã góp phần khẳng định hướng đi tỉnh trên con đường làm giàu từ nông nghiệp sạch. Hiện tỉnh Trà Vinh có hơn 3.000ha xoài”- ông Lê Văn Bé - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh thông tin.
Related news
Trong tiết heo may của những ngày cuối tháng Tám âm lịch, khi các vùng trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã cơ bản thu hoạch xong thì tại Khoái Châu vẫn còn nhiều diện tích đang thu hoạch rộ, với khoảng 3.000 tấn đang được bán với giá cao.
Những con lợn được cho ăn tảo xoắn tươi này có chất lượng thịt thơm ngon. Thịt đặc biệt sạch nên sau khi chế biến, thịt ướp không bị đóng nước, nước luộc thịt trong, có mùi thơm, không bị nổi bọt, mỡ giòn.
Đó là chia sẻ của ông Dương Văn Tô (ảnh) - Giám đốc Sở NNPTNT, kiêm Phó Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Ngãi với NTNN về những kết quả đạt được trong xây dựng NTM tại Quảng Ngãi.