Lập Nghiệp Từ Cánh Đồng Hoang
Đến phường Hà An (TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), hỏi ai cũng biết ông Nguyễn Văn Khang, một tấm gương nỗ lực vượt khó và là hộ sản xuất kinh doanh giỏi điển hình trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ nằm giữa đầm nuôi trồng thuỷ sản rộng mênh mông tại khu 12, phường Hà An, ông Khang kể cho chúng tôi nghe quá trình lập nghiệp từ nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2005, vị trí ao đầm hiện tại của gia đình ông chỉ là đồng đất hoang hoá, cỏ lau mọc đầy.
Thấy vậy, ông đã đề nghị với chính quyền xã Hà An, nay là phường Hà An xin được khai hoang để phát triển kinh tế gia đình. Xem xét thấy đồng đất này không phù hợp với trồng trọt nên ông đã mạnh dạn đầu tư số vốn dành dụm bao năm của gia đình để đào 1ha đất, đắp đầm nuôi cá trắm và rô phi. Do chưa có kinh nghiệm nên trong vụ đầu thu hoạch cá, gia đình ông chỉ hoà vốn mà không có lãi.
Quyết tâm không bỏ cuộc, ông tiếp tục mày mò, học hỏi kiến thức nuôi trồng thuỷ sản từ sách, báo và qua những kinh nghiệm thực tế từ những hộ nuôi trồng thuỷ sản ở các địa phương. Khi đã tự tin hơn về kiến thức nuôi trồng thuỷ sản, ông tiếp tục mở rộng và đầu tư 7ha ao đầm để nuôi cua, cá vược.
Hàng năm, gia đình ông thả nuôi với số lượng con giống từ 3.000-4.000 tôm, cua, cá với sản lượng thu hoạch khoảng 4 tấn, mang lại lợi nhuận trung bình 550 triệu đồng/năm cho gia đình. Đặc biệt, sản phẩm thuỷ sản của gia đình ông bắt đầu có thương hiệu trên thị trường, được tiêu thụ tại Big C Hạ Long, một số siêu thị, nhà hàng lớn trên địa bàn TX Quảng Yên và TP Hạ Long.
Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm nuôi trồng thuỷ sản, ông Khang cho biết: “Qua thực tế tôi rút ra kinh nghiệm rằng, việc cải tạo ao đầm, đảm bảo vệ sinh môi trường nước là khâu quan trọng hàng đầu. Bởi, dịch bệnh đối với nghề nuôi thuỷ sản, nhất là nuôi quảng canh rất khó chữa trị.
Vì thế phải nắm chắc kỹ thuật và áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng. Cùng với đó thì con giống cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Con giống có tốt thì sức đề kháng sẽ tốt, ít rủi ro hơn và cho thành phẩm tốt hơn”. Với những kinh nghiệm trong nuôi trồng thuỷ sản, thời gian qua ông Khang rất nhiệt tình hướng dẫn bà con chòm xóm kiến thức cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng. Ông còn nhiệt tình “bắt bệnh” khi ao đầm của bà con trong phường có biểu hiện dịch bệnh để kịp thời chữa trị.
Với vai trò là Hội trưởng Hội Nghề cá, ông còn duy trì hiệu quả hoạt động của Hội, thường xuyên tạo điều kiện cho 22 hộ là thành viên của Hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế từ nuôi trồng thuỷ sản; tổ chức cho thành viên tham quan các mô hình nuôi trồng tại nhiều địa phương khác. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, ông Khang còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động do địa phương phát động.
Hiện nay, mô hình nuôi trồng thuỷ sản của gia đình ông Nguyễn Văn Khang đã được nhân rộng trên địa bàn thị xã. Riêng tại phường Hà An, bà con đã chuyển đổi 156ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản tập trung. Nhiều hộ đã mạnh dạn đưa những con giống có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng nên cho sản lượng và chất lượng tốt.
Nguồn bài viết: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201412/tren-que-huong-bach-dang-giang-lap-nghiep-tu-canh-dong-hoang-2252313/
Related news
Do đầu tư sai quy trình, sử dụng giống cà phê kém chất lượng hay già cỗi đã làm cho năng suất, sản lượng cà phê trên địa bàn huyện Đức Cơ (Gia Lai) giảm dần qua các năm. Vì vậy, tái canh cây cà phê là giải pháp được ngành Nông nghiệp huyện tập trung thực hiện.
Thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) có chiều dài bờ biển trên 43km. Đây là một vùng đất pha cát, đất giồng, rất phù hợp với việc phát triển hoa màu. Ngoài đặc sản hành tím, Vĩnh Châu còn là nơi nổi tiếng về đặc sản củ cải trắng.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa gạo lớn nhất của cả nước và đóng vai trò quyết định an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, việc nông dân canh tác lúa theo phương pháp truyền thống làm phát sinh tình trạng phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống.
Tại hội thảo triển khai liên kết trồng gấc theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Bình Phước diễn ngày 6-5, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phan Văn Đon cho biết: Hội thảo mở ra hướng đi mới về gắn kết doanh nghiệp với nông dân trong thực hiện liên kết trồng gấc chuỗi giá trị.
Diện tích cây mắc ca ở các tỉnh Tây Nguyên đang tăng lên chóng mặt trong khi hiệu quả từ loài được cho là “cây tỉ đô” này lại không như kỳ vọng Khảo sát tại nhiều vườn mắc ca của người dân ở Đắk Lắk và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy cây ra hoa nhiều, cho rất ít trái, rụng nhiều.