Lập bản đồ vùng nuôi, xuất khẩu cá tra
Giải cứu vì dư thừa
Trong những ngày qua, dư luận tiếp tục quan tâm đến mặt hàng hành tím ở Sóc Trăng. Bởi hành tím vừa thoát nạn nhờ sự “giải cứu” của cộng đồng, thì nay nông dân Sóc Trăng lại không ngại ngần tái đầu tư cho vụ mùa mới. Điều này cũng không có gì khó hiểu. Bởi không trồng hành tím thì nông dân sẽ trồng cây gì đây? Ngay cả chính quyền cũng lúng túng, vì chuyển đổi cây trồng phải gắn với hàng loạt chủ trương, chính sách: tìm đầu ra, đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng trồng trọt, khuyến nông, cung cấp vốn cho nông dân… Sự bế tắc đầu ra hành tím cũng là sự bế tắc đầu ra một thời của con cá tra ở ĐBSCL. Cách đây khoảng 15 năm, con cá tra đã thăng hoa từ những hộ nuôi ven sông Hậu. Từ đó, người ta đổ xô vào nuôi cá và xây dựng nhà máy thủy sản. Dù đối diện không ít lần kiện tụng của nước ngoài thông qua các “hàng rào kỹ thuật”, nhưng con cá tra vẫn là mặt hàng chiến lược xuất khẩu của Việt Nam.
Điều làm người ta đau đầu chính là quản lý sản lượng vùng nuôi. Cách đây khoảng 8 năm, đích thân Thủ tướng Chính phủ phải chủ trì họp trực tuyến để giải cứu cá tra quá lứa ở ĐBSCL. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), nhớ lại: Thời điểm đó, nếu thống kê công suất từ các nhà máy là 7.400 tấn/ngày, thì sản lượng đã đạt 2 triệu tấn. Tuy nhiên, thống kê từ các địa phương thì sản lượng chỉ có 1 triệu tấn. Chuyện cá tra ùn ứ, kéo theo giá cá tra tăng - giảm thất thường là đương nhiên. Thời điểm đó, một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang đã kêu thán: “Vấn đề nằm ở chỗ làm sao để thống kê chính xác sản lượng nuôi? Tất nhiên, thời điểm đó vùng nuôi cá tra đã có những quy hoạch hẳn hoi. Nhưng ai là người kiểm tra, kiểm soát vùng nuôi thì vẫn bỏ ngỏ. Vì vậy, câu chuyện “cá tra nằm trên thớt” khi sản lượng dư thừa là không khó hiểu. Sản lượng dư thừa nên doanh nghiệp dễ thao túng thị trường, dẫn đến nhiều hệ lụy: cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu, bán phá giá…”.
Câu chuyện vùng nuôi cá tra đang là vấn đề nóng, đáng quan tâm. Bởi đầu tư nuôi cá tra hiện nay không chỉ là vài chục hay vài trăm triệu đồng, mà mỗi người nuôi phải bỏ hàng tỉ đồng vào đó. Một lần “cá tra bị gãy” là gắn với những vụ phá sản. Thực tế, không chỉ nông dân mà một số nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra đã phá sản, lâm vào cảnh nợ nần.
Chống gây nhiễu và thao túng
“Xuất khẩu cá tra trong 6 tháng đầu năm 2015 có giảm nhưng tình hình đang khả quan tăng trở lại”, ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết. Theo đó, ĐBSCL đã thu hoạch 1.857/1.959ha cá tra thả nuôi, sản lượng đạt gần 520.000 tấn từ đầu năm đến nay. Giá cá tra dao động từ 19.000-24.500 đồng/kg. Tình hình vùng nuôi nguyên liệu đã có những bước tiến đáng kể khi doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra theo quy định của Nghị định 36. Từ đầu năm đến nay đã có 184 doanh nghiệp xuất khẩu với 14.523 hồ sơ đăng ký xuất khẩu gần 480.000 tấn.
Từ tháng 6-2015, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã triển khai cho các doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu và thu thập dữ liệu về vùng nuôi, bước đầu đã gắn được “bộ định vị” cho con cá tra ĐBSCL. Theo đó, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra đã giúp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo sự công khai, minh bạch đối với thị trường cá tra và tăng thêm lợi ích cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lẫn hộ nuôi. Sau khi thu nhận thông tin về vùng nuôi và hợp đồng xuất khẩu cá tra, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có được bộ dữ liệu ban đầu bao gồm danh sách doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường, giá bán, thông tin về vùng nuôi, hộ nuôi… Từ đó, tất cả thông tin về thị trường sẽ trở nên rõ ràng, cụ thể, có lợi cho doanh nghiệp vì thống kê và dự báo trước được số liệu để cân đối cung cầu, hỗ trợ phát triển bền vững ngành cá tra; đồng thời thực hiện được truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của thị trường nước ngoài, giải quyết tình trạng bán phá giá. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nào muốn gây nhiễu để thao túng giá trên thị trường cá tra cũng sẽ không làm được vì thông tin và dự báo sắp tới cho thị trường đã có.
Theo ông Võ Hùng Dũng, đến nay Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có dữ liệu ban đầu về 900/5.000ha nuôi cá tra. Các số liệu này dần sẽ hoàn thiện khi các doanh nghiệp và hộ nuôi đăng ký vùng nuôi với Hiệp hội. Điều này sẽ góp phần thống kê chính xác hơn về diện tích, sản lượng nuôi cá tra ĐBSCL. Từ đó, giúp khả năng dự báo để cân đối cung - cầu, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của thị trường nước ngoài tốt hơn. Đây cũng là cơ sở để loại bỏ tình trạng gây nhiễu, thao túng giá trên thị trường cá tra khu vực ĐBSCL.
Sau gần 15 năm xuất khẩu, cá tra được nhận định là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của quốc gia. Dù trước mắt nuôi và xuất khẩu cá tra vẫn đối diện nhiều thách thức. Nhưng việc “định vị được bản đồ” vùng nuôi cá tra sẽ là tiền đề quan trọng nghề nuôi và xuất khẩu cá tra phát triển bền vững. Và mong rằng, sẽ không còn những cuộc giải cứu “hành tím” như vừa qua !
Related news
Vải Lục Ngạn (Bắc Giang) là đặc sản có tiếng, tuy nhiên ngoài việc tiêu thụ trong nước, loại quả này lâu chỉ có Trung Quốc là thị trường chính. Năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất tốt, nhưng đi kèm với đó là nỗi lo được mùa mất giá.
Sáng ngày 24/11/2014, Trạm khuyến nông huyện Châu Phú tổ chức hội thảo mô hình trồng bắp thu trái non kết hợp chăn nuôi bò tại hộ anh Trần Văn Mỹ ấp Mỹ Quí xã Mỹ Phú. Buổi hội thảo có đại diện công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang, các ngành chuyên môn của huyện và hơn 50 bà con nông dân trong huyện đến dự.
Số diện tích này là do xã vận động 971 hộ dân góp đất tham gia dự án. Xã đã giao thầu toàn bộ diện tích ao nuôi cho các doanh nghiệp: Công ty TNHH Việt Tiến, Công ty TNHH Thái Bình Dương và Công ty CP Hoàng Gia để tổ chức sản xuất.
Hai thủ phủ trồng cây cacao lớn nhất là Bến Tre và Đắk Lắk đang cố gắng vực dậy loại cây trồng này, vì thời gian qua người trồng đã chặt bỏ với diện tích hơn 50%. Chẳng hạn, tại Bến Tre, trước đây có gần 10.000 ha cacao thì này giảm còn 5.000 ha, còn tại Đắk Lắk trước đây diện tích loại cây trồng này lên đến 6.000 ha thì nay giảm mạnh còn khoảng 2.000 ha.
Theo số liệu của phòng NN&PTNT huyện, đến nay đã có 6,29 ha tôm bị bệnh, trong đó có 5,29 ha bị bệnh đốm trắng (Quảng Ngạn Quảng Phước, thị trấn Sịa) và 1 ha bị bệnh môi trường (Quảng Phước).