Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làng thoát nghèo nhờ nuôi dê

Làng thoát nghèo nhờ nuôi dê
Author: ANH DUY
Publish date: Friday. June 17th, 2016

Theo tuyến đường Khai Long, hỏi người dân sống ở khu vực Rạch Thọ, ai cũng biết về trang trại nuôi dê của ông Lê Văn Mười Lớn. Kể về việc trở thành người đầu tiên ở Đất Mũi nuôi dê, người đàn ông sinh năm 1971 với vẻ chất phác và nụ cười hiền hậu cho biết, sau con tôm, con nghêu, con hàu, thì con dê đã tham gia xóa nghèo hữu hiệu cho người dân ở nơi này. Năm 2013, chính quyền xã Đất Mũi quyết định chọn con dê để hỗ trợ cho hộ nghèo ở ấp Rạch Thọ và một số hộ ở ấp Khai Long làm kinh tế. Lúc đầu chỉ là phong trào nuôi kiểu “làm cảnh” một hoặc hai con dê nái. Từ từ, thấy nuôi dê có hiệu quả, anh Mười Lớn quyết định tăng đàn dê trung bình khoảng 50 con/lứa. Nhiều hộ ở địa phương được anh bán dê giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Qua hơn 3 năm, đàn dê của hợp tác xã nuôi dê Rạch Thọ tăng lên hơn 500 con, với gần 30 hộ áp dụng; nhiều hộ trước đây thuộc diện nghèo, nay đã trở nên khấm khá.


Trang trại nuôi dê của ông Lê Văn Mười Lớn (ấp Khai Long), trung bình khoảng 50 con/lứa.

Bà Nguyễn Thị Hên, xã viên hợp tác xã mới gầy dựng đàn dê 26 con, cho biết: “Mảnh đất nhà tôi trước đây nổi tiếng về các loại cây ăn trái, nhưng biến đổi khí hậu đã tàn phá cây trái chết khô, đời sống hết sức khó khăn. Thấy mô hình nuôi dê của ông Mười Lớn có hiệu quả nên tôi quyết định chuyển qua nuôi dê. Dê rất dễ nuôi vì ăn tạp, ăn lá mắm, lá đước có tại chỗ, rất mau lớn. Một con dê nái đến 6 tháng tuổi là mang thai, mỗi lần đẻ từ 2 - 3 con, 5 tháng sau dê đẻ lứa kế tiếp. Dê con từ 3 - 6 tháng có thể bán thịt, trọng lượng đạt từ 20 - 40 kg/con”. Hiện nay, thương hiệu “dê Đất Mũi” được nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh biết đến với nhu cầu tiêu thụ với sản lượng lớn, rất ổn định, giá cả khá hấp dẫn. Hiện giá dê thịt từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Riêng với dê nái tơ, tốt, đẹp để làm giống, có giá khoảng 15 triệu đồng/con.


Lá mắm, lá đước là nguồn thức ăn tại chỗ cho dê.

Không chỉ ở xã Đất Mũi mà nhiều hộ ở các xã lân cận: Viên An, Tân Ân... cũng đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi dê. Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, Hội đã chỉ đạo các Hội địa phương xây dựng cho người dân nhiều mô hình mới để áp dụng, nhân rộng. Trong đó, mô hình nuôi dê nhốt chuồng của hợp tác xã nuôi dê ấp Rạch Thọ mang lại hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, Hội tổ chức tập huấn kỹ thuật, nhân rộng mô hình trên địa bàn, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp con giống; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi dê; vận động các hộ dân chăn nuôi mạnh dạn lai tạo, chuyển đổi con giống nhằm cải thiện đàn dê có chất lượng hơn. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn để thực hiện mô hình, góp phần giúp bà con thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.


Related news

Làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp Làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp

Không chỉ làm giàu cho mình, anh Thơm còn động viên, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con quanh vùng.

Saturday. June 11th, 2016
Nên nghiệp lớn, thu trăm triệu mỗi năm nhờ… con cua Nên nghiệp lớn, thu trăm triệu mỗi năm nhờ… con cua

Để có được thu nhập hàng trăm triệu từ nuôi cua, ông Hoàng Thế Lộc (thôn Hoà Lâm, xã Hòa Long, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) đã từng còng lưng ngoài đồng nhiều ngày trời, chỉ để “rình” cua kiếm ăn, tìm mồi như thế nào để... áp dụng vào ao nuôi của mình.

Wednesday. June 15th, 2016
Nuôi trâu làm nên cơ nghiệp Nuôi trâu làm nên cơ nghiệp

Theo lời giới thiệu của cán bộ Hội Nông dân xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Thanh Bình (sinh năm 1981) ở ấp 2, An Phước. Vừa làm công nhân tại Nông trường Cao su Trần Văn Lưu vừa chăn nuôi trâu sinh sản, anh Bình trở thành tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, đi lên từ chính nghề nuôi trâu.

Thursday. June 16th, 2016