Làm thuốc từ cây na
Là loại quả nhiều dinh dưỡng, giàu dược tính nên trong Đông y còn sử dụng na làm thuốc trị nhiều bệnh chứng khác nhau.
Cây na còn gọi là phan lệ chi, sa lê, mác kiếp hay mãng cầu (cách gọi riêng của các tỉnh phía nam), tên khoa học Annona Squamosa thuộc họ Annonaceae. Có mùi thơm ngon đặc biệt khi ăn nhất là loại na dai; là loại quả nhiều dinh dưỡng, giàu dược tính nên trong Đông y còn sử dụng làm thuốc trị nhiều bệnh chứng khác nhau.
Quả na cũng đã được phân tích thành phần thấy chủ yếu chứa đường glucose khá cao 72%, tinh bột 1,73%, protide 2,7%, vitamine C… Lá na chứa tinh dầu 0,08%, trong hạt chứa tinh dầu 40%, trong đó các acide béo chiếm tỷ lệ lớn. Vỏ và rễ cây na có chứa acide hydrocyanic…
Đông y cũng cho rằng na có vị ngọt hơi chua tính ấm, có tác dụng hạ khí tiêu đàm, chữa kiết lỵ… Quả na chín có công dụng bồi bổ cơ thể rất tốt đối với người già, người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh… Còn quả na điếc tức là quả na khi còn non bị nấm làm hỏng, xác khô, màu nâu đỏ tím được dùng trị mụn nhọt ở vú phụ nữ, chữa ho, viêm họng… Ngoài ra trong dân gian còn sử dụng hạt na để diệt chấy rận, lá na trị sốt rét kinh niên, bong gân, rễ và vỏ cây na dùng làm thuốc tẩy giun…
Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu cách trị một số bệnh từ na như sau:
* Chữa sưng vú: Lá na 1 nắm, giã nát cùng với lá bồ công anh đắp vào chỗ vú sưng. Ngày thay 1 lần.
* Chữa bong gân chấn thương: Lá na 20g, quả đu đủ xanh 10g, Vôi tôi 5g, Muối ăn 5g, tất cả giã chung cho nát rồi hơ lửa cho nóng đắp vào vùng tổn thương. Ngày đắp 1 lần.
* Tẩy giun đũa: Rễ na 30 – 50g, thái nhỏ, rửa sạch, sao qua, sắc lấy nước đặc uống 1 lần vào buổi sáng.
* Bồi bổ cho người già, người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh: Na chín ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 quả.
* Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Dùng quả na điếc 20g, đốt cháy tồn tính, cỏ Lào ngọn non 50g, gạo tẻ 30g rang thật vàng, cho tất cả vào sắc uống, ngày 1 thang chia 3 lần,
* Trị nhọt vú: Lấy quả na điếc phơi khô tán bột, hòa với giấm, lấy nước hỗn hợp này hằng ngày bôi nhiều lần vào chỗ nhọt.
* Chữa răng bị đau nhức: Lấy hạt na giã nhỏ ngâm rượu, rồi lấy rượu đã ngâm hạt na ngậm vào chỗ răng sưng đau, sau ngậm chừng 10 – 15 phút thì nhổ nước này đi. Ngày cần ngậm vài ba lần.
* Trị chấy rận: Lấy nước hạt na giã ngâm rượu đặc cho lên đầu tóc, sau ủ kín bằng vải trùm đầu để chừng 30 phút thì gội đầu. Cũng lấy dung dịch rượu ngâm hạt na này cho vào quần áo ngâm.
* Trị viêm họng: Quả na điếc 50g, sinh địa 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, lá bạc hà 50g, cam thảo dây 25g, lá chanh 25g, lá táo 25g. Tất cả phơi khô (riêng quả na điếc đốt tồn tính), và cùng giã nhỏ tán bột mịn, rồi trộn với 150g đường kính đã nấu thành xi rô làm thành hoàn mỗi viên nặng 0,5g. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 3 – 4 viên. Trẻ em tùy tuổi mà ngày uống từ 3 – 6 viên chia 2 lần. Cần uống 3 – 5 ngày.
* Chữa sốt rét: Quả na điếc 40g, giun đất (loại khoang cổ) 80g, phèn phi 20g, quả na điếc đập vỡ vụn, tẩm rượu sao vàng, giun đất lộn ruột ra ngoài, rửa sạch và tẩy rượu, phơi khô, sao vàng. Hai thứ lại trộn với phèn phi, tán bột mịn và luyện với nước tỏi làm hoàn bằng hạt đậu xanh, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 viên.
Hoặc lấy lá na 20 – 30g, giã nhỏ, chế thêm nước vắt lấy 1 bát nước cốt, lọc qua vải, phơi sương, sang ngày sau cho chút rượu khuấy và uống trước khi lên cơn sốt rét khoảng 2 giờ. Mỗi ngày uống 1 lần, cần uống liền từ 5 – 7 ngày.
Related news
Xây dựng hệ thống giám sát và kiểm soát nông trại, hướng đến giảm thiểu rủi ro và nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp (SXNN) chính là ý tưởng khởi nghiệp
Giống lê LMN1 do Th.S Đỗ Sỹ An, PGS.TS Lê Quốc Doanh và cộng sự, chọn tạo từ nguồn giống Đài Loan nhập nội, được Bộ NN-PTNT công nhận, cho phép sản xuất thử từ
Theo ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Yên thì cây dâu tằm đang là một trong những cây trồng chủ lực trong quá trình tái cơ cấu ngành