Làm Phòng Máy Lạnh Nuôi Lợn
Với quyết định táo bạo làm phòng máy lạnh nuôi lợn, thu nhập của chị Ngô Thị Chúc (46 tuổi) ở thôn Nam Sơn, Hoà Tiến, Hoà Vang, Đà Nẵng) đã tăng gấp đôi.
Lập gia đình, chồng làm ở xã, lương ba cọc, ba đồng, chị Chúc làm đủ thứ việc mà gia cảnh vẫn túng bấn. Khi 3 đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống càng khó khăn hơn. “Trong đầu tôi lúc nào cũng suy nghĩ phải làm cái gì đó để chồng con bớt túng thiếu, chứ sống thế này khổ quá”- chị Chúc kể.
Đưa hoa cúc về đồi hoang
Một lần lên Đà Lạt thăm người quen, thấy bà con ở đây trồng hoa cung cấp cho cả nước, chị nghĩ sao mình không mua giống về quê trồng. “ND quê tôi trồng trọt đã quen nhưng trồng hoa thì chưa bao giờ. Nhiều người can lắm nhưng tôi vẫn quyết tâm làm”. Chị mua giống hoa cúc về quê kiếm đất trồng thử. Trồng qua vài vụ là chị quen và quyết định?thuê 13.500m2 đất lâu nay để hoang trong thời hạn 50 năm để làm trang trại. Thuê được đất, cả nhà mừng lắm, đổ công sức, tiền bạc cải tạo thành trang trại trồng hoa cúc. Mùa hoa nở, cúc vàng rực cả một vùng, ai nhìn cũng thích. Đến năm 2003, mỗi lứa cúc chị trồng tới 3 vạn cây. Mỗi năm trồng 2 lứa, lãi hàng chục triệu đồng.
Thấy chị trồng cúc, nhiều người ở địa phương trồng theo. Diện tích cúc lớn hơn, nhưng khách hàng lại ít dần. Không bán sỉ cho khách hàng ngay tại trang trại được, chị mang hoa xuống chợ Đà Nẵng bỏ mối. 12 giờ đêm chị theo xe chở hoa xuống Đà Nẵng giành chỗ bán. “Nếu đi trễ, những chỗ thuận tiện người ta giành hết, mình không có chỗ bán, hoa bầm giập, hỏng hết” – chị kể. Thấy tình hình sản xuất và mua bán không còn thuận lợi, chị Chúc quyết định thôi trồng cúc.
Lắp máy lạnh nuôi lợn
Nghỉ trồng hoa hôm trước, hôm sau chị đã bàn với chồng việc nuôi lợn gia công cho Công ty C.P Đà Nẵng. Công ty đưa ra nhiều điều kiện về quy trình nuôi, về xử lý môi trường rất nghiêm ngặt, chị chấp nhận hết. Chị vét hết vốn liếng, mượn thêm bạn bè và vay ngân hàng 400 triệu đồng (lãi suất 21%/năm) đầu tư 2 trại nuôi lợn. Để đảm bảo môi trường, chị làm hầm biogas xử lý chất thải. Công ty C.P Đà Nẵng đến kiểm tra, thấy đáp ứng yêu cầu, cấp con giống, thức ăn chăn nuôi… cho chị. Lứa đầu, chị nuôi 700 con.
Anh Trần Đình Nhơn - chồng chị Chúc kể: “Lúc đi bán hoa ở chợ Đà Nẵng nghĩ đã vất vả nhưng không ngờ nuôi lợn còn vất vả hơn. Khi trước, thức chỉ nửa đêm về sáng và chỉ trong mấy ngày là thu hoạch xong hoa, còn bây giờ thức trắng cả đêm, mà thường xuyên như vậy. Hơn nửa tỷ bạc bỏ ra, không chăm lo, lỡ có chuyện gì không biết đi đâu mà sống. Nuôi được 1 năm, đến năm 2006 gặp bão Xangsane, 2 trại cái sụp, cái đổ… vợ chồng ngồi nhìn mà rơi nước mắt”.
Khi ấy, anh Nhơn đã nản lòng nhưng chị Chúc thì không. Chị lại vay mượn bạn bè sửa sang, đầu tư và nuôi lợn trở lại. Liên tiếp mấy năm sau, không có thiên tai, đàn lợn phát triển tốt, tiền nuôi gia công được trả cao nên nợ ngân hàng và bạn bè lần lượt được chị trả hết. Năm 2011, chị đầu tư thêm một trại nuôi thứ 3 quy mô lớn, và đặc biệt là trại có gắn hệ thống làm lạnh –mô hình chăn nuôi chưa hề có ở Hoà Tiến vào lúc đó. Trại này nuôi được 800 con, trang bị hệ thống cho ăn, cho uống tự động…
Các vật liệu xây dựng trại, như hệ thống làm lạnh, tủ điện, quạt điện, trần laphông, bạt chịu lực… đều được mua từ nước ngoài. Hệ thống xử lý nước thải của trại này gồm 6 hầm tự hoại, chất thải sẽ đi qua từng hầm, mỗi hầm mỗi lượt xử lý, để không còn ô nhiễm. Chị đã đầu tư 1,3 tỷ đồng hoàn thành trại 3 này, tính ra chi phí làm trại có hệ thống máy lạnh tốn gấp 2,5 lần so với trại thường.
“C.P Đà Nẵng không ép tôi phải làm trại lạnh. Tôi nghĩ, làm trại lạnh, lợn sẽ được chăm sóc tốt hơn (luôn ở trong nhiệt độ thích hợp 25-30 độ, bất kể nhiệt độ bên ngoài thế nào), ít dịch bệnh hơn, do đó năng suất cao hơn. Ngoài ra, làm trại lạnh sẽ triệt tiêu hoàn toàn ô nhiễm môi trường, ô nhiễm mùi hôi” - chị Chúc lý giải.
Chị Chúc nói không ngoa. Chị xây ngôi nhà mới ngay bên trại 3 này. Vợ chồng, con cái và cả cháu nội của chị ở đó. Khách đến đây hoàn toàn không thấy mùi hôi, tiếng ồn dù ở bên cạnh 800 con lợn. Chủ tịch UBND xã Hoà Tiến Nguyễn Đình Anh nhận xét: Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chúng tôi lo lắng nhất là tiêu chí về môi trường. Nhờ những người có ý thức chăn nuôi tốt như chị Chúc mà xã chúng tôi đã nhanh chóng hoàn thành tiêu chí này”.
Chị Chúc đã được đền đáp xứng đáng. Nuôi lợn trại thường, 1kg thịt C.P trả chị 1.800 đồng tiền gia công, trong khi với trại có hệ thống máy lạnh, chị được trả 3.000 đồng/kg. Ngay năm đầu tiên đưa trại lạnh vào hoạt động, thu nhập gia đình chị đã lên nửa tỷ đồng, gấp đôi mấy năm trước.
"Năm 2011, khi vợ tôi quyết định cho lợn ở phòng lạnh thì gia đình tôi vẫn chưa ai được hưởng thụ máy điều hoà. Cha con tôi không hề tự ái chuyện đó. Tôi tin ở quyết định của vợ. Và thực tế chứng minh vợ tôi đã đúng” - Anh Trần Đình Nhơn.
Related news
Cứ tưởng trên núi cao, rừng thẳm, người dân chỉ có cách chống đói, thoát nghèo dựa vào đất đai, lâm sản… nhưng thật bất ngờ, ông Hà Văn Vận, người dân tộc Mường ở thôn Sui Quan, xã Khánh Thượng (Ba Vì - Hà Nội) đã “phát tài” nhờ nuôi cá tầm.
Sau Tết Nguyên đán năm 2014, gió biển hoạt động khá mạnh. Độ mặn của nước biển tăng cao. Hộ dân ở các xã ven biển Đông đã khởi động chuyến ra khơi, vụ nuôi trồng thủy sản mới. Riêng các hộ dân nuôi sò băn khoăn: đầu tư mua sò giống của các tỉnh về nuôi hay tiếp tục để “treo” sân.
Chuẩn bị cúng rằm tháng Giêng, nhiều bà nội trợ đi tìm mua hoặc đặt trước nhiều ngày với người kinh doanh loại gà làm lễ. Đón bắt tâm lý này, một số hộ chăn nuôi cung ứng ra thị trường lứa gà toàn trống, mã đẹp.
Chị Trần Thị Tâm sinh năm 1973, trong gia đình đông chị em nghèo. Học hết THCS chị đi học nghề cắt tóc. Năm 2000 chị lập gia đình, cuộc sống nhờ vào đồng lương ít ỏi của chồng, tiền cắt tóc, làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ của vợ không thể trang trải đủ cuộc sống cho gia đình.
Theo ông Lê Văn Cẩn- Phó Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long (đơn vị liên kết tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân Thiện Mỹ), để có lúa tốt, không lẫn lộn, đáp ứng việc xây dựng thương hiệu gạo ngon của Vĩnh Long xuất khẩu, thời gian tới, công ty tiếp tục giữ mối liên kết này.