Làm lúa như chơi nhờ cơ giới hóa
Nông dân đánh giá cao mô hình áp dụng mạ khay, cấy máy, bởi những hiệu quả vượt trội đem lại. Thành công bước đầu đã tạo lòng tin để họ tiếp tục tham gia ở những vụ tiếp theo.
Những bông lúa chín vàng, chuẩn bị cho thu hoạch.
Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với UBND huyện Hải Hậu (Nam Định) và UBND huyện Duy Tiên (Hà Nam) tổ chức tham quan mô hình cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.
Tại Nam Định, mô hình được triển khai trên địa bàn xã Hải Hưng (huyện Hải Hậu) với diện tích sản xuất 55ha, cấy mạ khay máy cấy với giống lúa BT7. Mặc dù, đây là vụ đầu tiên địa phương tổ chức gieo cấy bằng mạ khay, máy cấy với quy mô cánh đồng lớn, nhưng đã chiếm được tình cảm của bà con nơi đây.
Ông Ngô Minh Chiều, Chủ tịch UBND xã Hải Hưng cho hay, mô hình rất có kỳ vọng tại địa phương, đã nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Tiết kiệm giống, giảm chi phí đầu vào; giảm nhân công, cải thiện thu nhập cho bà con, cây lúa sinh trưởng tốt, dàn lúa đẹp, ít sâu bệnh.
“Ngoài hiệu quả kinh tế, mối liên kết giữa 4 nhà đã tạo sự nhận thức và niềm tin của người nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào SX, giúp bà con nông dân thay đổi được nhận thức trong SX…”, ông Chiều nói.
Chỉ tay vào ruộng lúa chín vàng đồng sắp đến ngày thu hoạch, bà Phạm Thị Vân bảo, trước đây, gia đình bà chủ yếu cấy lúa theo phương pháp truyền thống. Song, vụ xuân 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (đơn vị chủ trì Dự án) gia đình bà đã tham gia mô hình cánh đồng lớn thâm canh giống lúa BT7 áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.
Bà Vân vui mừng, bước đầu, bà đã thấy được hiệu quả của cánh đồng lớn mang lại như giá thành SX giảm từ 10 - 15%, tăng lợi nhuận trên 20% so với SX truyền thống trước đây, vì vậy gia đình bà tiếp tục đăng ký với HTXNN Kiên Trung, xã Hải Hưng được sử dụng dịch vụ mạ khay, máy cấy trong vụ mùa và các vụ tiếp theo.
Cầm bông lúa trên tay, lão nông Nguyễn Văn Thưởng khoe: "Cấy lúa bây giờ nhàn quá; sử dụng mạ khay, máy cấy chúng tôi làm mà như chơi, bộ rễ lúa lại không bị ảnh hưởng nhiều, mạ bén rễ nhanh và khả năng đẻ nhánh khỏe. Lúa sinh trưởng tốt và cây khỏe. Mặc dù, vừa rồi mưa to, gió lớn nhưng cây lúa không bị đổ. Chắc chắn vụ này, năng suất sẽ cao hơn khoảng 20% so với cấy tay truyền thống.
“Nhờ có mô hình cánh đồng lớn nên chúng tôi đã thấy được lợi ích của việc đem tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào đồng ruộng. Mặc dù, vụ này thời tiết có diễn biến bất thường nhưng năng suất vẫn cao”, ông Thưởng phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nam Định cho biết, mô hình phù hợp với xu thế SX nông nghiệp hiện nay, thay đổi dần nhận thức của người dân trong SX, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn góp phần giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian và tăng thu nhập cho nông dân.
Tại Hà Nam, ông Lưu Văn Chung, Giám đốc HTX DVNN Châu Giang (huyện Duy Tiên), đơn vị trực tiếp tiếp nhận và triển khai mô hình tại Hà Nam cho biết: Vụ xuân 2019, địa phương thực hiện mô hình cánh đồng lớn sử dụng giống lúa VT-NA6 với quy mô 55ha.
HTX tiếp nhận hỗ trợ khuyến công của dự án (khay làm mạ, bình phun thuốc…) và nhận trách nhiệm tổ chức dịch vụ làm đất, cấy máy cho toàn bộ mô hình.
Các hộ tham gia chỉ việc nhận ruộng chăm sóc và đóng góp đối ứng theo quy định. Mô hình cấy mạ khay, máy cấy nên cây lúa ít sâu bệnh, sinh trưởng phát triển khỏe, đồng đều, năng suất cao, ước đạt khoảng trên 70 tạ/ha.
“Trước đây, bà con chủ yếu cấy tay, hay cấy dày nên dễ bị sâu bệnh hại. Từ khi, mô hình cánh đồng lớn được triển khai tại địa phương, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào trong SX thì bà con mới được “sáng mắt”.
Phải công nhận rằng, cấy lúa bằng phương pháp mạ khay, máy cấy cho cây lúa rất đẹp, đẻ khỏe. Từ đầu vụ đến cuối vụ bà con chỉ phun thuốc BVTV đúng 1 lần nên tiết kiệm được chi phí cho gia đình”, ông Chung bộc bạch.
Nông dân Nguyễn Văn Hiến (xã Châu Giang, Duy Tiên) vui mừng vì bông lúa đẹp và nhiều hạt.
Nông dân Nguyễn Văn Hiến (thôn Đông Ngoại) thổ lộ, tham gia mô hình cánh đồng lớn mới thấy được hiệu quả lớn. Dịch bệnh ít, không phải phun thuốc BVTV nhiều, tiết kiệm được chi phí, năng suất lại cao.
TS. Phạm Văn Dân, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông cho biết: Mục tiêu của mô hình là áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ làm mạ khay máy cấy. Và, lựa chọn áp dụng cơ giới hóa phù hợp trong SX trên cánh đồng lớn, nhằm giảm chi phí công lao động, giảm diện tích lúa gieo sạ; đặc biệt là có sự liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
“Năm 2019 là năm thứ 3 thực hiện dự án trên 8 tỉnh của miền Bắc chúng tôi có thể khẳng định mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực cho SX lúa. Sử dụng mạ khay, máy cấy giúp giảm chi phí đầu tư, giải phóng công lao động, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân…”, ông Dân nhấn mạnh.
Ông Dân kiến nghị, trong thời gian tới, các tỉnh đã triển khai mô hình trong đó có tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam cần tiếp tục mở rộng mô hình cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đặc biệt khâu mạ khay, máy cấy vào SX. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá liên kết “4 nhà” trong xây dựng mô hình cánh đồng lớn.
Related news
Nhà vườn trồng sầu riêng ở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã tìm tòi nghiên cứu, cải tiến và ứng dụng thành công hệ thống phun, tưới đa năng.
Kỹ thuật tưới phun mưa cho cây thanh long có hiệu quả lượng nước tưới bình quân giảm từ 40 - 50% so với giải pháp thủ công.
Bỏ nhiều cơ hội làm việc tại các thành phố lớn, anh Vũ Văn Sơn trở về quê dấn thân vào nông nghiệp sau bao ngày tháng trăn trở.