Làm kinh tế, bảo vệ môi trường với mô hình trồng tiêu dưới tán rừng
Khi tiêu hết chu trình cho thu hoạch thì rừng lại tới giai đoạn bắt đầu khai thác. Rừng khai thác tới đâu sẽ được trồng bổ sung tới đó, đồng thời, người dân lại tiếp tục trồng tiêu phía dưới. Nguồn lợi cứ như vậy được tái tục.
Trong ảnh: Anh Thu xác định, trồng tiêu dưới tán rừng vừa mang lại nguồn lợi kinh tế, vừa giải quyết được bài toán sinh thái bền vững.
Vốn là người gốc ở TP HCM, đến vùng Tây Nguyên làm nghề lâm nghiệp, khai thác và chế biến gỗ, sau 11 năm, anh Đinh Xuân Thu quyết định từ bỏ nghề và chuyển qua trồng rừng. Địa điểm anh chọn trồng rừng là xã Nâm N'Jang, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông.
Năm 2003, anh bắt đầu trồng rừng với nhiều giống gỗ như xà cừ, sao, dầu, muồng đen... Do trồng rừng lấy gỗ mất 20 - 30 năm mới có thể khai thác nên sau khi trồng rừng được 2 năm, nhận thấy cây tiêu có thể cộng sinh với các loại cây gỗ, thời gian thu hoạch lại nhanh nên anh quyết định trồng tiêu dưới tán rừng.
Anh Thu cho biết, chặng đường làm trang trại vừa trồng rừng, vừa trồng tiêu gặp nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật. Thứ duy nhất anh có lúc này là sự quyết tâm và đam mê. Trong lúc mày mò và tìm hướng phát triển cho trang trại, anh đã nghĩ ra cách trồng tiêu bằng phương pháp chiết cành.
Theo anh, bộ rễ của cây rừng vốn phát triển mạnh, nếu trồng tiêu trực tiếp dưới gốc cây rừng thì tiêu khó cạnh tranh để lấy chất dinh dưỡng và sẽ yếu dần. Do vậy, để triển khai được biện pháp trồng tiêu dưới tán rừng, người trồng cần giải quyết bài toán cân đối dinh dưỡng giữa cây rừng và cây tiêu.
Anh Thu cũng nhấn mạnh, nếu trồng tiêu bằng biện pháp cắt cành và vô bầu trực tiếp như thông thường thì tiêu giống phát triển kém, thời gian thu hoạch phải sau 3 - 4 năm. Tuy nhiên, nếu trồng bằng phương pháp chiết cành, tiêu lại có bộ rễ khỏe mạnh, ổn định và có thể phát triển song song dưới tán của cây rừng. Thời gian từ lúc trồng tới lúc cho thu hoạch cũng rút ngắn, sau khoảng 2 năm.
"Để tăng năng suất cho tiêu, tôi tăng chiều cao và bề ngang của tán bằng cách khống chế ngọn, tạo môi trường để bộ rễ và tán tiêu phát triển rộng. Với cách làm này, tiêu của trang trại đã tăng sinh khối lên gấp đôi. Trồng theo phương pháp thông thường, sản lượng tiêu đạt khoảng 3 - 3,5 tấn trên một ha nhưng với phương pháp tăng sinh khối, sản lượng có thể lên khoảng 6 tấn trên một ha", anh Thu chia sẻ.
Giai đoạn 2012 - 2014, do chưa nắm bắt được kỹ thuật trồng tiêu dưới tán rừng, lại canh tác theo kiểu vừa làm vừa mày mò nên tiêu của trang trại phát triển kém, cho năng suất thấp. Dần dần, khi rút được kinh nghiệm và học hỏi, tìm hiểu thêm về kỹ thuật canh tác nông nghiệp, sản lượng, chất lượng tiêu mới dần ổn định. Hiện nay, tiêu trồng theo phương pháp hữu cơ nhưng cho năng suất gần bằng với phương pháp vô cơ, đồng thời, góp phần giải quyết vấn đề sinh thái, môi trường.
"Lâu nay, người dân muốn làm lâm nghiệp, trồng rừng thì phải phá bỏ cây nông nghiệp hoặc ngược lại, để có đất trồng cây nông nghiệp thì lại phải phá bỏ cây rừng. Thế nhưng, trang trại lại phát triển cộng sinh được cả cây lâm nghiệp và cây nông nghiệp. Đây là hướng đi dài hơi, bởi khoảng 20 năm nữa, khi tiêu hết chu trình cho thu hoạch thì lại tới lượt khai thác rừng. Rừng khai thác tới đâu sẽ lại được trồng bổ sung tới đó. Và dưới tán rừng mới, tôi lại tiếp tục trồng tiêu. Cứ như vậy, nguồn lợi kinh tế là rất lớn. Ngoài ra, môi trường cũng ổn định hơn", anh Thu chia sẻ.
Hiện nay, tổng diện tích đất mà anh Thu nhận canh tác là 30 ha và đã phủ đầy hơn 20 ha rừng. Dự kiến, cuối năm 2017, trang trại sẽ phát triển thêm khoảng 5 ha rừng, nâng tổng diện tích rừng lên 25 ha. Theo đó, diện tích trồng tiêu dưới tán rừng cũng là 25 ha. Phần đất còn lại, anh dự định trồng cây ăn trái và xây dựng khu công nghệ cao để trồng rau hữu cơ, rau thủy canh.
Related news
Theo quan sát của chúng tôi, loại cây này thân thảo, lá có cuống ngắn, phiến lá hình tim đầu nhọn, gần giống lá trầu không; quả đơn, mọng nước.
Nhờ chất lượng chè ổn định và quy trình trồng sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, 80% sản lượng trà ô long Long Đỉnh được xuất khẩu đi Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ.
Nhờ áp dụng mô hình VietGAP mà chôm chôm hợp tác xã Sơn Định, Bến Tre có đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu, Dubai, Trung Quốc...