Home / Tin tức / Tin thủy sản

Làm giàu từ nuôi ếch Thái Lan ở Hải Ninh (Nam Định)

Làm giàu từ nuôi ếch Thái Lan ở Hải Ninh (Nam Định)
Author: Thanh Hoa
Publish date: Friday. May 27th, 2016

Ếch Thái Lan là giống dễ nuôi, ít mắc bệnh, thời gian nuôi ngắn, so với ếch đồng ở Việt Nam thì tỷ lệ sống và hiệu quả kinh tế cao hơn nên toàn xã hiện có hơn 80 hộ nuôi. Ông Nguyễn Văn Tân, xóm 7, là người tiên phong đưa giống ếch Thái Lan về nuôi và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Khi có nhiều người trong xã ưa chuộng đối tượng nuôi mới này, ông nhận thấy vấn đề con giống là hết sức quan trọng.

Để đảm bảo hiệu quả kinh tế của người nuôi, nhằm chủ động được nguồn giống tại chỗ để phục vụ cho nhu cầu nuôi ếch thương phẩm của bà con, ông Tân đã tự nghiên cứu và thành công trong việc cho sinh sản nhân tạo giống ếch Thái Lan. Đến nay, ông chỉ tập trung sản xuất con giống để đáp ứng nhu cầu nuôi của bà con trong và ngoài tỉnh. Hiện hộ của ông Tân là hộ sản xuất giống ếch Thái Lan duy nhất trên địa bàn tỉnh.

Ông cho biết: “Ếch bố mẹ được chọn phải khỏe mạnh, nguồn xa nhau để tránh hiện tượng cận huyết. Nên chọn ếch từ 2-3 năm tuổi vì cỡ này ếch cho số lượng trứng nhiều và chất lượng tốt nhất”. Mùa sinh sản của ếch diễn ra từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 âm lịch.

Ếch con vẫn được nuôi trên bể 7-10 ngày cho thật sự khỏe mạnh rồi mới đưa xuống ao, nuôi trong lồng cước rộng 2m và dài từ 3-4m. Như vậy khi ếch giống đến tay các hộ nuôi, chất lượng con giống sẽ đảm bảo, tỷ lệ sống cao hơn. Mỗi năm, ông Tân cho sinh sản tới 1 tỷ con giống nhưng số lượng này hiện vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm. Ông đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất ếch giống để đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh cơ sở sản xuất của ông Tân, nhiều hộ nuôi ếch thương phẩm trên địa bàn xã đạt hiệu quả cao như hộ ông Nguyễn Văn Cường, xóm 1; Phạm Văn Tĩnh, xóm 12; Cao Văn Trường, xóm 17... Vì ếch là loài động vật lưỡng cư nên vừa có thể nuôi ếch trên bể xi măng, vừa có thể nuôi ếch dưới ao. Hộ ông Nguyễn Văn Cường có 17 bể nuôi ếch, mỗi bể có diện tích khoảng 10m2. Mỗi năm trung bình ông Cường nuôi 2 vụ khoảng 5 đến 10 vạn con ếch.

Vụ đầu từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, sau đó tiếp tục nuôi vụ 2 luôn. Thu nhập bình quân hằng năm của hộ ông đạt khoảng 120 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Quảng Ninh, Hà Nội. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ếch, ông cho biết, sau khi thả ếch giống được 7-9 ngày, nên lựa chọn những con ếch lớn vượt đàn đem nuôi riêng để tránh tình trạng ếch lớn ăn thịt ếch bé.

Ông Cường còn đánh giá, nuôi ếch trong bể xi măng đạt hiệu quả cao hơn so với nuôi ếch trong ao đất. Khi nuôi trong bể xi măng, người nuôi có thể trực tiếp theo dõi, kiểm soát được tình trạng của ếch, sớm phát hiện dịch bệnh để kịp thời chữa trị. Đặc biệt, khi nuôi trong bể xi măng người nuôi phải thay nước liên tục 1-2 lần/ngày nên nguồn nước luôn đảm bảo sạch sẽ. Trước khi thả ếch ông Cường chú trọng dọn dẹp vệ sinh, cọ rửa kỹ bể nuôi, dùng muối và phèn chua làm sạch bể.

Đến khi kết thúc vụ nuôi đầu ông cải tạo bể bằng vôi bột, tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Có kinh nghiệm và thị trường ổn định nên ông Cường tiếp tục đầu tư, xây thêm bể để tăng số lượng ếch nuôi. Nuôi ếch trong ao đất có lợi là các hộ nuôi có thể kết hợp nuôi cùng với các loại cá truyền thống như cá trắm, cá trôi, cá chép…

Với mô hình này, thức ăn dư thừa và phân của ếch sẽ được tận dụng làm thức ăn cho cá. Người nuôi không phải tốn chi phí chăm sóc cá mà có thêm thu nhập từ nuôi cá khoảng 10 triệu đồng/năm. Hiện nay, nhu cầu thịt ếch trên thị trường ngày càng cao, vấn đề còn lại là cần đa dạng các sản phẩm chế biến từ thịt ếch, tạo thị trường tiêu thụ ếch rộng rãi trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển mạnh nghề nuôi ếch.

Thành công từ việc nuôi và sản xuất giống ếch Thái Lan đã góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi, thúc đẩy nghề nuôi thủy sản của xã Hải Ninh phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi và kinh tế địa phương. Để ếch Thái Lan có chỗ đứng ổn định, các hộ nuôi ếch đã thống nhất thành lập CLB nuôi ếch HND xã Hải Ninh để giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng phát triển nghề, tích cực tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ và thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật nuôi cho nông dân.


Related news

Thu trăm triệu nhờ nuôi tôm lót bạt Thu trăm triệu nhờ nuôi tôm lót bạt

Trong lúc tôi đang tính đến chuyện bỏ nghề, cầm cố ruộng đất để lên Bình Dương tìm việc làm, thì may thay, một vài người bạn mách cách nuôi tôm lót bạt trên ao nhỏ, nhờ vậy mà cả nhà tôi mới trụ lại đượ

Friday. May 27th, 2016
Tôm rảo cứu lúa ngập mặn Tôm rảo cứu lúa ngập mặn

Những diện tích lúa xã Quảng Công (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), bị nước mặn xâm thực hàng năm, sau khi thu hoạch các hộ dân đưa thêm mô hình nuôi tôm rảo ngay trên ruộng, mang lại thu nhập khá, đang là hướng đi mới của bà con nông dân.

Friday. May 27th, 2016
Tình hình dịch bệnh trên tôm 5 tháng đầu năm 2016 của các tỉnh ĐBCL Tình hình dịch bệnh trên tôm 5 tháng đầu năm 2016 của các tỉnh ĐBCL

Tính đến 13/5/2016, tổng diện tích thả nuôi của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 546.774ha, sản lượng đã thu hoạch đạt 90.948 tấn, trong đó: tôm sú đạt gần 62 ngàn tấn; tôm thẻ chân trắng trên 29 ngàn tấn. Theo số liệu của Cục Thú y, tổng diện tích nuôi tôm của các tỉnh (ĐBSCL) bị thiệt hại là khoảng 23 nghìn ha, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Friday. May 27th, 2016