Làm Giàu Từ Đặc Sản Quê Hương
Quýt Bắc Sơn lâu nay đã trở thành thương hiệu, đặc sản của huyện Bắc Sơn nói riêng và Lạng Sơn nói chung. Đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây quýt và điển hình trong số đó là hộ gia đình ông Đặng Văn Lương tại thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng.
Trước đây, gia đình ông Lương dù lao động rất chăm chỉ nhưng với nghề nông đơn thuần cũng chỉ đủ ăn từng bữa. Năm 1998, ông tham gia Hội Nông dân xã Chiến Thắng. Nhờ hoạt động tích cực, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc nên đến năm 2006, ông được chính quyền xã và nhân dân tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch hội. Với trách nhiệm mới, quyết tâm vươn lên làm giàu của ông được thôi thúc.
Bởi ông suy nghĩ: đã được bà con nông dân tín nhiệm, bản thân ông phải làm được điều gì đó giúp bà con. Muốn vậy thì trước hết là phải phát triển kinh tế gia đình, phải vươn lên khá giả vừa ổn định được đời sống cho gia đình vừa tạo được uy tín với bà con.
Sau một thời gian trăn trở, ông cùng gia đình quyết định đầu tư vào phát triển cây quýt - cây trồng vốn đã gắn bó từ nhiều năm nay với người dân xã Chiến Thắng.
Khởi đầu, gia đình ông Lương có khoảng ba chục gốc quýt, nhưng do cây đã lâu năm, lại không được chăm sóc đúng kỹ thuật nên chất lượng quả không cao, sản lượng thấp. Để khắc phục, ông dành nhiều thời gian đi thăm và học hỏi kinh nghiệm ở một số hộ đã trồng nhiều quýt trên địa bàn huyện, đồng thời tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quýt do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức.
Nắm bắt được những kinh nghiệm thực tế và kiến thức khoa học cơ bản, ông bắt tay vào nhân rộng vườn quýt bằng hình thức chiết cành. Trong gần 2 năm, từ hơn 30 gốc quýt, vườn quýt nhà ông Lương đã tăng lên 400 cây, được chăm sóc tốt nên cây phát triển rất tốt, sau ba năm đã cho sản lượng và chất lượng quả cao. Trong 4 năm gần đây, vườn luôn có khoảng 300 cây cho quả. Trừ chi phí, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu được khoảng 150 triệu đồng.
Thời điểm này đã bắt đầu vào vụ quýt 2014, dự kiến năm nay vườn quýt của gia đình ông sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Không chỉ trông chờ vào cây quýt, với diện tích vườn sẵn có, gia đình ông đã đầu tư chăn nuôi đàn gà đẻ trứng và lấy thịt. Theo ông, đây cũng là một kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn mà ông áp dụng thành công.
Ông Lương chia sẻ: năm 2010, khi vườn quýt đã trưởng thành và cho thu hoạch ổn định, gia đình luôn duy trì đàn gà hơn 200 con thả trong vườn. Đàn gà vừa cho thu nhập đều đặn hàng tháng trong năm, tính trung bình mỗi năm, gia đình cũng thu được khoảng 50 triệu đồng.
Nhận xét về mô hình kinh tế của gia đình ông Lương, ông Dương Hữu Nhạc, Bí thư Đảng ủy xã Chiến Thắng cho biết: Mô hình kinh tế của gia đình ông Lương là điển hình của xã, cho thu nhập thuộc diện cao nhất nhì xã.
Quan trọng hơn, ngoài việc làm kinh tế giỏi, ông Lương còn là một người cán bộ Hội Nông dân mẫu mực, luôn trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, ông Lương rất hòa đồng, được người dân tin tưởng và yêu mến.
Ông thường xuyên giúp đỡ mọi người, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Tới đây, xã sẽ tuyên truyền, nhân rộng mô hình kinh tế tổng hợp như của gia đình ông Lương tới một số hộ có đủ điều kiện trên địa bàn.
Nguồn bài viết: http://baolangson.vn/tin-bai/Nguoi-tot-viec-tot/lam-giau-tu-dac-san-que-huong/30-34-73367
Related news
Dạo tháng ba khi đi viết bài về vùng rừng thông giáp ranh giữa Quảng Bình và Quảng Trị, xe chúng tôi đã phải chạy mỏi... bánh trên vùng đất này. Trong bát ngát bao la của đất, rừng chúng tôi đã nói về những lợi thế để phát triển chăn nuôi ở đây. Và một ngày cuối thu, giữa hai cơn bão chúng tôi lại về vùng đất phía nam tỉnh, tất nhiên không phải để nói lại về rừng thông mà là chuyện những đàn bò...
Sau thời gian dài bị tuột dốc, cuối tháng 10 và đầu tháng 11 này ở An Giang, giá heo hơi quay về mức 45.000 đ/kg, có lúc từ 47.000 đến 50.000đ/kg và dự đoán khả năng sẽ còn tăng thêm. Đây là sự kích thích người chăn nuôi tiếp tục đầu tư, phục hồi đàn heo, chăm sóc quyết liệt giai đoạn cuối năm và chuẩn bị cho Tết sắp tới.
Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), doanh nghiệp mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân lớn nhất Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đã chi ra 1.500 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái để mua 115.300 tấn sữa với mức giá bình quân 13.600 đồng/lít và chiếm 60% lượng sữa tươi nguyên liệu của đàn bò cả nước.
Nông dân Đà Lạt đã quen “thâm canh” rau với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đạt năng suất tối đa. Bởi vậy, khi quay trở lại cách trồng rau kiểu “các cụ” - trồng rau theo hướng hữu cơ - họ đã phải thay đổi rất nhiều trong tư duy và trong thói quen. Làm sao để sản xuất ra những cây rau thương phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, người nông dân, bảo vệ môi trường cũng là vấn đề được đặt ra khi Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thực hiện mô hình Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ tại thành phố Đà Lạt.
Ông Đặng Phúc, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên cho biết, với 22ha đất sản xuất lúa 2 vụ tại 2 trại giống ở Hòa An (Phú Hòa) và Hòa Đồng (Tây Hòa), mỗi năm, đơn vị cung ứng cho thị trường hơn 220 tấn lúa giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng.