Làm giàu từ cá tra
Đó là mô hình của ông Hà Tấn Tâm, 55 tuổi, được người dân Cần Thơ đặt biệt danh “tỷ phú cá tra”; bởi sản lượng xuất bán hàng năm của ông luôn đạt trên 1.500 tấn cá và hiện chưa có nông dân nào vượt “kỷ lục” này.
Niềm vui của người nuôi khi cá tra được xuất bán
Tận tâm với nghề
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, ông Tâm luôn tâm niệm phải cần cù, chí thú làm ăn, sáng tạo trong lao động, làm ăn chân chính, không bằng lòng với cái khó, cái khổ thì mới vươn tới thành công.
Nắm bắt được đặc điểm thuận lợi địa phương ven sông Hậu, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với việc nuôi cá tra và trồng cam, ông đã mạnh dạn xây dựng mô hình liên kết: Làm vườn, nuôi thủy sản và dịch vụ vận tải đường thủy. Trên bờ ông đốn bỏ nhãn da bò để thay thế bằng giống nhãn Ido, cam sành, cam xoàn; dưới mặt nước khoảng 10 ha thuê mướn ban đầu, ông nuôi cá tra theo sự tính toán của mình dựa vào các phương pháp hiện đại, khoa học, nắm bắt tốt cán cân cung - cầu trên thương trường. Cạnh đó ông cũng đã phát triển tốt dịch vụ vận tải thủy chủ yếu là vận chuyển cá tra xuất khẩu cho các công ty lớn trong khu vực ĐBSCL.
Khi thị trường cả nước bất lợi về giá cá tra giảm sút, khó xuất khẩu, ông đã chọn phương thức nuôi cá tra gia công cho khá nhiều công ty ở nhiều địa phương như: An Giang, Bến Tre, Ninh Thuận. Cạnh đó, ông phát triển lực lượng đội tàu vận chuyển thủy sản khu vực ĐBSCL với 12 chiếc tàu tải trọng lớn, mỗi chiếc 100 - 120 tấn. Ngoài ra, ông còn cố vấn việc nuôi cá tra cho nhiều cơ sở khác. Khi cá tra có giá, ông đã quay trở lại việc sản xuất với những kiến thức rất mới, rất khoa học, vừa đảm bảo vệ sinh ao nuôi, đàn cá mau lớn lại không dịch bệnh, giảm nhiều chi phí đầu tư. Từ đó, sản lượng cá xuất bán hàng năm của ông luôn ổn định, khả năng rủi ro kém, lãi suất hàng năm thu về rất lớn. Cụ thể từ năm 2010 đến 2016, số tiền lãi từ cá nuôi và dịch vụ vận chuyển là 10 - 12 tỷ đồng mỗi năm, một con số rất ấn tượng so với thu nhập của nhiều nông dân khác tại khu vực ĐBSCL.
Tham gia công tác xã hội
Điều đáng quý ở ông Tâm chính là việc ông luôn quan tâm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, nhất là người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học; các gia đình chính sách. Cạnh đó, ông còn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội từ thiện trong và ngoài địa phương như: Xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài; xây dựng cầu, đường nông thôn, nhà đại đoàn kết, tặng xe đạp, sách vở, dụng cụ học tập… Đặc biệt hơn, ông còn là “mạnh thường quân” rất thường xuyên của chương trình “Mổ tim nhân đạo”; “Ngày mai tươi sáng”… Không chỉ giúp đỡ các hộ dân tại địa phương, ông còn thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện tại các tỉnh như Bến Tre, Ninh Thuận, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh…; với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
>> Với thành tích đặc biệt xuất sắc về lao động sản xuất, có nguồn thu nhập hàng năm trên 10 tỷ đồng từ việc nuôi cá tra cùng với các hoạt động xã hội từ thiện to lớn, nghĩa tình, năm 2015 ông Hà Tấn Tâm vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Related news
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu kỹ thuật đối với cơ sở sản xuất giống và nuôi cá rô phi kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BNNPTNT
Những người kinh doanh tôm thường xuyên có lẽ đã quen thuộc với bệnh đốm đen ở tôm. Những đốm đen khó coi có thể xuất hiện trên thân tôm, tôm nguyên liệu
Trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Đức Phong đã thử nghiệm thành công ươm giống cá bớp, giai đoạn từ trứng lên cá giống, để cung cấp cho người dân