Làm giàu nhờ trồng rau sắng, mơ, củ mài trên đất Phật
Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) nơi có danh lam thắng tích Chùa Hương đang tích cực phát triển mô hình trồng đặc sản rau sắng, củ mài, mơ Hương Tích...
Ông Đồng Văn Chức (bên trái) giới thiệu về cây rau sắng 40 năm tuổi của gia đình.
Sau khi xuất ngũ trở về, ông Đồng Văn Chức quyết tâm phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương. Với 4 ha đất rừng và một số cây rau sắng cổ thụ của cha ông để lại, đến nay gia đình ông đã nhân giống và trồng được hàng nghìn cây.
Theo ông Chức, mỗi năm ông thu được 300 kg/vụ, giá bán bình quân 250.000 đồng/kg cho thu nhập khá. Từ nguồn gen quý của loại cây đặc sản này, mỗi năm ông còn nhân 5.000 cây con giống với giá bán 10.000 đồng/cây.
Nhắc tới ẩm thực chùa Hương mỗi du khách đều không thể bỏ qua một món ăn nổi tiếng, chè củ mài. Được trồng dưới tán rừng và cây rau sắng, mỗi năm gia đình ông Chức thu hơn 1 tấn củ mài, giá bán tại nhà 100.000 đồng/kg, cho lợi nhuận hơn 100 triệu.
Bên cạnh việc trồng các loại cây, củ đặc sản, ông còn xây dựng chuồng trại, nuôi 20 con dê sinh sản, hai năm gia đình ông xuất được 3 lứa dê, lãi 50 triệu đồng/năm.
Giống như mô hình của ông Chức, ông Vương Ngọc Kiện ngoài thu nhập ổn định từ 5.000 gốc cây rau sắng, còn phát triển đặc sản mơ Hương Tích. Nhờ thổ nhưỡng đặc biệt của vùng núi đá vôi, trên diện tích 3,4ha, ông trồng 500 gốc mơ (trong đó có 3 cây cổ trên 70 năm tuổi, 200 gốc 4 năm tuổi còn lại mới trồng được 2 năm).
Ông Kiện chia sẻ: “Vụ mơ năm nay gia đình tôi đã thu được hơn 500 kg quả, mơ chín đến đâu có người đặt mua hết đến đó, không có mà bán. Mơ chùa Hương nổi tiếng khắp đất Bắc bởi quả to, hạt nhỏ, cùi dày và mọng nước, vị chua nhẹ, thanh mà không gắt như các nơi khác nên bán rất được giá. Khách đến tận vườn có thể vừa chụp ảnh vừa hái mua với giá bán 100.000 đồng/kg”.
Cùng với mơ và rau sắng, gia đình ông Kiện còn sở hữu một vườn dược liệu rộng lớn dưới tán rừng.
Ông Kiện cho biết thêm: “Tôi trồng 43 loại cây dược liệu, trong đó có nhiều cây rất quý hiếm và cần được bảo tồn; còn một số cây trồng phổ biến như địa liền, gừng gió, tam thất nam, sâm đại hành, sạ đen, sả, đơn tướng quân, cỏ xước, thiên niên kiện, mạch môn… Cây dược liệu này phục vụ nguyên liệu cho tôi làm nghề bốc thuốc chữa bệnh và đổ buôn cho các hộ cất hàng bán cho du khách đến chùa Hương".
Nắm bắt nhu cầu ẩm thực của du khách ngày càng tăng, với phương châm “mỗi gia đình một sản phẩm”, ông Đồng Quốc Triệu ở thôn Đục Khê lại có hướng đi khác.
Sau khi được tham dự các lớp tập huấn về chăn nuôi tại địa phương, ông Triệu nghĩ đến nuôi cá kết hợp với nuôi dê là phù hợp với điều kiện của mình và nhu cầu của các nhà hàng phục vụ du khách đến chùa Hương về thực phẩm cá sạch là rất lớn.
Nghĩ là làm, năm 2014, với diện tích 1,5ha của gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và anh em bạn bè, kè hệ thống bờ và nền đáy ao kiên cố phát triển thành mô hình nuôi cá sạch...
Do là cá thương phẩm sạch ông nuôi thức ăn chủ yếu là cỏ và cám là chính nên hầu như cá không bị chết vì dịch bệnh, mỗi năm gia đình ông thu từ 1 - 2 lứa, trọng lượng cá đạt từ 3 kg/con trở lên mới xuất bán.
Hiện mỗi năm gia đình ông cung cấp ổn định và chủ yếu vào đầu xuân cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn xã Hương Sơn gần 20 tấn cá. Ngoài ra, ông còn nuôi 27 con dê sinh sản. Trừ chi phí gia đình ông thu gần 300 triệu/năm.
Related news
Ngày 30/7 tại Tây Ninh, Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đã cùng với Tập đoàn Lộc Trời ký kết dự án phối hợp thực hiện chương trình phát triển phân bón hữu cơ công nghệ
Tại các tỉnh Bắc bộ, sâu đục thân 2 chấm non gây dảnh héo trên lúa Mùa sớm, lúa sạ.
Nông dân nuôi lươn trong hồ xi măng và bồn lót bạt ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp tiếc hùi hụi vì giá lươn thương phẩm tăng cao, nhưng không còn để bán.