Làm giàu nhờ nuôi thỏ
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Đà Nẵng, anh Lê Phước Trung (thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng) được nhận vào làm việc ở một công ty xây dựng của tỉnh Thanh Hóa. Trong một lần đi công tác đến Sơn Tây (Hà Nội), anh thấy mô hình nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện ở địa phương. Tại đây, anh đã tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm và quyết định trở về quê hương xây dựng cơ sở nuôi thỏ.
Trong ảnh: Mô hình nuôi thỏ của anh Lê Phước Trung, thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng (Hải Lăng) đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ảnh: Thanh Lê
Nghề nuôi thỏ đến với anh Trung như một cơ duyên. Kiến thức có được để áp dụng trong quá trình chăn nuôi chính là nhờ anh tự học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi thỏ tại Sơn Tây và những bài học rút ra trong thời gian nuôi thỏ thử nghiệm tại địa phương. Anh Trung cho biết, nuôi thỏ không khó, điều quan trọng là phải thường xuyên theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của từng con.
Để tiện cho việc chăm sóc, anh đã đánh số thứ tự từng lồng thỏ, từ đó chủ động trong phòng trừ dịch bệnh để giúp thỏ phát triển tốt. Thỏ là con vật dễ nuôi, nguồn thức ăn đơn giản nhưng nhược điểm của loài động vật này là rất dễ bị bệnh, khi mắc bệnh thỏ chết rất nhanh nên phương pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm phòng chu đáo và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Chuồng nuôi thỏ khá đơn giản nhưng phải cao ráo, mùa hè thoáng mát, mùa đông ấm áp, đảm bảo đủ không khí, ánh sáng. Thức ăn cho thỏ ngoài các loại rau xanh còn có thêm tinh bột, thức ăn hỗn hợp sản xuất dành riêng cho thỏ.
Nhờ áp dụng tốt các kỹ thuật và quy trình phòng trừ dịch bệnh nên mô hình nuôi thỏ của anh Trung đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Từ 50 con thỏ giống nuôi thử nghiệm ban đầu, đến nay anh Trung đã sở hữu 100 lồng thỏ với khoảng 700 con thỏ các loại. Do nhu cầu sử dụng thịt thỏ trên thị trường khá lớn nên đầu ra cho thỏ thương phẩm cũng khá ổn định. Nhờ vậy trang trại nuôi thỏ của anh Trung cho thu nhập bình quân khoảng 10-15 triệu đồng/ tháng. Nếu như các địa phương khác mô hình nuôi thỏ là phổ biến thì đối với xã Hải Thượng, đây là một mô hình chăn nuôi mới, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Nhận thấy nhiều hộ gia đình tại địa phương có nhu cầu phát triển mô hình chăn nuôi thỏ, anh Trung đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp nguồn giống, thức ăn và lồng nuôi thỏ cho hàng chục hộ dân trên địa bàn, đồng thời bao tiêu sản phẩm đối với những gia đình nuôi từ 20 thỏ mẹ trở lên. Ngoài tiêu thụ thỏ thương phẩm ở thị trường trong tỉnh, hiện nay anh Trung đã tìm được đầu mối xuất bán thịt thỏ sang thị trường một số nước lân cận như Lào, Campuchia để chủ động đầu ra cho sản phẩm. Ông Lê Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Hải Thượng cho biết, mô hình nuôi thỏ của anh Trung đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, phù hợp với điều kiện địa phương.
Do nhu cầu đối với thịt thỏ thương phẩm khá lớn nên đầu ra cho mô hình này cũng khá thuận lợi. Hiện nay, chính quyền địa phương đang thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn vốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp của xã để giúp anh Trung tiếp tục mở rộng mô hình này.
Related news
Ngoài cám ngô, cám gạo, bột cá, rau từ thiên nhiên, những con lợn còn được cho ăn loại thức ăn chế biến từ lá trà xanh, uống nước trà xanh và tắm nước trà xanh
Để giảm bớt thời gian chuẩn bị thức ăn cho vật nuôi, nông dân Nguyễn Văn Tiền đã sáng tạo chiếc “Máy thái rau, chế biến thức ăn chăn nuôi”.
Tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, nhưng nữ cử nhân 8X vẫn mạnh dạn trở về quê nuôi dúi rừng, mỗi năm thu trăm triệu đồng…