Làm giàu: Lấp đất nuôi tôm trồng cỏ nuôi bò
Sau 5 năm mạnh dạn lấp đất nuôi tôm kém hiệu quả để trồng cỏ nuôi bò, ông Trần Ngọc Ẩn (ngụ ấp Văn Đức A, xã An Trạch, H.Đông Hải, Bạc Liêu) hiện sở hữu đàn bò gần 40 con, trị giá cả tỉ đồng.
Nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại trang trại nuôi bò của ông Ẩn. Ảnh: Trần Thanh Phong
Quyết định táo bạo
Ông Ẩn kể gia đình ông có gần 20 năm bám trụ với nghề nuôi tôm, nhờ đó kinh tế gia đình khấm khá. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nuôi tôm trở nên bấp bênh do liên tục bị mất mùa, giả cả không ổn định khiến ông nản lòng. Tình cờ một lần xem truyền hình, thấy giới thiệu mô hình chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông bắt đầu tìm hiểu nhiều nơi, sau đó quyết định chuyển đất nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi bò.
Năm 2013, ông Ẩn thuê máy cuốc, máy ủi san lấp hơn 1 ha đất nuôi tôm để trồng cỏ và xây dựng chuồng trại rồi mua 4 con bò giống về nuôi. Thấy bò khỏe mạnh, tăng trọng nhanh nên ông quyết định mở rộng chuồng trại, mua thêm 23 con bò giống nữa. Ông Ẩn nhẩm tính chi phí xây dựng chuồng trại, mua bò giống, thuê san lấp vuông tôm, trồng cỏ gần 600 triệu đồng. Điều đáng mừng là đàn bò của ông hiện đã sinh sản, tăng đàn lên gần 40 con. Những con bò được nuôi tại đây luôn khỏe mạnh và lớn nhanh. Lúc mua về, mỗi con chỉ nặng khoảng 100 kg nhưng nay đã tăng lên trên 200 kg/con, đặc biệt nhiều con nặng hơn 250 kg. Nếu tính theo giá thị trường thì đàn bò của ông Ẩn có giá trị cả tỉ đồng.
Mô hình kiểu mẫu ở địa phương
Thấy mô hình nuôi bò của ông Ẩn bước đầu đem lại kết quả khả quan, nhiều người đã đến tham quan học hỏi. Ông Phạm Quốc Phòng (ngụ cùng địa phương) cho biết thấy chính quyền khuyến cáo nhân rộng mô hình nuôi bò của ông Ẩn, ông đã trực tiếp đến trang trại tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và được ông Ẩn tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò. Theo ông Phòng, qua tìm hiểu bước đầu, thấy mô hình này dễ áp dụng, ít tốn công chăm sóc, ít rủi ro.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, ông Ẩn cho biết người nuôi cần đảm bảo yếu tố vệ sinh chuồng trại vì khi chuồng trại bị dơ là bò không chịu nghỉ ngơi. Phân bò thải ra không nên bỏ mà giữ lại để nuôi trùn quế, những con trùn quế lớn đem phơi khô và trộn vào cám cho bò ăn thì bò lớn rất nhanh và khỏe mạnh. Khi thực hiện mô hình, phải dự tính trước khu vực trồng cỏ và hợp đồng với nơi bán rơm vì đây là nguồn cung cấp thức ăn chính cho bò.
Theo ông Ẩn, với mô hình nuôi bò, người nuôi không thể thu lợi ngay trong thời gian ngắn nhưng nếu chịu khó chăm sóc, gây đàn thì chỉ trong khoảng 2 năm, lợi nhuận nâng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với tổng nguồn vốn đầu tư ban đầu. Cùng với việc gây đàn thì trong quá trình nuôi có thể bán bò tơ hoặc bò giống để thu hồi vốn. Bên cạnh đó, với điều kiện thời tiết thuận lợi như ở Bạc Liêu thì bò lớn rất nhanh, không mắc bệnh và dễ dàng nhân giống.
Ông Tô Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã An Trạch, đánh giá mô hình nuôi bò của ông Ẩn là mô hình mới ở địa phương, hiệu quả rất khả quan. Do đó, xã khuyến cáo người dân mạnh dạn đầu tư mở trang trại gây nuôi ở những khu vực nuôi tôm kém hiệu quả.
Related news
Nhiều nhà vườn ở xã Quới Thiện (H.Vũng Liêm, Vĩnh Long) ăn nên làm ra nhờ trồng cây cau vàng dưới tán vườn cây ăn trái.
Những triệu chứng anh mô tả có thể vườn bưởi nhà anh bị bệnh loét vi khuẩn (đốm lá vi khuẩn). Bệnh do vi khuẩn gây ra nên cần phải dùng thuốc để phòng trị
Ở vùng Tứ giác Long Xuyên, nông dân đang vào vụ lúa HT 2018. Trong đó, tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) tiếp tục chuẩn bị gieo sạ giống lúa Nhật