Làm gì để nuôi biển phát triển bền vững?
Vài năm trở lại đây, tại vùng biển vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa dày đặc lồng bè nuôi tôm hùm, cá biển bằng lồng gỗ. Nhiều ngư dân sử dụng lồng bè bằng nhựa HDPE để nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh là hộ dân đầu tiên được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn, hỗ trợ nuôi cá bằng lồng nhựa. Sau 3 năm thực hiện đến nay ông đã có 2 lồng tròn và đang lắp đặt thêm 9 lồng vuông để mở rộng việc nuôi cá. Nhiều hộ dân trong vùng thấy ông làm hiệu quả đã tìm đến học hỏi để về làm theo. Ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết, lồng nhựa có chi phí đầu tư cao hơn lồng gỗ nhưng bù lại thời gian sử dụng lâu hơn, an toàn hơn, dễ vận hành hơn vì thế sẽ hiệu quả kinh tế hơn.
“Tôi cũng đã nuôi 3 năm rồi, có hiệu quả, năng suất, chống chọi được môi trường, thiên tai, bão lũ an toàn hơn. Rút kinh nghiệm từ bão năm 2017, từ đó thì tôi làm cái lồng HDPE này. Bà con từ đó thấy vậy hỏi thăm tôi, tôi cũng hướng dẫn dần dần để chuyển đổi sang cái lồng HDPE này” - ông Nguyễn Xuân Hòa nói.
Nuôi trồng thủy sản là nghề mang lại thu nhập chính đối với hàng vạn người dân ven biển Nam Trung bộ. Tuy nhiên, lâu nay, người dân chỉ nuôi bằng lồng gỗ cùng các vật liệu, phế liệu như thùng phi nhựa, tôn cũ. Ngoài vấn đề đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường do phế thải từ lồng, bè thì việc dùng lồng gỗ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng.
Ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản và du lịch Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa cho biết, các thành viên trong Hợp tác xã đều biết rõ hiệu quả của lồng nhựa so với lồng bè truyền thống bằng gỗ. Tuy nhiên, do số lượng lồng gỗ hiện nay quá lớn, chi phí làm lồng nhựa khá cao, lên đến 200-300 triệu đồng/lồng nên bà con đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi.
“Nếu có điều kiện chuyển đổi được hết thì sẽ bền vững, rủi ro ít, cỡ bão cấp 11-12 vẫn chịu được. Với lồng gỗ đầu tư nhiều tiền quá nên không thể bỏ ngay được. Nếu được sự hỗ trợ của Chính phủ thì người dân mới chuyển đổi được dần dần” - ông Võ Văn Thái nói.
Nước ta với bờ biển dài trên 3.260km có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi, trồng thủy sản trên biển. Hiện nay, các địa phương đang giảm dần đánh bắt, tăng sản lượng nuôi trồng.
Mới đây, tại tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức Diễn đàn khuyến nông “Phát triển nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu”. Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, không thể nuôi biển theo hình thức cũ mà phải tổ chức lại sản xuất, cần khảo sát, đánh giá để quy hoạch, xác định những vùng nuôi thích hợp với từng chủng loại nuôi. Đồng thời, cần huy động các viện, trường, doanh nghiệp để liên kết với các hộ nông dân, Hợp tác xã để chủ động nguồn giống, thức ăn, công nghệ nuôi, tiêu thụ.
“Không thể nào nuôi biển theo hình thức cũ được là từng ngư dân một đi ra biển để nuôi, bán sản phẩm của mình, tìm giải pháp công nghệ của mình. Mà chúng ta phải tổ chức lại, có thể là hợp tác xã, tổ, nhóm, hiệp hội…Vấn đề nữa là chúng ta phải kết nối được với thị trường, xây dựng được thương hiệu nuôi biển” - ông Lê Quốc Thanh nói.
Đến nay, cả nước có khoảng 9.000 ha nuôi cá biển, tổng sản lượng hơn 57.000 tấn. Thời gian qua, nuôi biển đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo. Tuy nhiên, việc nuôi tại nhiều vùng biển vẫn còn tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong quá trình nuôi, việc sử dụng cá tạp làm thức ăn, dễ gây ô nhiễm môi trường. Vị trí nuôi nhiều nơi chưa phù hợp nên dễ bị thiệt hại do thiên tai, môi trường nhiều vùng nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, khu vực Nam Trung bộ có nhiều đầm, vịnh thuận lợi cho việc nuôi biển. Tuy nhiên, khu vực này cũng bị tác động bởi nhiều ngành kinh tế như du lịch, công nghiệp, cần có quy hoạch chi tiết, bài bản để người dân an tâm nuôi biển.
“Với định hướng phát triển nuôi biển công nghiệp gắn với sinh thái, hoàn toàn có khả năng phát triển rất tốt. Mong muốn các địa phương có kế hoạch phát triển rõ ràng, khu vực nào có thể nuôi, công nghệ như thế nào? Toàn bộ các chuỗi từ sản xuất giống, nuôi, chế biến và xuất khẩu phải được định hình ngay từ ban đầu, để giúp cho ngành nuôi biển phát triển ổn định, bền vững và truy xuất được nguồn gốc” - ông Trần Đình Luân nói.
Related news
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2022 có thể xuất hiện nhiều hình thái thiên tai.
Một mình Bộ không thể cải hóa được các vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp và con đường phát triển của nông nghiệp không thể thiếu các hiệp hội, ngành hàng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.