Làm Gì Để Giữ Ổn Định Đất Lúa ?
Trước sức ép về đô thị hóa và phát triển các khu công nghiệp đã làm diện tích đất lúa ngày càng bị thu hẹp. Vậy làm gì để giữ ổn định đất trồng lúa? NNVN đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo ngành nông nghiệp một số địa phương về vấn đề này.
Ông Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp: Đầu tư hạ tầng tốt để giữ đất lúa
Đồng Tháp có thế mạnh để phát triển nền nông nghiệp, trong đó cây lúa và nuôi trồng thủy sản là hai lĩnh vực chủ chốt. Tỉnh đang thực hiện chủ chương của Chính phủ là giữ 216.000 ha đất lúa, để đảm bảo an ninh lương thực.
Với diện tích đó, mỗi năm Đồng Tháp đạt sản lượng 3 triệu tấn lúa và 305.000 tấn cá tra. Hiện nay, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh SX đất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, đạt quy trình xuất khẩu. Để những năm tới ngành nông nghiệp phát triển mạnh cần phải bảo vệ đất lúa theo quy hoạch, như vậy SX sẽ ổn định hơn.
Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã có đề xuất lên Chính phủ hỗ trợ vốn để đầu tư hạ tầng, đầu tư thủy lợi, đường nông thôn. Như vậy người dân SX thuận lợi, từ đó mới giữ được đất nông nghiệp lâu dài. Nếu không đáp ứng được những yếu tố đó thì người dân sẽ bỏ đất nông nghiệp ngày càng nhiều để chuyển sang làm các ngành khác.
Ngoài ra, Nhà nước cần phải có chính sách để hỗ trợ về vốn vay, tín dụng cho vùng đất lúa. Bên cạnh đó, cần đào tạo nguồn nhân lực có đủ tài để đứng ra lãnh đạo và hướng dẫn SX nông nghiệp theo khoa học, hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
Đối với tỉnh Đồng Tháp, hiện nay xu hướng chuyển đổi đất nông nghiệp sang ngành khác là chưa nhiều. Mặc dù dân cư trong tỉnh mỗi năm đều tăng, tỉnh cũng đưa ra quy hoạch khu dân cư và khu công nghiệp nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến đất lúa. Nếu các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư có lợi cao thì tỉnh sẵn sàng xin phép chủ chương của Chính phủ phê duyệt. Còn đầu tư các công trình không mang lợi cao, mà lại lấy nhiều đất nông nghiệp chẳng hạng như sân golf thì tỉnh không đồng ý với chủ chương này.
Bà Phan Thị Yến Nhi, GĐ Sở NN-PTNT An Giang: Cần chính sách hỗ trợ nông dân giữ đất lúa
Mấy năm gần đây An Giang là tỉnh SX lúa đứng nhất ở ĐBSCL, kế đến là cá tra. Thế mạnh phát triển của tỉnh vẫn là nông nghiệp rồi mới đến công nghiệp và du lịch, dịch vụ thương mại. Hiện nay, tỉnh An Giang đang lập đề án quy hoạch bảo vệ 249.000 đất lúa, SX lúa chất lượng cao có liên kết, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
UBND tỉnh An Giang đang lập kế hoạch đề xuất Chính phủ xin hỗ trợ cho người dân bảo vệ đất lúa là 3 triệu đồng/ha/năm. Đây là cách làm nhằm để khuyến khích nông dân bám đất lúa về lâu về dài. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải có chính sách đầu tư về hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, điện và vốn vay ưu đãi cho người trồng lúa.
Đến nay, tỉnh An Giang phát triển công nghiệp đều nằm trong kế hoạch của tỉnh. Còn phát triển các khu dân cư, cụm tuyến dân cư vượt lũ đã được tỉnh đầu tư xây dựng trong các năm qua, do đặc thù mỗi năm có nước lũ dâng cao. Việc xây dựng các khu, cụm tuyến dân cư đưa dân vào tránh lũ, đa phần lồng ghép nằm trên các tuyến đê bao nên không ảnh hưởng lớn đến diện tích đất SX lúa.
Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang: Công khai quy hoạch cho dân biết
Hiện nay, Hậu Giang đang có 82.000 ha đất lúa. Nhưng theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 thì diện tích đất lúa của tỉnh giảm xuống còn 77.200 ha. Gần 5.000 ha đất lúa bị giảm là để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng, giao thông, khu dân cư, khu công nghiệp. Diện tích quy hoạch này cũng đã được tách bạch rõ ràng, chỉ chuyển đổi ở những nơi khó khăn, SX kém hiệu quả, tuyệt đối không lấy đất bờ xôi ruộng mật của dân.
Theo ông Đồng, để giữ tốt diện tích đất lúa thì cần công khai quy hoạch cho nông dân biết, để họ không tự ý chuyển đổi hoặc nếu chính quyền địa phương lấy đất lúa để làm vào mục tiêu khác thì dân sẽ phản đối. Tỉnh Hậu Giang đang có nhiều chính sách để giữ ổn định diện tích đất lúa như đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đê bao khép kín vùng trồng lúa, nâng cao hiệu quả SX cho người trồng lúa. Mục tiêu của tỉnh là phải giữ diện tích đất lúa làm sao đảm bảo mỗi năm SX tối thiểu 1 triệu tấn lương thực vừa đảm bảo tiêu dùng vừa có nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.
Ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang: Nâng cao thu nhập cho người trồng lúa
Nhờ hiệu quả từ những công trình thủy lợi lớn được Trung ương đầu tư, nhiều diện tích đất hoang hóa được đưa vào SX nên diện tích đất lúa của Kiên Giang liên tục tăng. Toàn tỉnh hiện có 356.000 ha đất lúa, trong đó đất chuyên lúa 2 đến 3 vụ/năm là 280.600 ha, còn lại là đất lúa mùa, tôm-lúa. Dự kiến đến năm 2020, diện tích đất lúa của tỉnh sẽ còn khoảng 340.000 ha, trong đó có 292.000 ha đất lúa 2 đến 3 vụ/năm, còn lại là 1 vụ.
Hiện một số vùng còn khoảng 9.400 ha đất, nếu được đầu tư hạ tầng nông dân có thể chuyển sang trồng lúa hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Để giữ đất lúa ổn định thì Nhà nước cần phải ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa, bơm điện, ứng dụng tiến bộ KHKT vào SX để giảm rủi ro, hạ giá thành SX. Khi nào thu nhập của người trồng lúa được nâng lên, đạt mức ngang bằng với các hình thức SX khác thì nông dân mới yên tâm giữ đất lúa.
Related news
Tính đến ngày 3/7/2014, nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã thu hoạch được trên 2.476 tấn cá lóc, hơn 26.019 tấn cá tra, 1,6 tấn ếch, 5,2 tấn lươn và hơn 1.057 tấn tôm cá các loại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 337.000 tấn cao su với tổng kim ngạch 644 triệu đô la Mỹ, giảm gần 12% về lượng nhưng giảm đến 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2014 đạt 1.842 đô la Mỹ/tấn, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, năm nay sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại xuất hiện, từ đó hàng triệu hộ nông dân ở miền Trung đã tất bật lo bảo vệ đàn trâu bò và đàn gia cầm an toàn. Hiện ở vùng cao các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, ngoài việc đảm bảo ủ ấm, người dân còn tăng cường tìm kiếm thức ăn cỏ tươi cho gia súc. Trong khi đó, ở miền xuôi, nông dân tăng cường giữ rơm khô để vừa sưởi ấm, vừa làm thức ăn cho đàn trâu bò nhằm phục vụ mùa màng sắp đến.
Ông Phạm Minh Hoàng - ngụ khu vực 3, phường Lái Hiếu, TX.Ngã Bảy, Hậu Giang - kể: “Vườn nhà tôi có 7 công dâu bòn bon với 250 cây. Mọi năm, thu hoạch xong khoảng ngày 23.6. Năm nay, chẳng có thương lái nào đến mua. Thu hoạch bán lẻ đã kéo dài cả tháng, nhưng chỉ bán được 3 cây. Năm 2013, bán được giá 5.000 đồng/kg, năm nay đầu vụ giá giảm còn 1.500 đồng/kg!”.
Thực hiện Dự án phát triển nuôi gà thả đồi giai đoạn 2014 – 2016, đến nay, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã có 42 hộ dân tại các xã: Cam Cọn, Bảo Hà, Minh Tân và Thượng Hà được hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà.