Làm chủ thị trưởng nông sản - vẫn là doanh nghiệp tư nhân và DN FDI
Từ nhiều năm nay, trong lĩnh vực nông nghiệp, các DN tư nhân đã âm thầm vươn lên mạnh mẽ và chiếm vai trò chủ đạo, thậm chí là tuyệt đối ở nhiều mặt hàng nông sản chủ lực.
Kim ngạch XK điều hiện nay do DN tư nhân đóng góp với tỷ lệ gần tuyệt đối
Xu thế này sẽ còn tiếp diễn ở một số ngành hàng nông sản chủ lực còn lại mà DN nhà nước hiện vẫn đang đóng vai trò nhất định.
Chiếm lĩnh phần lớn mặt hàng chính
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, có 8 mặt hàng nông sản đạt giá trị XK từ trên 1 tỷ USD trở lên là thủy sản, gỗ, cà phê, hạt điều, rau quả, gạo, cao su và hạt tiêu. Điều đáng chú ý là ở phần lớn các mặt hàng XK chủ lực nói trên, vai trò của khối DN nhà nước rất mờ nhạt hoặc hầu như không có. Thay vào đó, đóng vai trò XK chủ lực là các DN tư nhân và DN FDI.
Điển hình như trong ngành hạt điều. Nếu chỉ tính nhân điều, thì giá trị XK trong năm 2016 là 2,841 tỷ USD. Còn nếu tính cả các sản phẩm giá trị gia tăng và phụ phẩm, giá trị XK của ngành điều đạt trên 3 tỷ USD. Nhưng theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, trong ngành điều hiện nay, hầu hết là các công ty tư nhân. Điều này đồng nghĩa với việc trên 3 tỷ USD XK điều, đều do tư nhân thực hiện.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và là PCT Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, trong ngành hồ tiêu hiện nay, thực hiện XK đều do các công ty tư nhân và một số công ty FDI thực hiện, với giá trị XK năm 2016 là 1,428 tỷ USD. Trong ngành hồ tiêu, hiện vẫn có sự tham gia của một DN nhà nước, nhưng đơn vị này hầu như không tham gia XK. Trong ngành cà phê, dù vẫn còn sự tham gia của TCty Cà phê Việt Nam, nhưng XK chủ lực do các DN tư nhân thực hiện.
2 ngành hàng nông nghiệp có giá trị XK lớn nhất hiện nay là thủy sản (hơn 7 tỷ USD năm 2016) và gỗ (gần 7 tỷ USD), thì khối tư nhân đều chiếm vai trò quan trọng, nhất là ở thủy sản. Trong XK thủy sản, các doanh nghiệp tư nhân đã chiếm vai trò chủ đạo từ nhiều năm nay. Ngành thủy sản vẫn còn một số DN nhà nước, nhưng nhìn chung, vai trò của DN nhà nước trong XK thủy sản là khá hạn chế. Trong ngành gỗ, hiện có tới khoảng 80% DN là vốn sở hữu tư nhân, 14% DN là vốn FDI, còn DN nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn là 4% ..
Lợi thế thuộc về tư nhân
Vì sao DN tư nhân đang chiếm vị trí chủ đạo ở phần lớn các mặt hàng nông sản chủ lực? Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Hùng Vương, trước hết, đồng vốn ở các DN tư nhân là do tiền túi của người ta bỏ ra hay phải đi vay mượn ngân hàng, nên người ta phải luôn tính toán, làm sao đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Bên cạnh đó, trong kinh doanh, XK nông lâm thủy sản, DN tư nhân có những lợi thế hơn hẳn so với DN nhà nước về sự linh hoạt, uyển chuyển, nhanh nhạy...
Chẳng hạn, với một hợp đồng mua bán, XK nông sản, ông chủ DN tư nhân nhiều khi chỉ cần 5 phút để ra quyết định. Nhưng nếu là DN nhà nước, thì phải mất khá nhiều thời gian để bàn bạc, thống nhất..., nên dễ bị bỏ qua một cơ hội tốt. Hay để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, năng lực cạnh tranh..., nhiều DN tư nhân đã thuê chuyên gia nước ngoài, còn DN nhà nước thì không thể.
Theo ông Đỗ Hà Nam, tính rủi ro cao trong kinh doanh nông sản là yếu tố quan trọng khiến cho DN nhà nước ngày càng vắng bóng trong lĩnh vực này. Sự lên xuống thất thường của giá cả nông sản trong nước lẫn thị trường XK, buộc các doanh nhân luôn phải có những nhận định chính xác và đưa ra những quyết định kịp thời, nhiều khi là táo bạo như mua sau, bán trước hoặc mua trước, bán sau... Mà những quyết định kiểu này, chỉ ông chủ DN tư nhân mới có thể làm được, bởi nếu thua lỗ thì họ tự chịu. Còn nếu là DN nhà nước, bị thua lỗ sẽ liên quan tới việc mất vốn nhà nước, phải chịu trách nhiệm không nhỏ...
Hiện, một số mặt hàng nông sản chủ lực, do tính chất đặc thù mà các DN nhà nước vẫn chiếm vai trò quan trọng như cao su, gạo... Nhưng vai trò của các DN nhà nước ở những mặt hàng này đang giảm dần, nhất là trong ngành gạo. Với việc các thị trường tập trung đang chuyển dần sang xu hướng thị trường hóa, thay NK nhà nước bằng NK tư nhân, thì cơ hội cho các DN tư nhân trong ngành gạo ở Việt Nam sẽ ngày càng lớn hơn trước.
Related news
Sâu đục thân 2 chấm tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng trên mạ mùa và lúa mùa cực sớm - sớm, lúa sạ...
Gia đình chị Nhữ Thị Thu Lan tham gia mô hình phấn khởi cho biết, chị mạnh dạn chuyển đổi diện tích 1.000m2 trồng ngô sang trồng hành.
Đến nay, hợp đồng đã đăng ký đạt trên 3,5 triệu tấn. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm sẽ xuất khẩu thêm khoảng 2,97 triệu tấn.